Bài 2: Tiếp nối sứ mệnh gìn giữ hòa bình của quân y Việt Nam
(ĐCSVN) – Tiếp nối công việc của các Bệnh viện dã chiến cấp 2 mà Việt Nam đã triển khai rất thành công trong những năm qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2022 và ghi được nhiều dấu ấn, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC 2.4) với biên chế 63 đồng chí (12 nữ quân nhân) có nhiệm vụ triển khai thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Trong suốt thời gian qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã nỗ lực tham gia đầy đủ các chương trình huấn luyện về chuyên môn quân y, quân sự, ngoại ngữ và huấn luyện tiền triển khai, đồng thời chuẩn bị công phu về mọi mặt để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Vững bước lên đường
|
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội truyền nhiễm BVDC 2.4 lúc ở cửa máy bay để lên đường làm nhiệm vụ. Giữ chặt bên mình lá cờ Tổ quốc, với đôi mắt rưng rưng, bác sĩ quân nhân Thanh Hải giơ tay theo quân lệnh để chào tạm biệt mọi người. Đó là một khoảnh khắc trang nghiêm nhưng vô cùng xúc động. Sau này, khi đã sang đến Nam Sudan, chị chia sẻ rằng, cảm xúc của chị vào giây phút đó là niềm vinh dự, tự hào xen lẫn cả nỗi thương nhớ quê hương, gia đình khi lên đường làm nhiệm vụ ở một nơi rất xa Tổ quốc. Chị dặn lòng mình phải nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạm cất đi những cảm xúc cá nhân để vững bước lên đường làm nhiệm vụ.
Đặt chân đến đất nước Nam Sudan, cảm nhận đầu tiên của Thiếu tá, bác sĩ Thanh Hải là xúc động trước những đưa trẻ chỉ bằng tuổi con mình mà không có đủ những nhu cầu tối thiểu như quần áo, giày dép,... Đồ chơi của các em là những chai nhựa đổ đầy đất đá, là những bánh xe cũ lăn trên những con đường đầy bùn đất,… nhưng trên môi các em vẫn giữ những nụ cười hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ. Những hình ảnh bình dị đó đã chạm tới trái tim của nữ bác sĩ lần đầu làm nhiệm vụ ở xa Tổ quốc.
Còn với Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó Giám đốc BVDC 2.4, đây là lần thứ hai chị nhận nhiệm vụ ở Nam Sudan. Không còn bỡ ngỡ như lần đầu, chị quay trở lại Nam Sudan lần này với một tâm thế rất vững vàng. Tất cả trải nghiệm chị có được trong nhiệm kỳ là một sĩ quan tham mưu tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan chính là hành trang để chị mang theo trong lần thực hiện nhiệm vụ này cùng với BVDC 2.4.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga chụp ảnh cùng người dân địa phương ở Bentiu, Nam Sudan (Ảnh: Sỹ Công ) |
Chia sẻ với chúng tôi, các chị đều nói rằng: Cuộc sống giản đơn, nghèo khó của những người dân bản địa đã thôi thúc các chị cần làm tốt công việc của mình để góp phần mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc hơn cho người dân ở quốc gia vẫn còn nhiều bất ổn như Nam Sudan. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình mà tôi có dịp tiếp xúc và hỏi chuyện. Với họ, được đứng trong hàng ngũ của Phái bộ Liên hợp quốc vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao!
Bắt nhịp nhanh với môi trường làm việc mới
Trung tá Vũ Minh Dương, Giám đốc BVDC 2.4 cho biết, BVDC 2.4 đã tiếp nhận bàn giao công việc từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3). Ngay từ khi đặt chân đến Bentiu, Ban giám đốc Bệnh viện đã thống nhất nhanh chóng ổn định đơn vị, làm tốt công tác bàn giao cơ sở vật chất cũng như các quy trình, tiếp quản và vận hành sớm các hoạt động của bệnh viện nhằm tránh gián đoạn công tác khám chữa bệnh của bệnh viện.
Nhờ sự hỗ trợ của Chỉ huy trưởng lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ, lãnh đạo BVDC 2.3, công tác bàn giao đã hoàn thành trong 5 ngày và bệnh viện nhanh chóng đi vào hoạt động ngay sau đó. Sau một tháng hoạt động, bệnh viện đã thu dung khám chữa bệnh hơn 110 ca, phẫu thuật được 04 ca, vận chuyển đường không được 2 ca. Bệnh nhân các đơn vị bạn rất hài lòng, tin tưởng với trình độ và thái độ chăm sóc của bệnh viện Việt Nam.
Trung tá Vũ Minh Dương cho biết, hiện BVDC 2.4 thực hiện đồng thời nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao phó và nhiệm vụ khám chữa bệnh tại Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ngoài việc tuân thủ theo những hướng dẫn, quy định của Liên hợp quốc, BVDC 2.4 còn xây dựng những quy trình khám chữa bệnh riêng dựa trên đặc thù, tính chất khám chữa bệnh tại địa bàn. Mỗi khoa, ban của Bệnh viện đều có quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Đối với những ca bệnh khó, bệnh viện sẽ triển khai hệ thống Tele Medicine, xin ý kiến chỉ đạo từ các chuyên gia của Học viện Quân y.
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của Bệnh viện, Trung tá Vũ Minh Dương cho biết: “Khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, Bệnh viện được kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm quý báu mà các bệnh viện tiền nhiệm để lại. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được những tình cảm tốt đẹp, sự hỗ trợ của các đơn vị bạn và người dân địa phương dành cho Bệnh viện. Không chỉ vậy, mặc dù BVDC 2.4 đang làm nhiệm vụ tại đất nước Nam Sudan xa xôi, nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Học viện Quân y. Chúng tôi cũng nhận được sự hẫu thuẫn to lớn từ phía hậu phương, để chúng tôi khi làm việc xa nhà có thể yên tâm công tác”.
Lễ chào cờ của BVDC 2.4 vào mỗi thứ hai đầu tháng (Ảnh: Sỹ Công) |
Cũng theo người đứng đầu BVDC 2.4, điều kiện sống và làm việc tại Nam Sudan khá khắc nghiệt, trong khi đó với đa số cán bộ, nhân viên Bệnh viện đây là lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài. Tuy có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng nhưng trên tất cả, sự đoàn kết, nỗ lực và tinh thần tương trợ lẫn nhau của cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã giúp mọi người nhanh chóng bắt nhịp được môi trường mới.
Tích cực làm tốt công tác chuyên môn
Về công tác chuyên môn, Thiếu tá, bác sĩ Lê Việt Anh, Phó giám đốc chuyên môn BVDV 2.4 cho biết, Bệnh viện đã bắt đầu thu dung, khám chữa bệnh từ những ngày đầu tiên sau khi nhận bàn giao nhiệm vụ. Mỗi ngày, trung bình Bệnh viện tiếp nhận 6-8 ca với nhiều bệnh lý khác nhau như: tăng huyết áp, đau cột sống thắt lưng, chấn thương, các bệnh lý nha khoa, tai mũi họng…
Đáng nhớ nhất là ngay trong tuần đầu tiên hoạt động, các bác sĩ của BVDC2.4 đã tiến hành thành công một ca phẫu thuật phức tạp. Đó là bệnh nhân chuyển từ bệnh viện cấp 1 lên với biểu hiện sốt nhẹ, đau âm ỉ, liên tục vùng bụng phải và dưới rốn, nôn và đi ngoài. Đây là một trường hợp khó chẩn đoán xác định bệnh. Qua thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng, các bác sĩ BVDC2.4 chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu ngay sau đó. Bệnh nhân sau mổ ổn định được tiếp tục chăm sóc tại phòng ICU. Đây là ca mổ ghi dấu sự chuẩn bị chu đáo của BVDC 2.4 về mọi mặt, từ công tác chẩn đoán, tổ chức phẫu thuật và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.
Một số hoạt động chuyên môn của BVDC 2.4 (Ảnh: Sỹ Công) |
Ngày 17/6/2022, BVDC2.4 tiếp nhận một bệnh nhân người Ghana thuộc lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc (Ghana FPU) vào viện trong tình trạng sưng đau, chảy dịch mủ tại vùng hậu môn. Trước đó khoảng 1 tháng bệnh nhân này đã từng nhập viện và được các y bác sĩ của BVDC2.4 lấy bỏ dị vật là một mảnh xương lợn lớn ở vùng hậu môn-trực tràng. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán rò hậu môn phức tạp và có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ đường rò.
Sau khi làm mọi công tác chuẩn bị, hội chẩn và thảo luận về phương pháp mổ, phương pháp vô cảm, các phẫu thuật viên của BVDC2.4 đã tiến hành ca mổ một cách thuận lợi. Với cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện dã chiến khó khăn, đây là một ca mổ phức tạp, đòi hỏi các bác sĩ phải thực sự dày dạn kinh nghiệm. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Ngày 24/6/2022, sau một tuần được các thầy thuốc của BVDC2.4 điều trị, chăm sóc vết mổ tận tình, chu đáo, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện về đơn vị tiếp tục công tác.
Liên quan đến công tác chuyên môn, BVDC 2.4 cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn với chủ đề về chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim cấp để huấn luyện và cập nhật kiến thức chuyên môn cho các BVDC cấp 1 của tiểu đoàn bộ binh Ghana, lực lượng công binh Parkistan, tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ, đơn vị cảnh sát Ghana, bệnh viện cấp 1 của Liên hợp quốc; chủ đề về chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Mục đích của buổi huấn luyện là nhằm kịp thời trang bị những kiến thức căn bản, những kỹ năng dịch tễ cần thiết cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu, từ đó giúp cho hệ thống y tế trong toàn phái bộ có sự nhất quán, đồng bộ, chủ động sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh có nguy cơ lây lan sang khu vực phái bộ đang đóng quân.
Cùng gieo ươm những mầm xanh hi vọng
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga – Phó Giám đốc BVDC 2.4 chia sẻ: "Kể từ lần đầu tiên khi tôi đặt chân xuống Nam Sudan - quốc gia trẻ nhất thế giới (Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập vào năm 2011), tôi đã bị ấn tượng bởi những ngôi nhà đơn sơ của người dân, đặc biệt là ở khu vực Bentiu - nơi BVDC2.4 đóng quân. Vì vậy, tôi cảm thấy công việc của chúng tôi ở nơi đây thật ý nghĩa. Chúng tôi được góp phần công sức nhỏ bé duy trì hòa bình tại đất nước này. Nam Sudan là đất nước đang có nội chiến, người dân Nam Sudan, đặc biệt là ở Bentiu vẫn còn đói nghèo. Tuy nhiên, người dân nơi đây rất thân thiện, đặc biệt là đối với bộ đội Việt Nam. Mỗi lần thấy bộ đội Việt Nam đi qua, người dân bản địa đều dành cho chúng tôi những lời chào thân thiện, những cái vẫy tay nồng hậu, chào đón. Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để chúng tôi làm việc mỗi ngày”.
Các thành viên BVDC 2.4 trồng cây xanh tại Trường tiểu học Charles Kuot (Ảnh: Sỹ Công) |
Chia sẻ về tình cảm của người dân bản địa với bộ đội Việt Nam, Trung úy Nguyễn Sỹ Công – Khoa Khám bệnh, BVDC 2.4 kể rằng: Khi xe của Liên hợp quốc chở đoàn của bệnh viện tới gần làng thì trẻ em nơi đây đã chạy ra vẫy tay chào đón chào bộ đội Việt Nam, bập bõm nói 2 từ “xin chào”, rồi chạy theo xe. Khi xe vào tới làng thì già làng và nhiều người lớn tuổi khác đã ra đón tiếp rất nồng hậu. Họ nở những nụ cười rất tươi khi thấy cờ Việt Nam. Bởi trong những năm qua, sự có mặt của bộ đội Việt Nam trong đội hình BVDC số 1, số 2 và số 3 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và tình cảm yêu mến của người dân địa phương. Có người dân chia sẻ rằng, họ rất biết ơn bộ đội Việt Nam vì đã giúp đỡ, hỗ trợ họ nhiều trong cuộc sống hằng ngày.
Mới đây, nhân ngày Trẻ em châu Phi 16/6, BVDC 2.4 của Việt Nam tổ chức hoạt động quân - dân kết hợp (CIMIC) trong nhiệm kỳ của mình tại Nam Sudan. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện, các thành viên của BVDC 2.4 đã chuẩn bị những món quà được mang từ Việt Nam sang Nam Sudan. Đó là những bức tranh, áo thun, dụng cụ học tập… thể hiện tấm lòng của những cán bộ, nhân viên BVDC 2.4 cũng như đất nước, con người Việt Nam với người dân, đặc biệt là trẻ em châu Phi. Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã tới thăm và tặng quà các em học sinh Trường tiểu học Charles Kuot của bang Unity. Tại đây, các y bác sĩ BVDC 2.4 đã trồng những cây bàng tại khuôn viên trường học với ước mong mang đến màu xanh cho mảnh đất nhiều nắng gió khắc nghiệt này.
Một giáo viên của Trường tiểu học Charles Kuot chia sẻ với cán bộ, nhân viên BVDC 2.4: “Những cây xanh này sẽ lớn lên, và nhiều năm nữa, khi các bạn đến nơi này, chúng tôi sẽ kể lại câu chuyện về những người Việt Nam đã vun trồng nên nó”.
Ngoài những giờ làm việc, các thành viên BVDC 2.4 tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa bàn đóng quân (Ảnh: Sỹ Công) |
Những cây xanh được các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trồng tại Trường tiểu học Charles Kuot cũng như tại nhiều nơi khác ở Nam Sudan đã được gieo ươm từ những hạt mầm mang từ Việt Nam sang, được nuôi dưỡng, chăm sóc bởi bàn tay lao động cần cù và trái tim yêu chuộng hòa bình của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Đó là mầm xanh của hi vọng, hạnh phúc mà “những sứ giả hòa bình” của Việt Nam muốn gửi đến người dân yêu chuộng hòa bình ở Nam Sudan cũng như trên toàn thế giới./.
Bài 1: Công binh Việt Nam lần đầu thực hiện nhiệm vụ quốc tế