Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Nâng giá trị cây luồng, tăng sinh kế cho bà con vùng Quan Hóa, Thanh Hóa

Thứ Sáu, 04/11/2022 15:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Quan Hóa nhận chứng chỉ rừng bền vững FSC đầu tiên về cây tre ở Việt Nam vào năm 2019. Dự án được triển khai vào năm 2018 và đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương cũng như nâng cao đời sống của bà con nông dân nơi đây.

 Hình ảnh tổng quan về kết quả bước đầu của Dự án (Ảnh chụp màn hình)

Trao đổi với đoàn công tác, ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, cấp ủy và chính quyền huyện Quan Hóa rất quan tâm tới cây luồng và sinh kế người dân liên quan tới cây luồng. Dự án được triển khai trên địa bàn từ tháng 5/2018 và đã giúp hình thành 25 tổ nhóm với 928 hộ tham gia, trong đó có 4.176 người được tập huấn gồm 586 phụ nữ được tham gia. Đặc biệt, đã cấp chứng chỉ rừng bền vững cho 2.369,3ha trên 4 xã: Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn. (Thanh Xuân và Phú Xuân hiện nay đã sát nhập thành xã Phú Xuân), thực hiện 6 khóa tập huấn với gần 300 học viên tham gia. Với việc tham gia Dự án, ý thức, tư duy của bà con nhân dân được tham gia đã thay đổi đáng kể nếu không muốn nói là thay đổi bước ngoặt khi họ đã biết cách chăm sóc cây luồng khoa học hơn, biết phải chặt đi cây hỏng, để cây tốt còn lại phát triển nhanh hơn, biết cách đánh dấu số năm trên cây, nhất là trồng xen kẽ các cây giá trị khác, thậm chí cả cây gỗ lớn để đỡ và chắn gió lớn, mưa bão cho rừng luồng. Cây luồng tốt hơn, chậm bị “khuy”, ra măng tốt hơn, phát triển đều, ổn định.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch, Quan Hóa là một huyện nghèo, trước chỉ chuyên trồng và thu hoạch, theo tự nhiên, không có ý thức chăm sóc và bón phân nhưng từ ngày có Dự án triển khai, chất lượng cây luồng được cải thiện nhiều hơn theo chiều hướng tốt, cây luồng to dài và thẳng hơn, đạt giá trị làm thành phẩm tốt nhiều hơn, tỷ lệ luồng hư hỏng thấp, góp phần giúp nhà máy, doanh nghiệp, thương lái thu mua giá trị cao hơn. Đơn cử như nhà máy của Hòa Bình đang thu mua ở địa phương cao hơn so với thị trường 10-15%, bình thường chỉ thu mua với giá 12.000-12.500/1 yến luồng nhưng với khu vực rừng luồng được  cấp chứng chỉ bền vững thì thu mua với giá 14.000-15.000/1 yến luồng.

Hiện nay, địa phương mới có 2.369,3ha được cấp chứng chỉ FSC, do đó, cấp ủy, chính quyền huyện mong muốn được mở rộng càng nhiều càng tốt, thậm chí có thể ở toàn diện tích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn không tránh khỏi khó khăn: diện tích cấp chứng chỉ rừng bền vững còn khá khiêm tốn, số tổ nhóm và hộ dân tham gia dự án chưa được nhiều, có 15 xã thị trấn và có rất nhiều luồng nhưng mới có 5 xã được tham gia vào dự án do EU tài trợ cùng 3 đối tác chính: Oxfam, VCCI và Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC).

Bà con khai thác luồng về xưởng (Ảnh: HNV) 

Đồng chí Phó Chủ tịch cho biết: Thực tế, năm 2020, tỉnh cũng đã cấp chứng chỉ cho mấy huyện trong đó có Quan Hóa (khoảng 200 triệu) nhưng về kinh phí để làm cấp chứng chỉ rừng bền vững theo Ngân sách: Chưa có hướng dẫn chi cụ thể từ Bộ Tài chính – huyện phải trả lại ngân sách nên cũng lãng phí. Nhân dịp này, huyện chúng tôi cũng kiến nghị lên cấp trên mà trực tiếp là Bộ Tài Chính về việc cần phải có quy định, hướng dẫn định mức chi cấp chứng chỉ rừng bền vững cụ thể để các địa phương triển khai đúng, đủ theo quy định.

“Thêm nữa, dự án chuẩn bị kết thúc nhưng nếu có thể thì vẫn tăng cường tập huấn thường xuyên liên tục nếu không mở rộng tổ nhóm thì tăng cường số lần tập huấn chuyên sâu – bà con miền núi tiếp thu chậm, hạn chế nên cần phải nói nhiều để nhớ để quen, tránh tình trạng bị quên và quay lại cách làm cũ, cách thực hành như thói quen” – Phó Chủ tịch Trần Văn Hùng nói.

 Những thân cây luồng được sơ chế tại xưởng của Tổ nhóm (Ảnh: HNV)

Bên cạnh đó, huyện chưa có doanh nghiệp chế biến sản phẩm chuyên sâu có chất lượng, thậm chí hàng để xuất khẩu mà chủ yếu làm đũa, chế biến bột giấy có giá trị không cao mà nguy cơ ô nhiễm môi trường nên cũng mong muốn qua đây có thể thu hút thêm các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chế biến về lĩnh vực này đến với địa phương. “Huyện luôn sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón” – Phó Chủ tịch cam kết.

Đến với mô hình Tổ nhóm sản xuất của bà Lương Thị Nguyệt tại bản Sại, đoàn công tác chúng tôi bất ngờ trước sự vận hành quy củ của xưởng dù còn sơ chế ở mức thô sơ. Là Tổ trưởng Tổ nhóm sản xuất của Bản Sại nhận được sự hỗ trợ từ Dự án, bà Lưu Thị Nguyệt thông tin với chúng tôi, Tổ gồm 42 thành viên (là hộ) tham gia, sản xuất trực tiếp là 20 người, còn lại tham gia chăm sóc rừng, một số tham gia chăm sóc rừng luồng và 1 số sản xuất, có tiêu chí chọn sản xuất (nhanh nhẹn, có kỹ năng, được huấn luyện). Bắt đầu làm cơ sở chế biến từ 2021, phục tráng từ 2018. Có hỗ trợ của dự án về cung cấp máy để mở xưởng, thu nhập người lao động tại xưởng 200.000đ/1 người/1 ngày (công nhật, thời vụ, tăng thu nhập thêm ngoài trồng lúa và sản xuất khác). “Xưởng có công suất 20 tấn luồng cây mỗi ngày nhập vào và từ đó chế biến ra theo yêu cầu của đơn vị thu mua (ống đạt chuẩn, thanh nan tạo thành đũa dùng 1 lần). Nhờ Dự án, bà con biết cách chăm sóc, giá trị cây nâng cao, trước thu mua 7.000đ/10kg và hiện nay 12-13.000đ/10kg thu mua của người dân”- bà Nguyệt cho biết.

Cũng theo bà Nguyệt, do được tham gia vào Dự án, Tổ nhóm bản Sại đã được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón đúng cách, nhất là được hỗ trợ thêm máy móc, giá cả thu mua giá tận gốc và cao hơn giúp bà con đỡ vất vả hơn. Tham gia vào Dự án, đời sống của bà con chúng tôi đã chuyển biến và khác biệt cụ thể: được hỗ trợ sinh kế, bà con có thêm thu nhập... Vui mừng hơn cả là, Tổ đã tạo thêm thu nhập cho chủ yếu lao động nữ, Tổ chúng tôi hiện có 14-15 lao động nữ/20 lao động. Và chúng tôi tin rằng, sau khi Dự án kết thúc, chúng tôi vẫn tự tin duy trì được.

 Cán bộ dự án và người dân địa phương tại vùng nguyên liệu FSC (Ảnh: HNV)

Là một trong những đơn vị thu mua nguyên vật liệu cây luồng tại Quan Hóa, Công ty cổ phần BWG Mai Châu với nhà máy sản xuất đặt tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình – nhà máy sản xuất tre công nghiệp có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Đây cũng được xem là đơn vị khép kín chuỗi từ trồng, chăm sóc đến khai thác và chế biến cây luồng của Quan Hóa. Ông Nguyễn Đình Tám, Giám đốc điều hành sản xuất trực tiếp tại Nhà máy cho hay, nhà máy có quy mô tổng diện tích gần 10ha, hiện sản xuất tre công nghiệp, với 2 sản phẩm chính là nội thất gia dụng và sản phẩm tre phôi ép khối – dòng sản phẩm ngoài trời (chịu nước, khắc nghiệt hơn) cũng là thế mạnh của nhà máy. Cây luồng là cây duy nhất nhà máy nhập dùng để chế biến và công suất chế biến được 50-60 tấn cây/ngày và nhập từ vùng FSC Quan Hóa là chính. “Với việc chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, việc đảm bảo vùng nguyên liệu cho sản xuất của nhà máy đá góp phần giúp cho đầu ra tốt hơn, đặc biệt là đáp ứng tiêu chí khắt khe của thị trường châu Âu, đảm bảo gia tăng giá trị sản phẩm”- ông Nguyễn Đình Tám thông tin thêm.

Nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần BWG Mai Châu, Hòa Bình - đơn vị tiêu thụ chính cây luồng nguyên liệu từ Quan Hóa, Thanh Hóa (Ảnh: HNV)

Cũng trao đổi về hiệu quả và giá trị của FSC, nhân viên phụ trách FSC của nhà máy Hà Thị Lê bổ sung thêm thông tin, hiện, nhà máy có các nhóm hộ nhỏ để thu mua, cụ thể là 77 chi nhóm nhỏ và 545 thành viên với 2.369ha. Dự kiến, diện tích FSC sẽ được mở rộng gấp đôi vào 2024. Nhà máy thu mua quanh năm và giá thì theo mùa vụ, thường thì mùa mưa cao hơn mùa khô, biến động theo năm và tùy tình hình thực tế sản xuất kinh doanh. “Giá trị của chứng chỉ FSC cho thấy sự khác biệt rõ nét, đó là: đảm bảo khai thác rừng không ảnh hưởng hiện trạng và đảm bảo đời sống người dân, tránh khai thác trắng, tránh hiện tượng đất trống đồi trọc và trước mua của thương lái trung gian (không kiểm soát được chất lượng, giá của người dân bị ép giá) còn giờ mình kiểm soát được hoạt động chăm sóc, khai thác từ 3-5 tuổi và liên quan kỹ thuật chăm sóc vùng luồng có cán bộ hỗ trợ - phối hợp tất cả các bên cả nhà máy và chính quyền địa phương).

“Thực tế, nguồn cung không lo không có nhưng đáp ứng tiêu chí bền vững không nhiều. Nhà máy chúng tôi có chiến lược hợp tác và mở rộng thêm diện tích, khảo sát thực địa với khu vực có thể khai thác được (đường vào khó, không khai thác được…) hiện tại mới có Phú Sơn. Phú Lệ, Phú Xuân – địa bàn gần Quốc lộ 15 – hạ tầng đáp ứng được yêu cầu khai thác và vận chuyển. Hơn nữa, dựa theo bộ tiêu chuẩn quản lý rừng Việt Nam hiện tại thì yêu cầu không cao, chỉ cần bà con cam kết phối hợp theo hoạt động giám sát… là ổn” – Hà Thị Lê nói./.

 

Hân Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN