Bài 2: Người lớn không làm gương, sao dạy được trẻ?
(ĐCSVN) - Không ít người lớn suy nghĩ đơn giản, việc lấn làn, vượt đèn đỏ… chỉ là những việc nhỏ. Thế nhưng, hậu quả đằng sau là chính trẻ em lại bắt chước, sao chép đúng hành vi của người lớn.
- Bài 1: Nỗi lo thanh thiếu niên, học sinh vi phạm an toàn giao thông
- Bài 3: "Vắc xin" hữu hiệu ngăn ngừa sớm những điều đáng tiếc
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp so nhiều nguyên nhân. Song chắc chắc có nguyên nhân do một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái, chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông.
Người lớn vô tư “phá” luật
Gia đình, cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng và tác động trực tiếp đối với việc đảm bảo an toàn cho con em mình khi tham gia giao thông. Thế nhưng, chỉ cần quan sát tại các các cổng trường, từ cấp tiểu học đến THPT trong giờ cao điểm hoặc bình thường đều nhận thấy tình trạng phụ huynh thể hiện sự thiếu gương mẫu, thường xuyên vô tư vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Theo quy định của pháp luật, trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhưng rất ít phụ huynh thực hiện điều này. Tại các cổng trường, nhiều bậc phụ huynh không hề đội mũ bảo hiểm cho con.
Người đi đường cũng thường xuyên bắt gặp những hình ảnh phụ huynh đưa đón con đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ, tham gia giao thông kiểu “điền vào chỗ trống” …. Bên cạnh đó, ngay tại các cổng trường học cũng thường diễn ra tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông từ việc phụ huynh đến đón con đã dừng, đỗ phương tiện lộn xộn, sai quy định, lấn chiếm lòng đường.
Không ít phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho bản thân và con em mình. (Ảnh: VH) |
Trong khi đó, trên các tuyến đường, không khó để bắt gặp những thanh thiếu niên còn khoác áo học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi lấn làn, lấn tuyến, dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh, lạng lách...
Chưa kể, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện nay nhiều em chưa đủ 18 tuổi vẫn điều khiển xe máy dung tích trên 50cm3. Nhiều em chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy dung tích dưới 50cm3, điều khiển xe máy điện. Những vi phạm này đồng nghĩa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông với học sinh. Điều này cũng cho thấy, việc quản lý lỏng lẻo và sự thiếu trách nhiệm của không ít bậc phụ huynh khi biết con mình chưa đủ tuổi nhưng vẫn cho điều khiển xe không đúng theo quy định.
Tháng 9/2023, các tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) đã tổ chức ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm đối với những học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe phân khối lớn tham gia giao thông.
Ghi nhận đầu giờ chiều ngày 26/9, tại khu vực quận Đống Đa ( TP Hà Nội), các tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 trong quá trình tuần tra, cắm chốt dọc tuyến đường Láng, Láng Hạ, Hoàng Cầu… đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Cá biệt có trường hợp em Đ.T.M (sinh năm 2008, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là học sinh lớp 10, đến nhà bạn chơi, tự lấy xe chở bạn đi mua trà sữa bị xử phạt lỗi không có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện là xe mô tô khi chưa đủ tuổi… Cảnh sát giao thông đã bị tạm giữ phương tiện. Khi bố bạn của M. (chủ phương tiện vi phạm) được thông báo có mặt tại chốt cũng được yêu cầu hợp tác, chấp hành việc xử phạt, tạm giữ phương tiện, thông báo về nhà trường.
“Hiện tượng thiếu niên chưa đủ tuổi, không có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô diễn biến phức tạp, gây ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến xã hội lo ngại, dư luận bức xúc” – thực tế này đã được ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2023.
"Người ta nói trẻ con là tấm gương phản chiếu của người lớn. Ðiều đáng buồn là hiện nay nhiều bậc cha mẹ thiếu ý thức, không làm gương cho các con thì sẽ dẫn đến việc các con xem thường và vi phạm luật giao thông là điều hiển nhiên", bác Đào Thị Thêm (Dục Tú, Đông Anh) cho biết.
Trong khi đó, anh Hoàng Sơn (Đông Anh, Hà Nội) cho biết gia đình sống gần một trường cấp 3 và bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh đi xe máy đến trường như cơm bữa. Anh cho rằng các bạn trẻ có xe máy để đi đến trường đều nhận được sự đồng thuận từ gia đình trong khi chưa đến tuổi quy định. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho các bạn mà cả những người tham gia giao thông. Nhấn mạnh đây rõ ràng là hành vi tiếp tay cho con vi phạm luật giao thông, anh đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của phụ huynh khi có con vi phạm luật giao thông.
“Khi bố mẹ nghiêm khắc, không dung túng, không tạo điều kiện cho con có phương tiện để vi phạm thì tình trạng người trẻ điều khiển phương tiện không đúng độ tuổi quy định sẽ giảm” - anh Sơn nói.
Hệ lụy khôn lường với con trẻ
Thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh chở con em mình vừa vi phạm luật giao thông, lại văng tục, chửi bậy, buông lời nguyền rủa hoặc xô xát với người khác trong khi tham gia giao thông. Không ít người cho rằng, đây chỉ là những việc “nhỏ”. Thế nhưng, hậu quả đằng sau là chính trẻ em lại “bắt chước, sao chép” đúng hành vi của người lớn. Có thể nói rằng con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn |
Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của gia đình – nhà trường – xã hội. Nhưng hiện nay, nếu so sánh giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội thì chúng ta thấy có vấn đề nhất định.
“Chúng ta chứng kiến rất nhiều trường hợp bố mẹ đưa con cái đi học thì không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi cả lên đường, hè phố để đưa con đến trường… Những hành vi này bất chấp những quy định về giao thông, đi ngược lại những vấn đề mà con em đã được giáo dục trong nhà trường hay trên các phương tiện truyền thông” – ông nói.
Theo ông, chính sự “khập khễnh”, không đồng nhất giữa giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, giáo dục ngoài xã hội khiến cho văn hóa giao thông của chúng ta có vấn đề.
Nhấn mạnh phải quan tâm nhiều hơn đến giáo dục văn hóa giao thông trong mỗi gia đình, ông Bùi Hoài Sơn phân tích, giáo dục trong gia đình chính là giáo dục làm gương.
Bố mẹ phải trở thành những tấm gương tốt để từ đó con mình được hướng dẫn về mặt đạo đức, nhân cách cho phát triển tương lai sau này. Nếu bố mẹ không thực hiện được điều đó thì khiến cho những đứa trẻ bị trong một trạng thái gọi là khủng hoảng về nhận thức khi giáo dục nhà trường và giáo dục của gia đình quá khác nhau, đứa trẻ không biết là giáo dục nào thì phù hợp với chính bản thân.
Bản thân bố mẹ khi chở con bằng phương tiện cơ giới cũng không chấp hành nghiêm túc các quy tắc về TTATGT cũng là một tấm gương xấu cho các con, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ sau này, hình thành nên thói quen không tốt từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội...
Còn đối với xã hội thì rõ ràng rằng sự không đồng bộ giữa giáo dục nhà trường, gia đình có tác hại rất nguy hiểm. Có thể ban đầu chỉ là một hành động mang tính vô thức, là một hành động nhỏ nhưng sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực khác trong xã hội mà không chỉ dừng lại giao thông nữa.
Nhấn mạnh “Cái ác dù nhỏ thôi nhưng nó sẽ là mầm mống của sự băng hoại đạo đức xã hội”, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng phải chấn chỉnh ngay từ những việc nhỏ, từ những việc thực hành trong gia đình, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến giao thông.
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ (Ảnh: VH) |
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, giáo viên Trường THCS Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội): Thầy cô, cha mẹ cần phải là tấm gương về chấp hành quy định về ATGT cho học sinh noi theo. Trong đó, cha mẹ, người thân chính là những tấm gương gần gũi, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Nhà trường có dày công bao nhiêu cũng không thể xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh nếu gia đình, phụ huynh cứ vô tình phá hoại. Lứa tuổi các em đều muốn khẳng định bản thân, nếu thiếu đi sự uốn nắn của gia đình, xã hội, các em sẽ rất dễ nhiễm vào mình những hành vi, thói quen xấu, đi ngược lại với chuẩn mực chung của xã hội.
“Những cái tặc lưỡi dễ dãi hay sự bào chữa cho con khi con không thực hiện tốt quy định khi tham gia giao thông sẽ hình thành thói quen không tốt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy đến với con sau này” – cô giáo Thắm nhìn nhận. Đồng thời khẳng định, việc phụ huynh gương mẫu chấp hành luật giao thông, ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông sẽ là tấm gương rõ nét nhất để các em noi theo./.