Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Bài 2:  Thông lệ quốc tế và những nỗ lực hội nhập của Việt Nam

(ĐCSVN) - Các quốc gia thành viên của Khuôn khổ hợp tác ngăn chặn những hành động làm xói mòn hệ thống thuế nội địa và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) do G20 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng đang tích cực tham gia và có nhiều hành động cụ thể để tận dụng những lợi ích từ Khuôn khổ hợp tác này, đặc biệt là Chương trình hành động Thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam đang làm gì để hội nhập phù hợp với các thông lệ quốc tế và tận dụng hiệu quả những lợi ích từ việc tham gia khuôn khổ hợp tác này?

Ai được hưởng lợi từ việc hợp tác toàn diện ngăn chặn BEPS?

Sau khi G20 kêu gọi các quốc gia quan tâm, đặc biệt là các nước đang phát triển, tham gia vào chương trình nghị sự BEPS thì số thành viên của Khuôn khổ hợp tác chung OECD/G20 tăng lên nhanh chóng. Trong tổng số 141 thành viên của Khuôn khổ hợp tác, có đến 48 quốc gia thu nhập trung bình hoặc thấp, chiếm khoảng 34% tổng số thành viên. Tại Đông Nam Á, một số nước đã tham gia Khuôn khổ hợp tác như: Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Theo Báo cáo đánh giá của OECD dành cho các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương OECD, các nước đang phát triển nhận được những ảnh hưởng tích cực từ các hành động về BEPS, cụ thể: 

Các nước đang phát triển đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc củng cố các quy tắc và xây dựng năng lực về kiểm soát chuyển giá. 

Đối với kiểm soát chuyển giá, mục tiêu quan trọng của các nước đang phát triển chính là hạn chế việc chuyển giá, được coi là một trong những rủi ro trọng yếu của BEPS. Tiêu chuẩn quốc tế về chuyển giá gần như nhận được sự đồng thuận tuyệt đối, trên cơ sở Nguyên tắc chuyển giá do OECD xây dựng, có phạm vi toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, các cơ quan thuế. Các nước đang phát triển đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc củng cố các quy tắc và xây dựng năng lực về kiểm soát chuyển giá.

Trong lĩnh vực kinh tế số, ưu tiên chính hiện nay của các nước đang phát triển là đánh thuế hiệu quả đối với nền kinh tế số, giải quyết các thách thức về thuế giá trị gia tăng (VAT)/thuế hàng hóa dịch vụ (GST) của thương mại điện tử, vốn là một hành động quan trọng về BEPS. Theo đó, trong lĩnh vực thuế gián thu, khoảng 60% các nước đang thực hiện các biện pháp áp VAT/GST đối với hoạt động thương mại điện tử. Nguyên tắc VAT/GST quốc tế của OECD, được bổ sung và hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật và thực tiễn, các giải pháp để giải quyết những thách thức trong quá trình số hóa nền kinh tế. Liên quan đến nguyên tắc thuế này, vào tháng 7/2021, 134 thành viên của Chương trình hợp tác, đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu, đã đạt được thỏa thuận lịch sử về giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các vấn đề về thuế của quá trình số hóa nền kinh tế và đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Trong đó, thuế suất hiệu dụng tối thiểu 15% được rất nhiều nước đồng thuận và 28 quốc gia đang phát triển đã ban hành, đề xuất hoặc đang xem xét các biện pháp VAT/GST.

 Phần lớn các nước đang phát triển tham gia đều nhận được thông tin về các phán quyết thuế được ban hành ở nước ngoài, giúp họ đánh giá rủi ro và kiểm soát việc đánh thuế, tránh đánh thuế trùng hoặc thất thu thuế.

Đối với việc ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nước đang phát triển đã góp phần củng cố hệ thống thuế quốc tế thông qua việc điều chỉnh để bảo đảm các chế độ ưu đãi thuế của họ không gây tổn hại đến nền tảng thuế của các quốc gia khác. Đối với nhiều nước đang phát triển, các ưu đãi về thuế là một công cụ hữu hiệu để khuyến khích các nhà đầu tư FDI. Các chế độ ưu đãi phù hợp sẽ hiệu quả hơn trong việc khuyến khích đầu tư và hạn chế tình trạng trục lợi trong hoạt động FDI như trốn thuế, chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng... Phần lớn các nước đang phát triển tham gia đều nhận được thông tin về các phán quyết thuế được ban hành ở nước ngoài, giúp họ đánh giá rủi ro và kiểm soát việc đánh thuế, tránh đánh thuế trùng hoặc thất thu thuế…

Trên thực tế, các nước đang phát triển có thể sử dụng hành động về BEPS để bảo vệ nền tảng thuế của mình trước sự tác động tiêu cực từ các Hiệp định thuế. Hành động ngăn chặn BEPS yêu cầu các khu vực pháp lý sửa đổi các thỏa thuận đánh thuế hai lần song phương.

Hiệp định thuế đa phương (MLI) là cách tiếp cận hiệu quả để khắc phục những bất cập trong các thỏa thuận song phương mà không cần trải qua các cuộc đảm phán song phương tốn kém. Hiệu quả MLI được nâng cao khi số lượng điều ước được điều chỉnh tăng lên đáng kế trong thời gian gần đây. Nhiều nước đang phát triển đã ký hoặc có kế hoạch ký MLI. Ngày 9/2/2021, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 99 của MLI để thực hiện các biện pháp liên quan đến việc áp dụng các hiệp định nhằm ngăn chặn BEPS.

Công cụ chống thất thu thuế hữu hiệu  

 

Theo ông Robert King, Phó tổng giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ Thuế tại Thị trường Đông Dương (Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam), toàn cầu hóa đã và đang làm dấy lên lo ngại các công ty đa quốc gia có thể tận dụng mức thuế suất thấp và sự không nhất quán giữa các quy định về thuế giữa các quốc gia để giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số trong thời gian qua càng khiến việc thu thuế đúng và đủ trở thành một thách thức lớn.

Thực tế hiện nay, cùng với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế số, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang có nguồn thu khổng lồ từ người tiêu dùng tại các quốc gia trên toàn cầu mà không cần có sự hiện diện trực tiếp tại một quốc gia cố định, dẫn tới sự “lúng túng” trong việc tìm ra một cơ chế đánh thuế thích hợp. Nguồn lợi nhuận khổng lồ tiếp tục được chuyển về "thiên đường" thuế hoặc các quốc gia có thuế suất thấp, dẫn đến một thực tế “nghiệt ngã” là có những công ty doanh thu khổng lồ nhưng chi phí thuế rất thấp, gây nên tình trạng thiếu công bằng, thất thu thuế, nhất là tại các quốc gia, nơi có người tiêu dùng cuối cùng.

Để giải quyết những vấn đề thuế phát sinh trong thời đại kinh tế số, Khuôn khổ hợp tác toàn diện ngăn chặn BEPS do G20/OECD khởi xướng đã thông qua Chương trình hành động Hai trụ cột. Được coi là sự kiện thay đổi nền kinh tế toàn cầu, chương trình này là một cuộc cách mạng toàn diện đối với các quy tắc thuế quốc tế đã tồn tại hàng thập kỷ qua. Trong đó:

Trụ cột 1 đề xuất cơ chế để phân bổ lại một phần lợi nhuận cho các quốc gia, nơi hàng hóa hoặc dịch vụ được tiêu thụ. Cụ thể, chỉ những công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu hàng năm hơn 20 tỷ Euro và lợi nhuận hơn 10% thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 1, trừ các công ty trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng và dịch vụ tài chính. Số lượng công ty bị ảnh hưởng ước tính khoảng 100 các công ty lớn trên toàn cầu. Dự kiến các công ty sẽ phải phân bổ lại từ 20 - 30% phần lợi nhuận phụ trội vượt trên 10%. Cơ chế khấu trừ thuế hoặc miễn thuế sẽ được áp dụng để tránh việc đánh thuế hai lần.

Trụ cột 2 nhằm ngăn chặn cuộc đua ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Trụ cột 2 đưa ra một loạt biện pháp mang tính khuyến nghị nhằm thiết lập một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế tối thiểu là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu hằng năm vượt quá 750 triệu Euro. Khi Trụ cột 2 được áp dụng, các công ty đa quốc gia có mức thuế suất đã nộp thấp hơn 15% tại quốc gia khác, sẽ phải nộp thuế suất bổ sung (top-up tax) tại nước đặt trụ sở chính. Ngoài ra, một quốc gia vẫn có thể lựa chọn áp dụng quy tắc của Trụ cột 2 đối với các công ty đa quốc gia có trụ sở chính tại quốc gia đó ngay cả khi không đạt ngưỡng doanh thu 750 triệu Euro. Trụ cột 2 sẽ không áp dụng cho các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, các tổ chức phi lợi nhuận, hoặc thu nhập từ vận chuyển quốc tế.

Xu hướng thất yếu 

Khi Tuyên bố chung về Chương trình hành động hai trụ cột được Khuôn khổ hợp tác đưa ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước chuẩn bị để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu. Đơn cử tại Hàn Quốc, tháng 12/2022, quốc gia này đã ban hành các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu mới để phù hợp với Trụ cột 2 của Chương trình hành động hai trụ cột thuộc Khuôn khổ hợp tác ngăn chặn BEPS (OECD BEPS 2.0) sau khi được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào ngày 23/12/2022. Quy định này sẽ được đưa vào Đạo luật điều chỉnh thuế quốc tế (AITA) và sẽ có hiệu lực cho các năm tài chính bắt đầu vào hoặc sau ngày 1/1/2024. Các nghị định thực thi, cung cấp hướng dẫn cụ thể hơn về luật, dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2023.

Tại Liên minh châu Âu (EU), ngày 15/12/2022, Hội đồng Liên minh châu Âu đã nhất trí đạt được thỏa thuận thực hiện Chỉ thị Thuế tối thiểu của EU. Theo đó, EU bảo đảm mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với nhóm công ty đa quốc gia và nội địa quy mô lớn ở EU, có hiệu lực vào ngày 23/12/2022. Đồng thời, EU yêu cầu các quốc gia thành viên chuyển đổi các quy tắc này thành luật trong nước trước ngày 31/12/2023. Ngoài ra, cho phép trì hoãn việc áp dụng các quy tắc cho đến ngày 31/12/2029 bởi các quốc gia thành viên có trụ sở không quá 12 công ty mẹ cuối cùng của các nhóm công ty đa quốc gia trong phạm vi quốc gia đó.

Tại Mỹ, luật pháp đã quy định: Thu nhập chịu thuế thấp vô hình toàn cầu (GILTI) là một loại thu nhập do các tập đoàn nước ngoài (CFC) do Mỹ kiểm soát thu được ở nước ngoài và chịu sự đối xử đặc biệt theo luật thuế của Mỹ. Thuế GILTI nhằm ngăn chặn việc làm suy giảm nền tảng thuế của Mỹ bằng cách ngăn cản các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận của họ từ Mỹ sang các khu vực pháp lý nước ngoài có thuế suất thấp hơn thuế suất của Mỹ. GILTI hiện không phù hợp với Quy tắc Bao hàm thu nhập và do đó không tuân thủ Trụ cột 2 trong OECD BEPS 2.0. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã ban hành Đạo luật xây dựng lại tốt hơn (BBBA) bao gồm các sửa đổi đối với GILTI để áp dụng thuế trên cơ sở từng quốc gia và tăng thuế suất thực tế lên 15,8%, phù hợp với Trụ cột 2.

Gần đây, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia và Singapore đã triển khai cơ chế tính toán lợi nhuận thặng dư nhằm thu phần thuế bổ sung thông qua thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT), trên cơ sở áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Dự kiến, kế hoạch này được xây dựng và thực thi từ sau năm 2024.

 Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai Chương trình BEPS.

Là một quốc gia đang phát triển, trên bước đường hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia các sân chơi lớn với nhiều quy tắc chung là con đường tất yếu mà Việt Nam sẽ phải đi. Nhất quán quan điểm này, trên cơ sở định hướng của các cấp có thẩm quyền, ngay từ tháng 3/2008, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD (DEV). DEV là cơ quan được thành lập với mục tiêu hỗ trợ OECD xây dựng Báo cáo thường niên về Triển vọng kinh tế Đông - Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phải là thành viên của OECD.

Tháng 7/2016, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai Chương trình BEPS với nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết, thuận lợi, thách thức và đề xuất các giải pháp chính sách, quản lý thuế nhằm củng cố và bảo vệ nguồn thu đối với các vấn đề thuế toàn cầu, trong đó có BEPS. Đồng thời đề xuất tham gia thực hiện Dự án BEPS phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam, bảo đảm vừa tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, vừa nâng cao tính minh bạch và công bằng, mở rộng cơ sở nguồn thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống thuế.

 

Tháng 2/2022, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Ngăn ngừa suy thuế cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, hay còn gọi là Hiệp định Thuế đa phương (MLI), bao trùm hơn 1.800 hiệp định thuế song phương, trở thành thành viên thứ 99 của hiệp định này. MLI góp phần đồng bộ hóa và tăng cường hiệu quả của gần 3.000 hiệp định thuế song phương của các quốc gia và lãnh thổ thành viên. Công cụ đa phương này cũng cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, đặc biệt là bằng cách bổ sung một điều khoản tùy chọn về trọng tài ràng buộc và bắt buộc, đã được 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua.

Từ năm 2022, Tổng cục Thuế kết hợp với Công ty Ernst & Young Việt Nam rà soát được 1.015 doanh nghiệp FDI có doanh thu trên 750 triệu Euro (theo báo cáo tài chính năm 2021). Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế địa phương rà soát chế độ đối với các doanh nghiệp đó như thế nào. Hiện có 20 cục thuế báo cáo có 400 doanh nghiệp FDI đang hưởng chế độ ưu đãi và chỉ còn 1 năm hưởng ưu đãi giảm thuế.

 

Còn theo chuyên gia Thomas McClelland, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, dù ở vị thế đầu tư hay nhận đầu tư, các quốc gia đều đang có những động thái trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Không hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và cả thuế bổ sung nếu phát sinh, đồng thời giảm thiểu khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực... Tác động của chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những động thái kịp thời trước khi quá muộn.

Bài 1: Nỗ lực quốc tế về việc ngăn chặn BEPS

Bài 3: Thận trọng nhưng nhất quán với chính sách hội nhập rộng mở

Minh Phương
17/04/2023 15:30
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN