Bài 2: Lai Châu chú trọng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới
(ĐCSVN) - Là một tỉnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp khiến người dân bị hạn chế khi tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần. Nhiều giải pháp được đưa ra để Lai Châu xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, con người và xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh nhằm tiến tới xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.
Xây dựng văn hóa, con người ngày càng hiện đại
Để thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các nghị quyết của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Lai Châu đã chú trọng, quan tâm hiện đại hóa, đại chúng hóa và hội nhập quốc tế, để văn hóa “hòa nhập” mà không “hòa tan”; phù hợp với xu thế phát triển.
Nhiều giải pháp được tỉnh Lai Châu đưa ra để xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, con người và xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh. |
Để làm nền tảng cho văn hóa phát triển, tỉnh đã chủ động xây dựng các thiết chế văn hóa, thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, thúc đẩy các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, làm tốt công tác an sinh xã hội. Đến nay, đã kiện toàn hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở. Người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cộng đồng dân cư, tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xây dựng gia đình văn hoá”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Khuyến học, khuyến tài”,...
Việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa đang từng bước được quan tâm đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nếu năm 2014 toàn tỉnh có 410 thôn bản, khu phố (36%) có nhà văn hóa thì đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 799 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, đạt 83,5%; 99/106 đơn vị hành chính cấp xã có nhà văn hóa.
Đa số các gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống gia đình được giữ gìn và phát huy, chất lượng gia đình văn hóa ngày càng tiến bộ. |
Toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ thôn bản, trong đó có 864 đội văn nghệ thôn bản và 24 đội văn nghệ xã hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Đa số các gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống gia đình được giữ gìn và phát huy, chất lượng gia đình văn hóa ngày càng tiến bộ.
Ngoài ra, công tác quản lý văn hóa, tư tưởng, định hướng và hợp tác truyền thông cũng được tỉnh chú trọng thông qua môi trường số, công nghệ số. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chủ động thuê phần mềm Giám sát danh tiếng và Thông tin trực tuyến nhằm phát hiện những thông tin tiêu cực, nắm bắt những vấn đề mà dư luận quan tâm để kịp thời định hướng dư luận, đồng thời qua đó góp phần tăng cường các hoạt động truyền thông quảng bá, lan tỏa hình ảnh của Lai Châu.
|
Việc vận động, tuyên truyền nhân dân cũng được đổi mới, ứng dụng xu hướng công nghệ, tăng cường đầu tư cho truyền thông văn hóa số, từ đó phát huy vai trò của mỗi cán bộ, người dân tham gia trong các hoạt động tuyên truyền; đã giúp môi trường văn hóa có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt; văn hóa trong hệ thống chính trị, từng thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Lan tỏa hình ảnh mảnh đất và con người Lai Châu
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện, môi trường cho ngành công nghiệp văn hoá, du lịch văn hoá phát triển; chú trọng khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Lai Châu gắn với du lịch, hiện đại hóa các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến điểm đến Lai Châu đến với du khách trong nước và quốc tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư các dự án với trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, xây dựng các công trình văn hóa, điểm đến trải nghiệm văn hóa... đóng góp vào giải quyết việc làm và thúc đẩy quá trình phát triển của địa phương.
|
Nhờ đó, tại Lai Châu đã hình thành một số sản phẩm du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hoá. Các hoạt động văn hóa phát triển cùng với những bản sắc độc đáo đã thu hút đông đảo khách du lịch đến với Lai Châu. Đến nay, toàn tỉnh có 16 điểm du lịch động đồng, 145 nhà hàng, 133 cơ sở lưu trú, trong 10 năm, tổng lượt khách đạt trên 3,982 triệu lượt người.
Một số sản phẩm du lịch có điều kiện, lợi thế được quan tâm đầu tư, tạo nên những điểm nhấn du lịch khác các địa phương khác như: tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc; du lịch cộng đồng (Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng ASEAN). Tỉnh cũng phát huy lợi thế là địa phương có 6/10 ngọn núi cao nhất cả nước để phát triển du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục đỉnh cao (Putaleng, Tả Liên Sơn, Bạch Mộc Lương Tử...), du lịch sinh thái gắn với thể thao mạo hiểm (khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, cổng trời Ô Quý Hồ...); đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, bắt kịp xu thế phát triển công nghệ hiện đại như Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok để truyền thông, quảng bá, xúc tiến điểm đến Lai Châu đến với du khách trong nước và quốc tế. Thông qua các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử; các clip, phóng sự về các chương trình khám phá, trải nghiệm thực tế; sử dụng các ứng dụng (trong cung cấp dịch vụ phương tiện, ăn uống, phòng nghỉ và các sản phẩm du lịch…). Nhờ đó, khách du lịch dễ dàng tìm hiểu điểm đến, tiếp cận các dịch vụ du lịch, liên kết điểm đến trong vùng, giúp Lai Châu trở thành điểm đến lý tưởng trong mạng lưới du lịch hoàn chỉnh, lượng khách đến với Lai Châu tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 39,6%/năm; tổng doanh thu ước đạt 1.207 tỷ đồng.
Phát huy lợi thế là tỉnh có 6/10 ngọn núi cao nhất cả nước, Lai Châu đưa vào khai thác sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục đỉnh cao (như Putaleng, Tả Liên Sơn, Bạch Mộc Lương Tử...). |
Tiêu biểu ở huyện Than Uyên, để có thêm những sản phẩm du lịch độc đáo, huyện chú trọng phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội như: Lễ hội Xòe Chiêng và Lễ hội Lùng Tùng; Hạn Khuống dân tộc Thái đen xã Mường Mít; Kin Pang của dân tộc Thái đen xã Tà Hừa; Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông…; các chợ phiên. Ngoài ra, huyện đã thành lập 8 Câu lạc bộ đàn tính hát then dân tộc; 04 Tổ vận động Bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú; tiếp tục tuyên truyền thực hiện việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa, dân gian dân tộc Mông tại 21 bản có dân tộc Mông trên địa bàn huyện....
Huyện cũng đã hình thành được các sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan và trải nghiệm, trong đó chú trọng các sản phẩm đặc trưng về văn hoá dân tộc của địa phương. Đặc biệt, Than Uyên tích cực khai thác lợi thế của công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số, thông qua các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh đẹp, giới thiệu các sản phẩm và địa điểm du lịch hấp dẫn như Đồi thông Than Uyên, Vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu; Cánh đồng Mường Than (lớn thứ 3 Tây Bắc); các điểm du lịch Đồi thông, Cô Chín, Loveyou… Nhiều trang fanpafe riêng của các điểm du lịch đã liên kết với các trang fanpage trên youtube của các tiktoker; kết nối với các công ty du lịch, lữ hành trong nước và quốc tế. Các hoạt động tiện ích đã giúp du khách dễ dàng liên kết tour du lịch, đặt phòng và các dịch vụ khác, thu hút du khách biết và đến với Than Uyên để trải nghiệm và khám phá với 238.000 lượt khách trong năm 2023, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhiều sự kiện văn hóa tổ chức có sự tham gia của đông đảo các đoàn khách nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh miền đất, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đến bạn bè quốc tế. |
Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành mát mẻ, huyện Tam Đường chú trọng gắn bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch. Đến với Tam Đường, du khách được tìm hiểu các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Tủ cải, Nhảy lửa dân tộc Dao, Lễ hội Bun Vốc Nặm dân tộc Lào, Lễ hội Xòe Chiêng dân tộc Thái; Lễ hội Căm Nung, Căm Mương dân tộc Lự, Lễ hội Động Tiên Sơn... và các hoạt động văn hóa đặc sắc khác. Đặc biệt, khách du lịch, bạn bè còn được biết đến Tam Đường với những sản phẩm hàng hóa đặc trưng được nuôi trồng bằng tình yêu của người nông dân, bằng sự tích tụ tinh hoa giữa đất, nước và không khí nơi đây. Những sản phẩm được “thổi hồn” ấy đã thu hút, hấp dẫn du khách bởi sự độc đáo, tinh túy và khác biệt cũng như sự rõ ràng trong nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến. Toàn huyện hiện có 12 sản phẩm OCOP 3 sao, nhiều sản phẩm được du khách cũng như người tiêu dùng đặc biệt yêu thích, đặc biệt sản phẩm Khèn Mông A Dũng tạo nên sự độc đáo mà không nơi nào có được… Lượng khách du lịch đến với huyện không ngừng tăng lên, giai đoạn 2014 - 2018 đạt trên 350.000 lượt; giai đoạn 2019 - 2023 đạt gần 1.000.000 lượt du khách đến trải nghiệm.
Đối với huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, việc thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, thể thao giữa Nhân dân các xã, các bản giáp đường biên giới với các xã, các bản của huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Lai Châu đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc và thu hút đầu tư, phát triển du lịch được chú trọng. Các huyện đã tổ chức các lễ hội, ngày hội giao lưu văn hóa, các hoạt động biểu diễn, ngày hội thể thao nhằm giới thiệu về trang phục, các sản phẩm văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực.
Trong quá trình hội nhập, văn hóa là “cầu nối” quan trọng để Lai Châu kết nối với các địa phương cũng như hội nhập quốc tế, đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. (Nguồn ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh). |
Từ năm 2014 đến nay, 102 hoạt động giao lưu văn hóa giữa các địa phương của tỉnh Lai Châu với các địa phương đối đẳng của Trung Quốc và Lào được tổ chức. Nhiều sự kiện văn hóa tổ chức tại tỉnh có sự tham gia của đông đảo các đoàn khách nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh miền đất, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Lai Châu đến bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I với Chương trình Giao lưu văn nghệ Việt Nam – Trung Quốc và Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Lai Châu năm 2023 được tổ chức đã để lại những ấn tượng rất đẹp về một Lai Châu nhiều bản sắc, tràn đầy khát vọng hội nhập phát triển. Trong quá trình hội nhập, thông qua vai trò của văn hóa và chính những giá trị văn hóa đã tạo được sức hấp dẫn, là cầu nối quan trọng để Lai Châu kết nối với các địa phương cũng như hội nhập quốc tế thành công, làm cho Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhờ đó, hình ảnh đẹp, thân thiện, đáng mến của mảnh đất, con người Lai Châu được lan tỏa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới. Cũng nhờ tích cực và chủ động đổi mới, hội nhập, văn hóa và con người Lai Châu đã tiếp thu, bổ sung được những giá trị, tinh hoa văn hóa vùng miền; xuất hiện các loại hình văn hóa mới làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của con người nơi đây, đồng thời thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mỗi người dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại./.
Bài 1: Giữ gìn bản sắc văn hóa, con người Lai Châu
Bài 3: Hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện văn hóa, con người Lai Châu