Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán

Thứ Hai, 20/05/2024 10:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong tình hình mới với những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động kiểm toán ngày càng cao; sự đổi mới trong phương thức tổ chức, điều hành của các địa phương, các cơ quan ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi Kiểm toán Nhà nước cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra.

Những thách thức đối với hoạt động kiểm toán

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), hiện nay, các đơn vị kiểm toán khu vực mới chỉ chủ yếu kiểm toán công tác quản lý tài chính công, còn kiểm toán tài sản công ít được chú trọng, mới chỉ bắt đầu kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản (lồng ghép trong kiểm toán ngân sách địa phương hoặc lập Đoàn kiểm toán chuyên đề). Việc chọn mẫu dựa trên rủi ro và trọng yếu kiểm toán mới được thực hiện, chưa thật sự chất lượng để đảm bảo độ tin cậy cao trong việc đánh giá xác nhận tổng thể quyết toán.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán hiện nay còn thiên về kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, việc phân tích, đánh giá hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài chính công, tài sản công còn hạn chế. KTNN chưa thật sự thực hiện một cách đảm bảo trong công tác phân tích, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện tình hình thu, chi, cân đối ngân sách và hàng loạt các vấn đề khác có liên quan đến tính bền vững của ngân sách, quản lý tài chính và tài sản công gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của từng địa phương. Vì vậy, kết quả kiểm toán hằng năm chưa thấy được toàn cảnh tình hình hoạt động của ngân sách địa phương.

Các kiểm toán viên trong lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương cũng cho rằng, độ tin cậy của số liệu xác nhận quyết toán kiểm toán ngân sách địa phương cần phải được chú trọng hơn và nghiên cứu tổ chức kiểm toán theo đúng việc xác định rủi ro và trọng yếu và mẫu chọn phải đảm bảo đủ độ lớn, tin cậy. Đồng thời, trong thực tế KTNN chưa có nhiều nhân sự đủ kinh nghiệm, khả năng kiểm toán tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách địa phương từ báo cáo của cơ quan kiểm soát thu, chi là Kho bạc Nhà nước.

Các kiểm toán viên KTNN khu vực VII thực hiện kiểm toán Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La. (Ảnh: N.Lộc) 

Theo KTNN khu vực VII, một nguyên nhân khác khiến cuộc kiểm toán có thời điểm chưa đạt được yêu cầu cao nhất là do các chủ đề kiểm toán ngày càng đa dạng, phức tạp, nhất là các cuộc kiểm toán chuyên đề thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Các quy định pháp luật được bổ sung, sửa đổi thường xuyên để hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, song đội ngũ kiểm toán viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kịp thời nên năng lực chuyên môn còn khoảng cách so với yêu cầu, cơ cấu kiểm toán viên về lĩnh vực kiểm toán chưa thay đổi kịp so với nhu cầu thực tế trong từng giai đoạn.

Trên cơ sở thẳng thắn nhận diện hạn chế, khó khăn, những năm gần đây, KTNN đã tập trung khắc phục, đồng thời đổi mới toàn diện đối với hoạt động kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương để phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của địa phương, hoạt động giám sát, cho ý kiến của HĐND các cấp.

Các đơn vị kiểm toán lưu ý, trước khi tiến hành kiểm toán, cần chú trọng công tác khảo sát nắm bắt tình hình, thông tin của các đơn vị đầu mối được kiểm toán để kịp thời cập nhật, điều chỉnh kế hoạch kiểm toán cho chính xác, phù hợp với thực tiễn; công tác kiểm toán tại các cơ quan tham mưu, điều hành tổng hợp của đơn vị được kiểm toán.

Đối với công tác kiểm toán đánh giá việc quản lý thu ngân sách nhà nước, cần chú trọng đánh giá: Công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và theo kế hoạch được giao thông qua chọn mẫu kiểm tra các hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế dựa trên cơ sở phân tích hồ sơ kê khai thuế của các đơn vị thuộc các lĩnh vực, ngành nghề và nội dung có khả năng sai sót cao (như lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng; các khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết...).

Đối với lĩnh vực chi thường xuyên, tổng hợp chi ngân sách, đoàn kiểm toán cần tập trung đánh giá công tác phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên trên cơ sở so sánh giữa các chỉ tiêu được cấp thẩm quyền phê duyệt với số liệu tính toán phân bổ dự toán kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách; việc phân bổ giao dự toán nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách để chi tăng lương cơ sở, tinh giản biên chế…

Đồng thời, KTNN cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; không ngừng nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm để ứng dụng có hiệu quả hơn trong hoạt động kiểm toán cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo; tổ chức thu thập, cập nhật kịp thời dữ liệu về các đầu mối, đơn vị được kiểm toán để có đầy đủ thông tin trong công tác lập kế hoạch kiểm toán, giúp kiểm toán viên thuận lợi trong khai thác khi thực hiện kiểm toán.

Tăng cường đổi mới kiểm toán công tác lập, giao dự toán thu, chi

Từ thực tiễn kiểm toán, KTNN khu vực XIII cho rằng, khi tiến hành kiểm toán, đoàn kiểm toán cần chú trọng kiểm toán việc ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, không chỉ do các địa phương ban hành mà bao gồm cả các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành của các bộ, ngành trung ương liên quan đến tài chính, tài sản công, thông qua việc yêu cầu các cơ quan quản lý như: Sở Tài chính, Kho bạc, Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường… liệt kê và cung cấp các văn bản do HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các bộ, ngành trung ương ban hành có liên quan đến việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về tài chính công, tài sản công của chính các sở nêu trên.

Trên cơ sở đó, đoàn kiểm toán cần tập trung rà soát, đánh giá tính tuân thủ pháp luật, những kẽ hở có thể bị lợi dụng của các văn bản và tác động về mặt tài chính của những nội dung, quy định chưa đúng quy định của từng văn bản… để kiến nghị thu hồi, sửa đổi các quyết định, quy định, hướng dẫn không đúng hoặc không phù hợp, không đúng với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng kiểm toán, các ý kiến cho rằng, đoàn kiểm toán cần tăng cường đổi mới kiểm toán công tác lập và giao dự toán thu, chi NSNN, đặc biệt là trong giao dự toán chi NSNN. Khi kiểm toán ngân sách địa phương cần kiểm toán lại việc tuân thủ định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên trong dự toán chi ngân sách Bộ Tài chính giao cho địa phương, dự toán chi ngân sách UBND tỉnh giao cho các huyện trên cơ sở các số liệu thống kế chính thức về dân số từng địa bàn, khu vực (đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); kiểm toán tính pháp lý của các số liệu bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu, bổ sung kinh phí cải cách tiền lương… từ đó chỉ ra các sai sót, vi phạm trong lập và giao dự toán một cách thực chất, có căn cứ pháp lý.

Để đáp ứng yêu cầu của ngành KTNN, kiểm toán viên cần được tăng cường năng lực phân tích đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Yêu cầu này đòi hỏi năng lực hiểu biết của kiểm toán viên không chỉ vì quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và các vấn đề kinh tế - xã hội, mà còn có những năng lực tốt về phân tích, đánh giá, nhận định, dự báo... trên cơ sở tài liệu do kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ cung cấp. Từ đó, KTNN cần phải thực hiện các biện pháp cần thiết như đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, khảo sát, học hỏi nước ngoài... để không ngừng nâng cao năng lực phân tích đánh giá của kiểm toán viên nhà nước.

Bên cạnh ý thức tự giác tự trau dồi, rèn luyện của từng kiểm toán viên, KTNN phải thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho mỗi kiểm toán viên với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực và sinh động. Đồng thời, cần phải có cơ chế xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là đối với những biểu hiện tiêu cực, làm suy giảm uy tín của KTNN./.

Minh Duyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN