Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Quyển sách về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần hoạch định đường hướng xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam

Thứ Bảy, 20/07/2024 15:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Có thể khẳng định cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng làm rõ bản sắc, hoạch định đường hướng căn bản và lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quang cảnh buổi tọa đàm. 

Với những dẫn chứng rất sinh động và lập luận thuyết phục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng những vấn đề mang tầm chiến lược, bao quát, nhìn xa trông rộng nhưng lại rất cụ thể và gần gũi.... Vì vậy, sau khi ra mắt, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là tầng lớp trí thức văn nghệ sỹ của đất nước. Bởi cuốn sách đã một lần nữa cổ vũ, động viên, khích lệ đội ngũ những người sáng tác, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc. Là dịp để tầng lớp trí thức văn nghệ sỹ ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, vai trò, vị thế của mình trong xã hội ngày nay. Đó là phải có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống. Đó cũng chính là nội dung tiếp tục trao đổi của chúng tôi với hai vị khách mời:

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nghệ sĩ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: TTXVN 

Phóng viên (PV): Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân! Trong các bài phát biểu, các bài viết thì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhấn mạnh là phải chú ý tới việc phát huy tài năng, tâm huyết và động viên sự sáng tạo của đội ngũ trí thức văn nghệ sỹ cũng như là khuyến khích các tài năng trẻ. Ông nhìn nhận như thế nào về quan điểm này?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Vâng, đây là một quan điểm rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước và được thể hiện trong kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021. Ở đây có một vấn đề đặt ra là giữa chủ trương, chính sách, giữa những tư tưởng của Đảng về việc phát triển đội ngũ với việc thực hành của chúng ta thì đôi khi còn là sự chênh lệch về quan niệm, về vấn đề đi theo con đường phát triển kinh tế hay là chú trọng bồi đắp cho vấn đề văn hóa. Bởi vậy, hiện nay có nhiều tài năng trẻ, có nhiều những tài năng đang bộc lộ hoặc đang phát triển nhưng thời gian trôi qua và chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.

Tôi muốn nói đến lực lượng các văn nghệ sỹ trẻ của chúng ta không chỉ được đào tạo, học tập trong nước mà còn được đào tạo ở các nước. Trước đây, Đảng, Chính phủ gửi sang các nước xã hội chủ nghĩa để cho các tài năng có điều kiện phát triển lớn mạnh. Nhưng bây giờ chính là sự xã hội hóa và gia đình, cũng như chính bản thân nguyện vọng của các em muốn học tập và thay đổi. Do đó, phần lớn những tài năng đó khi được chín muồi, có sự cống hiến tốt đẹp nhất thì rất đáng tiếc là nhiều tài năng lại không hướng về đất nước, không hướng về Tổ quốc để mà nghĩ rằng ở đó là nơi quê cha đất tổ, nơi có gia đình... Nơi đó là nơi mình xứng đáng để cống hiến nhất. Đây cũng là một câu hỏi, trăn trở đối với chúng tôi khi nhìn tới và nghĩ tới sự quy hoạch của tài năng trẻ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Làm sao những người giỏi nhất, những người tài năng nhất của Việt Nam thì phải được vinh danh và mang cờ của Việt Nam ở trên các diễn đàn, trên những cuộc thi quốc tế lớn nhất. Đó mới là niềm tự hào của chúng ta và ngay trong tư tưởng, trong kết luận của đồng chí Tổng Bí thư về 6 nhiệm vụ của văn hóa trong thời kỳ mới cũng đã nói sâu sắc về vấn đề chúng ta phải nhìn nhận lực lượng trẻ. Vì lực lượng không có truyền thống để nối tiếp bằng ý thức, trách nhiệm thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ bị đứt gãy về mặt thế hệ. Sự đứt gãy đó thì vô cùng nguy hiểm.

 

Tôi nghĩ rằng là một trong những nhiệm vụ của văn hóa và thông qua những lời dặn dò, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” có một phần rất quan trọng, là cần phải chú ý một cách rất cụ thể, sâu sắc đối với đội ngũ các nhà văn hóa, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa và đặc biệt nữa là những tài năng, những mầm non về văn học nghệ thuật cho hôm nay và mai sau.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, càng tìm hiểu về cuốn sách thì chúng ta càng thấy quyết tâm của người đứng đầu Đảng về việc chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đúng không ạ?

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Tôi rất tán đồng ý kiến nhận xét như vậy. Tôi rất thấm thía là Tổng Bí thư đã kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nhấn mạnh trọng tâm của việc phát triển văn hóa hiện nay là chúng ta xây dựng những con người với đạo đức nhân cách, lối sống, kế thừa được những truyền thống tốt đẹp nhất của văn hóa ông cha ta để lại. Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo ra được sức mạnh nội sinh.

 

Thứ hai, Tổng Bí thư cũng nói là Nhân dân bao giờ cũng là chủ thể. Nhân dân là người sáng tạo ra văn hóa, nhưng cũng phải là người được thụ hưởng những thành quả văn hóa. Cho nên những người làm công tác văn hóa phải hết sức chú ý đến việc khơi dậy lòng yêu nước và sức mạnh của Nhân dân. Tôi nghĩ rằng lời của Tổng Bí thư nhắc nhở chúng ta là cụ thể hóa điều mà bác Hồ đã dạy tổng kết  bằng hai câu: Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu Thắng lợi trên nền Nhân dân.

PV: Thưa hai vị khách mời! Cuốn sách được xem là cẩm nang quý giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới. Vậy thì có những giải pháp nào để lan toả hơn nữa những nội dung cốt lõi của cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân? Ý kiến của Nhạc sĩ Đỗ Hông Quân?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi cho đây là một cuốn cẩm nang về văn hóa rất quý cho tất cả các đối tượng từ lãnh đạo, nhà quản lý và đặc biệt là đối với những nhà làm công tác trực tiếp trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Đối với Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chúng tôi gồm 42.000 các văn nghệ sĩ các thế hệ trong toàn quốc và tổ chức 10 hội chuyên ngành Trung ương, cùng với 63 hội của các tỉnh, thành phố. Chúng tôi sẽ chuyển cuốn sách quý của đồng chí Tổng Bí thư đến từng hội văn học nghệ thuật và trong tùy điều kiện cụ thể, các đồng chí lãnh đạo của các hội văn học nghệ thuật cũng như các văn nghệ sỹ từ trung ương đến các tỉnh, thành sẽ phải học tập và quán triệt tinh thần của những cuốn sách, những bài viết của Tổng Bí thư về vấn đề văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Tôi cho rằng đây cũng sẽ là một đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, thiết thực đối với văn nghệ sĩ cả nước. Chính đây cũng là điều kiện để có thể xốc lên được ý thức, tinh thần công dân, lòng yêu nước, ý thức chính trị của văn nghệ sỹ trước những sự kiện lớn của đất nước trong năm 2024 này cũng như là năm tới là năm có rất nhiều các sự kiện ý nghĩa lớn mang ý nghĩa lịch sử của cả nước. Năm 2025, chúng tôi tổng kết nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Đây chính là một trong những động lực để có thể tiếp thêm được niềm tin, soi sáng được những vấn đề thực tiễn và lý luận trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

PV: Còn ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh thì sao? Theo ông cần có những giải pháp nào để lan tỏa những nội dung cốt lõi của cuốn sách?

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.  

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Để lan tỏa giá trị của cuốn sách này không chỉ là để chúng ta ngồi nói ca ngợi bằng bài lời hay ý đẹp. Vấn đề là những lời hay ý đẹp ấy phải được triển khai cụ thể trong đời sống thực tiễn như thế nào? Tôi nghĩ vai trò cấp ủy và chính quyền các cấp, các ban, ngành cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải tránh hình thức, tức là tổ chức một hội nghị nói chung nhất thế rồi cũng báo cáo lên trên là đã quán triệt những việc làm đã được hướng dẫn, nhưng trên thực chất là chương trình hành động cụ thể đối với từng ngành, từng cấp, từng địa phương như thế nào về văn hóa là phải rất cụ thể, căn cứ vào những cái đặc thù của địa phương và chỉ đạo của Trung ương với một tinh thần quyết tâm và sáng tạo rất lớn. Tôi cho rằng như thế mới có thể tạo nên một thành công theo mong muốn của Tổng Bí thư và của toàn Đảng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời! 

Lan tỏa nội dung cốt lõi trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hoá

Thu Hà (thực hiện)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN