Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng

Thứ Tư, 18/10/2023 15:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

​(ĐCSVN) - Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, quân đội ta đã tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, cùng với toàn Đảng, toàn dân tham gia lao động sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 Lực lượng thi công của Binh đoàn 12 trên công trường xây dựng cao tốc Bắc – Nam.
(Ảnh: Văn Phác)

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các đơn vị quân đội đã trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tại các địa bàn chiến lược, các dự án kinh tế đặc biệt khó khăn.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong Quân đội đã trở thành những con chim đầu đàn trong khối doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cũng là nơi giữ gìn và phát triển tiềm lực quốc phòng. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty Lũng Lô, các công ty hợp tác kinh tế của các quân khu, đoàn kinh tế quốc phòng… Các doanh nghiệp trên hiện đang tham gia phát triển vào các lĩnh vực mũi nhọn của đất nước như dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, đóng tàu, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm của đất nước, vừa tạo ra các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa tạo ra những sản phẩm kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước. Ước tính lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp quân đội năm 2022 khoảng 50.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2021. Riêng Tập đoàn Viettel nộp ngân sách nhà nước 38.000 tỷ đồng. Hoặc như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, theo báo cáo Banking 500 2022 thì đây là Ngân hàng trong top 300 thương hiệu ngân hàng có giá trị và mạnh nhất thế giới. Đây là những chỉ số, những bức tranh kinh tế rất ấn tượng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đối với Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) là đơn vị kế tục truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn anh hùng, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc chức năng của đội quân chiến đấu, trực tiếp mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam; tổ chức đưa, đón cán bộ, bộ đội và công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước giành lại hòa bình, Binh đoàn 12 được thành lập.

Trên cơ sở các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn có nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng. Nhiều công trình trọng điểm của đất nước còn vang mãi đến hôm nay được xây dựng bởi bàn tay, khối óc và mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại…Trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Binh đoàn 12 đã từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trên mặt trận kinh tế, là một doanh nghiệp mạnh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm nhiệm thi công nhiều công trình trọng điểm của quốc gia như: Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng; xây dựng sân bay Long Thành, sân bay Nội Bài; nhiều gói thầu xây dựng đường cao tốc, đặc biệt là nhiều gói thầu của dự án cao tốc Bắc Nam… đây là những dự án có ý nghĩa chính trị rất to lớn, phục vụ đắc lực cho quá trình đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn, đóng góp hiệu quả vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ trung tâm là lao động sản xuất, Binh đoàn 12 còn là đơn vị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, tham gia cứu hộ, cứu nạn… Đặc biệt, vào tháng 10 năm 2020, Binh đoàn 12 đã tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Đoàn Kinh tế quốc phòng 337/Quân khu 4. Đây là những sự cố sạt lở do mưa lũ hết sức nghiêm trọng. Cùng với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Binh đoàn 12 đã khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện. Quá trình cơ động, do điều kiện thời tiết xấu, việc di chuyển hết sức khó khăn, nhiều đoạn đường đã bị sạt lở và vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở lớn. Tuy nhiên, Binh đoàn đã điều động những đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh miền Trung thông thạo về địa lý và do có kinh nghiệm trong thi công xây dựng cầu đường cùng với máy móc, thiết bị chuyên dụng nên việc mở đường để tiếp cận hiện được triển khai nhanh chóng. Kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, TCCT đã đánh giá về Binh đoàn là: Kịp thời, chuyên nghiệp, trách nhiệm và an toàn. Đồng thời chỉ đạo Binh đoàn 12 tiếp tục sử dụng lực lượng, thiết bị phối hợp với Quân khu 4 tìm kiếm vũ khí, đạn, kho hậu cần,… san lấp mặt bằng sơ bộ giúp Đoàn kinh tế Quốc phòng 337/Quân khu4; chỉ đạo Binh đoàn tiếp tục sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, lực lượng giúp tỉnh theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị.

Từ những cơ sở lý luận, thực tiễn trên có thể khẳng định, dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội ta đều thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.

Đặc biệt, sau ngày đất nước giành lại hòa bình, độc lập, Đảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới; cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chức năng đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất của Quân đội ngày càng được phát huy. Các đơn vị quân đội đã quán triệt và thực hiện sáng tạo quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước trong góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Thế nhưng các thế lực thù địch lại xuyên tạc sự thật này. Sau thất bại trong việc biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, chúng đã tiến hành chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, hình thành một chế độ xã hội mới mà chúng ngụy tạo là “xã hội dân chủ”. Đối với lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch, đối lập với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã lợi dụng quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư của nước ngoài để đưa ra các điều kiện, phương thức quản lý của chủ nghĩa tư bản, thúc ép nước ta phải điều chỉnh, thay đổi một số quy định để “nhằm phù hợp với điều lệ quốc tế”.

Đối với quân đội, chúng thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”, bản chất của âm mưu này nhằm tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, quân đội đứng ngoài giai cấp, là một “đội quân trung lập”, làm cho quân đội ta xa rời bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, từ bỏ tính dân tộc bằng những luận điệu xuyên tạc, phá hoại hết sức thâm độc, xảo quyệt. Trong thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch đã tung ra các luận điệu cho rằng, việc quân đội thực hiện ba chức năng cơ bản là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của Việt Nam giai đoạn hiện nay và nên từ bỏ chức năng “đội quân lao động sản xuất” để phù hợp với xu thế xây dựng Quân đội của các nước trên thế giới.

Hưởng ứng, tung hô luận điệu phản động của các thế lực thù địch bên ngoài, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị theo chủ nghĩa “xét lại” trong nước cho rằng, đất nước đã phát triển, nguồn kinh phí cho công tác quân sự, quốc phòng được bảo đảm nên Quân đội không cần tăng gia sản xuất và không cần làm kinh tế đơn thuần, chỉ nên chuyên tâm vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Nham hiểm hơn, chúng lợi dụng một số cán bộ, tướng lĩnh trong quân đội mắc sai phạm liên quan đến công tác quản lý kinh tế đã thổi phồng và đánh đồng cho việc quân đội tham gia phát triển kinh tế là để lợi dụng “nguồn nhân lực sẵn có”, là “bóc lột sức lao động” của đội ngũ chiến sĩ đông đảo, và thực hiện “lợi ích nhóm” cho một số người có chức, có quyền…

Một thủ đoạn nữa đó là các thế lực phản động, thù địch đã móc nối với một số phần tử bất mãn, tiêu cực từng đứng trong hàng ngũ của quân đội ta để phỏng vấn, trích dẫn và lan truyền trên môi trường Internet, mạng xã hội những luận điệu tuyệt đối hóa vai trò của quân đội trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hạ thấp vai trò của đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, gây ra sự hoài nghi, băn khoăn, chia rẽ về chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta.

Có thể nói, để đưa ra các luận điệu phản động trên, chúng đã thay đổi phương thức chống phá, không còn nhiều những bài viết chống phá trực diện, một chiều mà thay vào đó, một mặt chúng ca ngợi vai trò của quân đội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặt khác chúng đưa ra lý luận cần phải cải tiến, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta trong thời kỳ mới. Bản chất sâu xa và mục đích cuối cùng của chúng đó là bôi nhọ bản chất, truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của quân đội ta, làm cho quân đội đứng ngoài sự nghiệp cách mạng của Đảng, “phi chính trị hóa quân đội”; đồng thời cản trở tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Thượng tá Trần Thị Hoa - Trưởng Ban Tuyên huấn Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN