Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
BÀI 2:  PHỐI HỢP "TỪ SỚM, TỪ XA", CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
THÌ DỰ LUẬT "DÙ KHÓ MẤY CŨNG LÀM ĐƯỢC"

 

(ĐCSVN) - “Từ sớm, từ xa” và cộng đồng trách nhiệm là những cụm từ liên tục được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến trong công tác làm luật, nhất là với những luật khó. Quan điểm này thể hiện sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của cả Quốc hội và các cơ quan liên quan để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. 

----------------------------------------------------

   Quốc hội không "bắc nước sôi chờ gạo"

Muốn rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng của các dự án luật, không có cách gì tốt hơn là phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng các nội dung trình. Cách làm này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt xuyên suốt, nhất quán trong chỉ đạo điều hành và các phát biểu từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Rất nhiều lần, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, xây dựng pháp luật phải khắc phục tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo", cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần thiết.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai - nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ là một dẫn chứng sinh động cho cách làm này.

Với đạo luật có yêu cầu rất cao, rất “hóc búa” này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo sát sao, nhiều lần làm việc trực tiếp với cơ quan soạn thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. 

Ngay từ giữa năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật để nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai. Tức là cuộc làm việc này diễn ra trước hơn 1 năm dự án được thảo luận lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4.

Sự chủ động còn thể hiện ở chỗ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng hoạt động và tiến độ thời gian từ khâu thẩm tra cho đến khi Quốc hội biểu quyết thông qua; chỉ đạo phân công các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra về nội dung của dự án thuộc phạm vi lĩnh vực do cơ quan mình phụ trách.

Đặc biệt, với tính chất quan trọng của dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 

Là cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án luật này, ngay từ tháng 8/2022, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Cơ quan soạn thảo; tổ chức một số hội thảo, phiên họp tham vấn lấy ý kiến về dự án Luật; tham gia các cuộc họp cho ý kiến về Đề án “phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”...

Trong khi đó, với vai trò “gác gôn” trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các Bộ, ngành hữu quan tổ chức Hội thảo về “Bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số luật có liên quan” vào tháng 10/2022, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thẩm tra dự án Luật này trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, với tất cả các dự án luật, Ủy ban Pháp luật luôn chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ được giao chủ trì soạn thảo để tiếp cận dự án, dự thảo ngay từ giai đoạn đầu. Đối với những nội dung khó, phức tạp, Ủy ban tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, họp cho ý kiến nhiều lần; phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp, các Bộ, ngành hữu quan tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát để tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động…

 
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương 

Từ góc nhìn địa phương, trong cuộc trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương rất quan tâm thực hiện phương châm lập pháp từ sớm, từ xa. Trước tiên, căn cứ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm của Quốc hội, Đoàn sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động của mình để chủ động trong công tác. “Chúng tôi sẽ thống kê xem có bao nhiêu dự án luật sẽ được đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trong năm. Cũng căn cứ vào đó, chúng tôi đưa ra kế hoạch giám sát với những luật đó” - bà khẳng định.

Bà cũng cho biết, Đoàn cũng mở các hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các ngành vào các dự thảo luật sẽ được xem xét tại các kỳ họp trong năm của Quốc hội. Đánh giá cao cách làm này, bà Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ các ĐBQH sẽ rất chủ động, đồng thời sẽ tiếp cận sớm các dự án luật. Từ đó, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương có nhiều ý kiến chất lượng, tham gia vào các dự án luật tại Quốc hội, kể cả phiên thảo luận tổ, tại hội trường hay khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Đáng chú ý, theo bà Nga, việc chủ động từ sớm, từ xa còn thể hiện ở chỗ, với các dự án luật đã được Quốc hội ban hành đang trong thời kỳ triển khai thì khoảng sau 2 năm luật có hiệu lực đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương sẽ rà soát, khảo sát tình hình thực hiện luật để nắm được tình hình triển khai, xem có gì vướng mắc không.

“Bằng cách này, hầu hết các luật khi được thông qua đi vào cuộc sống thì chúng tôi nắm được những chuyển biến, hoặc khó khăn vướng mắc đặt ra” - bà trao đổi.

Luôn sát cánh, cộng đồng trách nhiệm dù ở "vai" nào trong quy trình lập pháp

 

Trong nhiều năm trước đây, một tồn tại thường được nhắc đến nhiều là sự tham gia của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh vào quá trình tiếp thu, chỉnh lý một số dự án luật còn rất hạn chế, thậm chí có dự án chỉ có cán bộ cấp phòng và chuyên viên tham gia. Trong các trường hợp này, cơ quan chủ trì soạn thảo thường có xu hướng “phó mặc” cho cơ quan thẩm tra đề xuất phương án chỉnh lý.

Do vậy, đã có nhiều trường hợp các chính sách, quy định có nhiều thay đổi so với dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình, gây khó khăn cho việc thi hành văn bản sau khi được ban hành và việc quy định chi tiết thi hành các văn bản đó.

Thực tế này đến nay đã không còn. Nửa nhiệm kỳ qua, chúng ta thấy rõ sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Ban, bộ ngành Trung ương, địa phương và sự tham gia rộng rãi, hiệu quả của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sự phối hợp chặt chẽ này bắt đầu ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, chủ động trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cho tới giai đoạn luật, pháp lệnh được thông qua.

Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH 15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được tổ chức tháng 8/2022 đã cho rằng: Đến lần trình Quốc hội thứ hai thì đổi vai hay không đổi vai - cơ quan nào chủ trì báo cáo Quốc hội cũng không còn quan trọng nữa. Chức trách nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra vẫn rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm với nhau, cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng đến cùng.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian và sự quan tâm hơn cho công tác xây dựng thể chế và pháp luật. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức các phiên họp chuyên đề về pháp luật...

Đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong suốt quá trình lập pháp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định “đây là những nhân tố quan trọng, quyết định đến việc thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nâng cao chất lượng của công tác xây dựng pháp luật”.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao vai trò của các Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu lập pháp đã ngày càng phát huy vai trò đối với các dự án luật, pháp lệnh, tích cực, chủ động thực hiện việc lấy ý kiến, góp ý trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh nghị quyết góp phần đảm bảo các đạo luật do Quốc hội ban hành sát với thực tiễn, có tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống.

Cũng lấy việc sửa đổi Luật Đất đai làm ví dụ để thấy sự chủ động, tích cực từ phía Chính phủ. Cụ thể là, ngay từ tháng 8/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do 01 Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương cùng các nhà khoa học có uy tín là Thành viên. 

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật đã tích cực chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai và xây dựng báo cáo rà soát, theo đó đã xác định rõ những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các Luật cần phải sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

 Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tiếp cận từ góc độ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh dẫn chứng, với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - một luật có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân thì Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động, tích cực, phối hợp tham gia từ khâu lập đề nghị xây dựng Luật đến khi Luật được ban hành.

 “Chúng tôi đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án; tham gia trực tiếp ý kiến tại các cuộc họp lấy ý kiến. Ban Thường trực đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật và tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án luật này. Sau phản biện, Ban Thường trực đã có văn bản phản biện gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhiều ý kiến phản biện đã được nghiên cứu, tiếp thu trong dự án luật” - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.

Còn với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV 

Có thể khẳng định đến nay, sự chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa đã trở thành nếp nghĩ, nếp làm của Quốc hội. Những tồn tại cũ như “bắc nước sôi chờ gạo” hay tình trạng “phó mặc” cho cơ quan chủ trì thẩm tra trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật dần dần được "hóa giải".

Thực tế cho thấy, việc chủ động từ sớm từ xa, cộng đồng trách nhiệm có thể rút ngắn đáng kể thời gian tiến hành kỳ họp, tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn giải quyết kịp thời, hiệu quả một khối lượng lớn công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

 “Chúng ta phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2022./.

Bài 1: Tư duy mới, tầm nhìn mới

Bài 3: Quốc hội vì dân từ những việc chưa có tiền lệ

Bài 4: Để luật không "lỗi nhịp" cuộc sống

Bài 5: Vững bước trên con đường đồng hành cùng dân tộc

Nội dung: Nhóm phóng viên Thời sự Ảnh: Nhóm phóng viên và nguồn Văn phòng Quốc hội
03/10/2023 15:37
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN