(ĐCSVN) - Với những gì diễn ra trong thời gian qua và đặc biệt là đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này cho thấy, mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe, tính mạng đối với con người đặt ra thách thức lớn đối với khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Để vượt qua thách thức ấy Đảng, Nhà nước đã có quyết định lịch sử kêu gọi tập hợp sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc để cùng chiến đấu và chiến thắng “giặc” COVID-19.
Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước ta được phát hiện vào ngày 23/1/2020 (29 Tết). Với sự nhạy bén trong phân tích, nhận định tình hình, ngay trong thời điểm toàn dân vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định được tính chất nguy hiểm, phức tạp của tình hình. Chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ, chính thức phát động toàn dân “chống dịch như chống giặc”. Trận chiến với “giặc COVID-19” đã khởi đầu như vậy, Ban Bí thư yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.
Bước vào đợt dịch thứ 4 này ác liệt hơn nhiều so với các đợt trước đó, với con số vào lúc cao điểm trên mười ngàn người/ngày, đặt ra nhiệm vụ phòng chống dịch là vô cùng cấp bách.
Trong thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19... Các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt như giãn cách, cách ly xã hội, “chiến lược vắc-xin”, “vắc-xin và biện pháp 5K”... để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực.
Theo đó ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; cảm ơn cộng đồng quốc tế đã đồng hành, ủng hộ, chung tay góp sức cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch; biểu dương sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh; phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Theo Tổng Bí thư: Hiện nay, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Tôi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.
Tổng Bí thư tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!
Trong một số cuộc họp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp. Theo đó, có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng, một số địa phương còn chủ quan, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả. Quán triệt xử lý nghiêm hành vi vi phạm, yêu cầu thay thế kịp thời cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo, giảm thiểu số ca tử vong... là những mục tiêu. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
“Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là, thay thế kịp thời cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch” là yêu cầu được Tổng Bí thư đưa ra chỉ đạo. Đồng thời các địa phương cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay; đồng thời, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.
Theo Tổng Bí thư, dịch COVID-19 là vấn đề lớn, khó và phức tạp, không phải chỉ đối với Việt Nam mà với cả thế giới. Dịch bệnh trên toàn thế giới diễn biến rất phức tạp với nhiều biến chủng khó lường. “Nói thì dễ làm thì khó, phải thông cảm với anh em ở địa phương vì họ rất vất vả”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, chúng ta phải dự báo được tình hình dịch liệu còn diễn ra như thế nào, còn biến thể gì nữa, sau TP.HCM “dịch liệu đã êm chưa”. Tổng Bí thư, yêu cầu làm quyết liệt hơn nhưng phải rất bình tĩnh, không quá ồn ào, chỉ đạo tập trung, thống nhất xuống tận thôn, khu phố, xã, phường, huyện, tỉnh.“Khó nhất là dự báo tình hình, đề ra kịch bản, phương án. Lường đến khả năng xấu nhất”, Tổng Bí thư lưu ý.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đoàn kết một lòng, vào cuộc quyết liệt trong trận chiến đấu mới, đặc biệt này, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Dịch bệnh đã và đang bào mòn thu nhập và sức khỏe người dân nhưng không thể làm nhụt đi ý chí và nghị lực vượt khó của nhân dân ta. Diễn biến của đại dịch còn phức tạp nhưng tôi tin tưởng dịch sẽ sớm được kiểm soát, cuộc sống của người dân sớm trở lại trạng thái bình thường.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Bình Dương. |
Chủ tịch nước đề nghị: tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn giữa chính quyền với nhân dân. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, vai trò của tổ dân phố, vai trò của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở trong việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các cháu mồ côi, người già neo đơn, người khiếm thị, người đau yếu, bệnh tật. Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có nhiều kênh, nhiều cách để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, đáp ứng ở mức cao nhất, kịp thời nhất những nhu cầu của người dân trong khả năng cho phép của chính quyền, thấm nhuần quan điểm “không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau trong đại dịch”.
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và tình hình thực tế phòng chống, dịch bệnh Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã hành động khẩn cấp và quyết liệt ban hành chỉ thị để chỉ đạo, thực hiện. Với sự ra đời Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới là cần thiết và kịp thời. Chỉ thị số15, Chỉ thị số16 và Chỉ thị số 19 đều là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như việc tập trung đông người, khoảng cách an toàn tối thiểu, hoạt động của các cơ sở kinh doanh, vận tải… trong những thời điểm khác nhau. Trong đó, Chỉ thị 16 là văn bản thể hiện sự quyết liệt nhất với biện pháp “cách ly toàn xã hội”.
Trong lần đại dịch thứ 4 này Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, nhấn mạnh quan điểm và tinh thần chỉ đạo mới, cách tiếp cận mới với đại dịch, đó là “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”. Tinh thần, quan điểm chỉ đạo này đã tạo ra những tiền đề quan trọng để hiện thực hóa “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Chính phủ tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những “điểm nghẽn” để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Bên cạnh đó là nhiệm vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong đó có giải pháp quan trọng, lâu dài là quyết liệt, thần tốc với chiến lược vaccine, phải bằng mọi giá, mọi cách để có vaccine tiêm cho nhân dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thời điểm khó khăn này, sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Để tiến công giành thắng lợi trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, vaccine là vũ khí lợi hại nhất, là tiên quyết để cuộc chiến đi đến thắng lợi toàn diện.
Thủ tướng kiểm tra yếu phẩm, thuốc men... trong túi an sinh sẽ được cung cấp cho người dân ở TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Nhật Bắc |
Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng hơn 25 nghìn tỷ VN đồng. Trong khi Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, cuộc chiến này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Trong bối cảnh phải “sống chung với dịch bệnh”, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine, tối 05/6, Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 chính thức ra mắt với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi và gửi lời cảm ơn tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, những người bạn, các đối tác quốc tế của Việt Nam tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 bằng kinh phí, vật chất, công sức, trí tuệ, tình cảm, theo mọi hình thức, ở mọi nơi, mọi lúc.
Một đồng đóng góp cho Quỹ cũng quý. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là mọi khoản kinh phí đóng góp dù nhiều hay ít, mọi lời góp ý, mọi sự ủng hộ cho công cuộc phòng chống COVID-19 nói chung và cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 nói riêng đều được nâng niu, trân trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân liên quan cần hành động khẩn trương nhất với tinh thần “thần tốc” trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện cho người dân, cho các nhà hảo tâm để đóng góp cho Quỹ bằng mọi hình thức thuận tiện nhất; quản lý công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả nhất để tiêm vaccine cho người dân.
Theo Thủ tướng chúng ta phải quyết tâm với tinh thần “không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm”, đây là thông điệp mạnh mẽ của của Chính phủ hành động vì dân. Trong phiên chất vấn tại Quốc hội vừa qua, trả lời về kinh nghiệm được rút ra sau 2 năm chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định bài học kinh nghiệm đầu tiên chính là cách tiếp cận toàn dân trong chống dịch - nghĩa là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. “Các chính sách (chống dịch) đều hướng đến người dân, đồng thời người dân cũng tham gia vào phòng chống dịch một cách tích cực, chủ động”, Thủ tướng giải thích. Bên cạnh đó, ở một quốc gia mà tinh thần đoàn kết, sẻ chia luôn được đề cao như một đặc tính dân tộc như ở Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch đã được thực hiện theo nghĩa rộng nhất của từ này. Toàn dân đã tham gia chống dịch. Chúng ta đã được chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động về tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong đại dịch, từ những cây ATM gạo, khẩu trang, rồi tới cả bình ô xy cho các F0…
Quan điểm chỉ đạo quyết liệt này tiếp tục được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh với các chủ tịch quận, phường ở TP HCM:“Chiến dịch này không được phép thất bại. Đồng chí nào không làm được đứng sang một bên”.
Hay như Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng chúng ta từng trải qua cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc bằng vũ khí nóng, bây giờ không bằng vũ khí nóng nhưng cũng là cuộc trường chinh mới. Bộ trưởng khẳng định: “đây như là trận chiến, không thắng không về”.
Để tiến tới chung sống an toàn với virus SARS-CoV2, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng phải tiêm vaccine phòng COVID-19 cơ bản 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Tăng cường năng lực đáp ứng y tế theo phương châm “4 tại chỗ” như: Năng lực xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm gắn với điều tra dịch tễ; các khu cách ly, thu dung phân loại ban đầu; năng lực điều trị tại bệnh viện, tại nhà, từ sớm…
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất cần có cơ chế huy động nguồn lực y tế tư nhân tham gia vào điều trị bệnh nhân COVID-19, cũng như công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất an toàn.
Có thể nói với truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc Việt Nam một lần nữa trong lúc khó khăn hoạn nạn lại tiếp tục được nhân lên. tinh thần khẩn trương tích cực huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ người dân, đến gia đình, cơ sở thôn, xóm, khu dân cư xã, phường, huyện, tỉnh, trung ương đến người Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc chung sức đồng lòng chống dịch.
Bài 1: Khát vọng Việt Nam Hồ Chí Minh
Bài 2: Thách thức khát vọng và quyết định lịch sử
Bài 3: Bước đầu vượt qua thách thức
Bài 4: Nêu gương cấp ủy, người đứng đầu
Bài 5: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19