Bài 1: Người có uy tín là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”
Bài 2: Những cánh chim đầu đàn
(ĐCSVN) - Mỗi cá nhân người có uy tín (NCUT) có mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng nhưng ở họ đều có một điểm chung là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm. Họ là những cánh chim đầu đàn vững vàng, kiên cường dẫn dắt cộng đồng vượt qua khó khăn, thử thách, tiến về phía trước.
Phát huy vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng và đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị, những năm qua, NCUT đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển.
NÓI - DÂN TIN, LÀM - DÂN THEO
Ông Pờ Dần Xinh, 62 tuổi, dân tộc Hà Nhì (thôn Tả Khố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông - cụ Pờ Pố Chừ là một trong những đảng viên đầu tiên trên vùng biên viễn xa xôi nhất phía cực Tây của Tổ quốc, vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nơi “một con gà gáy ba nước nghe chung”.
Ông Pờ Dần Xinh nguyên là chiến sỹ Công an, rồi phát triển, kinh qua nhiều chức vụ như Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu trong gần 20 năm. Trên vùng đất xa xôi, khó khăn này, ông Pờ Dần Xinh là người đầu tiên làm nhà mái ngói (năm 1994), người đầu tiên mua xe máy (năm 2005), người đầu tiên đào ao thả cá (2006), người đầu tiên có con trai tốt nghiệp đại học (năm 2009). Giờ thì cả 4 người con của ông đều là đảng viên.
Ông Pờ Dần Xinh làm được nhiều việc "đầu tiên" trên mảnh đất biên cương xa xôi không phải từ lợi lộc do chức vụ mang lại, mà từ cách ông mạnh dạn, đi đầu làm kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng (VACR). Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng ông Pờ Dần Xinh vẫn chăn nuôi đàn bò hơn 30 con (có lúc cao điểm lên đến 200 con) và trồng 50 ha rừng kinh tế.
Khi nghỉ hưu (năm 2015) ông Pờ Dần Xinh vẫn tích cực tham gia các hoạt động của chi bộ và thôn bản, được người dân địa phương bầu chọn là NCUT. Ông đã vận động người Hà Nhì tích cực trồng rừng và chăn nuôi gia súc, mang lại thu nhập ổn định 70 - 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, tính riêng chăn nuôi, xã Sín Thầu có số lượng lớn gia súc lên đến 10.000 con. Kinh tế hộ gia đình đã thật sự giúp xã vùng biên đổi thay, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm.
những việc làm thiết thực, hiệu quả của ông Pờ Dần Xinh đã viết tiếp truyền thống của cha ông, truyền ngọn lửa cách mạng cho các thế hệ người Hà Nhì nơi vùng cao Tây Bắc đổi đời vươn lên.
Nặm Khiếu, xã Nhạn Môn, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn là thôn đặc biệt khó khăn. Nơi đây có hai dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống. Ông Thào Minh Khyào là người dân tộc Mông, được người dân trong thôn tín nhiệm bầu chọn là NCUT.
Ông Thào Minh Khyào hiểu rõ trách nhiệm của mình là phải vun đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc trong thôn. Vì thế, ông luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa âm mưu của các thế lực xấu hòng chia rẽ dân tộc, gây mất ổn định chính trị trong thôn.
Ông đã nghiên cứu, vận dụng thành công phong tục tập quán của các dân tộc, quy ước, hương ước của thôn để thuyết phục các bên khi có tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra. Từ năm 2009 đến nay, ông Thào Minh Khyào đã hòa giải thành công 34 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, không để xảy ra đơn thư khiếu nại vượt cấp, không để mất đoàn kết nội bộ giữa các cá nhân, hộ gia đình. Khối đại đoàn kết toàn thôn luôn được xây dựng và củng cố vững chắc.
Già làng A Blong, dân tộc Rơ Măm - NCUT của đồng bào dân tộc thiểu số làng Le, thuộc xã biên giới, đặc biệt khó khăn Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất của dân làng đã được cải thiện nhiều. Bà con không còn bị đói, rét. Nhiều gia đình có ti vi để xem, có đài để nghe, có điện thoại để thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại… Một số gia đình khá giả hơn còn có xe công nông, xe tải…
Vui sướng trước sự đổi thay của quê hương song điều khiến Già làng A Blong trăn trở là văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Bởi vậy, Già đã tích cực phối hợp với chính quyền và cơ quan chuyên môn sưu tầm, phục dựng, lưu giữ những lễ hội truyền thống; tổ chức truyền dạy cồng, chiêng cho con, cháu trong làng…
Nhờ những nỗ lực của Già làng A Blong, người Rơ Măm làng Le đã duy trì thường xuyên các hoạt động cộng đồng như hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao tại nhà Rông văn hóa của làng. Toàn làng còn lưu giữ 34 bộ chiêng quý, duy trì nhiều lễ hội truyền thống như: “Thổi tai”, “Ma chay”, “Bỏ mả”, “Lễ phát rẫy”, “Trỉa lúa”, “Mở kho lúa”… và các loại hình trình diễn nghệ thuật dân gia như cồng, chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi... Đặc biệt, người Rơ Măm đã chủ động bỏ các hủ tục lạc hậu như khi có người ốm đau thì cúng Yang, không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đặc thù của người Khmer ở Nam bộ là dân tộc gắn liền với tôn giáo. Với người Khmer, NCUT trong cộng đồng đa phần gắn với tôn giáo, đó chính là các sư sãi. Họ thuyết pháp hướng thiện, răn dạy phật tử sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng quốc gia, dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước…
Hòa thượng Chau Ty - Sư cả chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) hiện là người duy nhất biết viết Kinh Phật bằng chữ Khmer cổ trên lá Buông (Bộ VH-TT-DL đã công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017). Kinh lá chứa đựng những triết lý sống theo quan điểm Phật giáo; thơ ca, sử thi, giáo lý của Đức Phật răn dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ... Người Khmer rất tin tưởng nội dung thuyết pháp trên Kinh lá Buông. Đó cũng là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào và phật tử Phật giáo Nam Tông.
Là nghệ nhân duy nhất bảo tồn, duy trì và truyền dạy chạm, khắc, lưu truyền các bộ Kinh, Hòa thượng Chau Ty tâm huyết nói: “Đây là cách phổ biến rộng rãi, lưu truyền cho các thế hệ sau này; bằng không, chỉ nghe nói, mà đâu ai biết”.
Ngoài việc đạo, Hòa thượng Chau Ty còn chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho con em đồng bào Khmer ở vùng núi Ô Lâm. Hòa thượng cho chính quyền địa phương mượn 800m² đất chùa xây dựng 5 phòng học cho Trường Tiểu học B Ô Lâm; duy trì mở các lớp dạy chữ Khmer cho con em phật tử trong dịp hè, góp phần bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc; đồng thời hạn chế tình trạng học sinh tụ tập tại các điểm dịch vụ Internet chơi game.
Hàng năm, Hòa thượng quy tụ các thanh, thiếu niên có năng khiếu và yêu thích nhạc cụ dân gian, bố trí nghệ nhân, dụng cụ và địa điểm để truyền dạy cách sử dụng dàn nhạc Ngũ âm - một nét văn hoá nghệ thuật không thể thiếu trong các lễ hội của người Khmer.
Chùa Khmer Nam bộ không chỉ là thiết chế tôn giáo mà còn là thiết chế văn hóa. Hòa thượng Chau Ty mong muốn từ các lớp dạy nhạc Ngũ âm và khắc Kinh trên lá Buông sẽ góp phần cùng chính quyền địa phương và ngành Văn hóa bảo tồn, duy trì và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc Khmer, phục vụ nhu cầu tinh thần cho người dân và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Ở tuổi ngoài 80, Hòa thượng Chau Ty vẫn tiên phong vận động phật tử cùng người dân học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương “cần, kiệm”, tích cực tăng gia sản xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông trực tiếp tìm và mời nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp tập huấn kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, người dân đã biết áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống ngày càng ổn định.
Bản thân ông luôn gương mẫu, chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của Giáo hội; tích cực tham gia tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan; tuyên truyền, vận động sư sãi, phật tử và người dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tham gia các phong trào người tốt việc tốt; vận động bà con phật tử đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và tham gia đóng góp tiền của, vật chất, hiến đất, chung tay xây dựng các con đường trong phum, sóc, góp phần cải thiện môi trường và làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2019, Hòa thượng Chau Ty đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”; nhiều Bằng Tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng Bằng khen...
Còn rất nhiều tấm gương NCUT tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Ông Hồ Sìu Phúc, dân tộc Dao, NCUT thôn Nà Thống, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã vận động 9 hộ hiến 4.000 m² đất để làm đường, rãnh thoát nước, kênh mương tưới tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Hồ Riềng, dân tộc Vân Kiều bản Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tự đầu tư ngăn đập giữ nước để trồng trên 01 ha lúa nước và vận động bà con xung quanh trồng 8 ha lúa nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực…
Tại tỉnh Lào Cai, ông Chảo Láo Lở, Chảo Xành Kiêm, dân tộc Dao, thôn Sùng Hoáng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát hiến gần 1.500 m² đất cho địa phương xây dựng trường học. Ông Lò Đình Tuyến, bản Nặm Pạu, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên hiến 3.200 m² đất để xây dựng trường học; bà Đặng Thị Phúc, thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng vận động 78 hộ dân hiến trên 1.600 m² đất làm đường giao thông nông thôn.
Ông Hứa Văn Lỵ, dân tộc Nùng ở bản Trại Tre, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang hiến 1.000 m² đất vườn làm đường giao thông nông thôn. Ông Bàn Văn Biền, dân tộc Dao, Trưởng thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang vận động gia đình tự nguyện hiến hơn 200 m² đất để làm đường giao thông liên thôn và chi 40 triệu đồng mua 200 m² đất để làm nhà văn hóa thôn Lùng Vài. Bà Võ Thị Cất, dân tộc Khmer, ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vận động người dân hiến 2.000 m² đất xây dựng đường giao thông nông thôn; vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng 02 căn nhà tình thương và 03 cây cầu nông thôn…
Ông Hà Văn Thuấn, dân tộc Tày ở thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang khai thác, sưu tầm những bài hát Then, hát Cọi, hát Phong Slư theo lời cổ; sưu tầm dịch phổ nhạc hơn 10 bài lời cổ; sáng tác lời mới theo các làn điệu của dân tộc trên 50 bài; mở lớp dạy đàn hát Then cho các cháu thanh thiếu nhi, nhằm lưu giữ lại vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc.
NCUT còn tích cực vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới. Toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện có trên 500 mô hình phát triển kinh tế thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 22,3%.
Mỗi cá nhân NCUT có mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng nhưng ở họ đều có một điểm chung, đó là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, lời nói có trọng lượng, có sức thuyết phục, nói đi đôi với làm, nên đã tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và người dân địa phương. Họ có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các hoạt động tự quản của cộng đồng… mà không phải chỉ có chính sách, pháp luật, có lực lượng, có nguồn lực là thực hiện được mọi việc ở cơ sở như nhiều người vẫn thường nghĩ.
CHỖ DỰA TIN CẬY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Là cơ quan chủ trì phong trào xây dựng mô hình “Dân vận khéo’, Ban Dân vận Trung ương cho rằng xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của NCUT trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số.
Theo tổng kết của Ban Dân vận Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã phát huy vai trò của NCUT trong vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Kết quả là trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 700 mô hình hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nuôi gà thả đồi, nuôi lợn thương phẩm, ống tiền tiết kiệm…
NCUT tỉnh Lai Châu đã phát huy vai trò vận động đồng bào dân tộc xây dựng 3.226 mô hình “Dân vận khéo”, điển hình như: “Mái ấm cho người nghèo biên giới”, “Tặng bò giúp người nghèo biên giới” …
Tỉnh Hòa Bình xây dựng được 6.000 mô hình “Dân vận khéo” rất thiết thực như: “làng, bản văn hóa quốc phòng”, “nhà trường không có ma túy”, “tranh thủ NCUT vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ”…
Bên cạnh những đóng góp trong phong trào “Dân vận khéo” ở cơ sở, NCUT trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn là nòng cốt chính trị giúp Ban Dân vận Trung ương và các cấp ủy đảng thường xuyên, kịp thời nắm thông tin về tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và là một đầu mối để giao trách nhiệm giải quyết khi có vấn đề phức tạp xảy ra. NCUT cũng là chủ thể được Ban trao đổi, lấy ý kiến đóng góp về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân vận và xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua thực hiện chức năng giám sát, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, NCUT có vai trò quan trọng trong vận động nhân dân thực hiện chính sách định canh, định cư, hạn chế tới mức thấp nhất việc di cư tự phát, đặc biệt là các đợt di cư của một số dân tộc thiểu số phía Bắc vào Tây Nguyên.
Một ví dụ điển hình là để phục vụ xây dựng các công trình lớn như Thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Hòa Bình, thủy điện Tuyên Quang… đòi hỏi phải di chuyển cả cộng đồng thôn, bản, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của đồng bào. Chính quyền các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NCUT làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân di dời khỏi nơi ở cũ để dành đất xây công trình thủy điện, mang lại nguồn điện năng quý báu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Trong nhận xét của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, NCUT đã tuyên truyền bà con chấp hành tốt hương ước, quy ước thôn làng, từng bước xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang; vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh; thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn các phong tục tập quán, văn hóa cổ truyền của dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào. Hầu hết, gia đình NCUT đều đăng ký xây dựng gia đình không có con, cháu mắc tệ nạn xã hội, không mê tín dị đoan, không truyền đạo trái pháp luật, chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông…
Đối với công tác xã hội và các hoạt động nhân đạo từ thiện, nhiều NCUT đã gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ “Ngày vì người nghèo”, xóa nhà dột nát, tạm bợ; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ; vận động bà con hiến đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, kênh mương nội đồng…
Trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, NCUT có vai trò đặc biệt quan trọng. Bằng tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, NCUT đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống đã được NCUT lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, điển hình như: hát Then của dân tộc Tày, hát Song Hao của dân tộc Nùng, hát Sình Ca của Dân tộc Cao Lan, dân ca Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; nhà Gươl của dân tộc Cơ tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế; lễ hội Chợ tình Khâu Vai của dân tộc Nùng, lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang; Lễ ra tháng của người Sán Chỉ; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Ka tê của dân tộc Chăm ở Bình Thuận; Lễ hội Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer…
Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng nhận định, NCUT vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Các già làng, trưởng bản, NCUT đã tích cực động viên con cháu thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ… Thanh niên dân tộc thiểu số lên đường nhập ngũ chất lượng năm sau luôn cao hơn năm trước; khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ngày càng vững chắc, sẵn sàng giúp địa phương xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, các đơn vị Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với NCUT, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người: Rục, Chứt, Brâu… Từ chỗ du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay, bà con các dân tộc này đã biết khai hoang, làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện.
Ở vùng biên giới, NCUT là nòng cốt cùng Bộ đội Biên phòng vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”...
Hiện nay, lực lượng Công an đã hợp tác với gần 25 nghìn NCUT tổ chức tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; triển khai công tác xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cả về bề rộng lẫn bề sâu. NCUT đã giúp Công an nắm chắc tình hình, cung cấp nhiều thông tin có giá trị để lực lượng Công an đấu tranh làm thất bại âm mưu thành lập và phục hồi tổ chức “Nhà nước Mông” ở vùng Tây Bắc; “Nhà nước Đêga”, “Tin lành Đêga”, tà đạo “Hà Mòn” ở Tây Nguyên; “Vương quốc Champa” ở Tây Nam bộ… ngăn chặn hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, không để xảy ra phá rối an ninh, biểu tình, bạo loạn ở vùng dân tộc thiểu số.
NCUT còn giúp lực lượng Công an tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; giải quyết kịp thời những phức tạp liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tà đạo, đạo lạ phát sinh ở vùng dân tộc thiểu số; là nòng cốt xây dựng trên 700 mô hình tổ chức quần chúng tham gia phòng chống các loại tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư và vùng dân tộc thiểu số …
Năm 2020, 2021, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, NCUT là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. NCUT đã tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của chính quyền và khuyến cáo của ngành Y tế; nắm bắt, phát hiện kịp thời những trường hợp cần theo dõi, giám sát, cách ly, góp phần ngăn chặn sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả; tham gia tích cực công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, rà soát các đối tượng khó khăn đề nghị chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi trở thành “vùng xanh” sớm hơn các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Với những nhận xét, đánh giá về NCUT của các ngành chức năng trong hệ thống chính trị, có thể khẳng định, NCUT đã thực sự là cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các ban, ngành, đoàn thể, là cơ sở để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, là kênh thông tin quan trọng góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vận động đồng bào nêu cao tinh thần cảnh giác, chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, cung cấp thông tin có giá trị giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm tình hình nơi đồng bào dân tộc thiểu số cư trú; tích cực tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân.
Những năm qua, vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn ổn định, không phát sinh “điểm nóng”, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, xóa bỏ các tà đạo, đạo lạ, các tổ chức bất hợp pháp tuyên truyền trái phép vào địa phương… có phần đóng góp quan trọng của NCUT - những cánh chim đầu đàn vững vàng, kiên cường dẫn dắt cộng đồng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn lên.
Bài 3: Bất cập trong quan niệm lựa chọn người có uy tín
Bài 4: Những vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của người có uy tín