Thủ đô Hà Nội được biết đến là thành phố có những di sản văn hóa vật thể vô giá. |
(ĐCSVN) - Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa với quyết tâm đưa văn hóa trở thành nguồn lực quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Ở Việt Nam, chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đã được Đảng ta đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII và tiếp tục khẳng định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; được Chính phủ cụ thể hóa thành Chiến lược phát triển với tầm nhìn đến năm 2030. Là Thủ đô, Hà Nội luôn ý thức trách nhiệm phải gương mẫu đi đầu, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, đảm bảo thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ đặt ra “Hà Nội là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước”.
Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ quan điểm rằng, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.
Đánh giá ưu thế về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là “vốn” di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội cũng sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản.
Đúng thế! Thủ đô Hà Nội được biết đến là thành phố có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ… Không phải ngẫu nhiên mà Thăng Long - Hà Nội được coi là “Thành phố di sản” với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, đặc sắc, nổi bật nhất cả nước. Đây là nơi hiện diện đầy đủ các loại hình di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với hàng trăm di sản được vinh danh ở nhiều cấp độ, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và 1 Di sản tư liệu thế giới là 82 bia tiến sĩ Triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Đây cũng là một nguồn lực nội sinh lớn để ngành công nghiệp "không khói" của Hà Nội phát triển.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương thông tin, trong 3.500 di tích được công nhận cấp quốc gia, Hà Nội đang có hơn 1.200 di tích được công nhận (chiếm 1/3 di tích được bảo tồn cấp quốc gia). Hà Nội cũng lưu giữ một khối lượng văn hóa phi vật thể lớn, có sự đa dạng và phong phú trong các loại hình di tích của cả nước. Có thể nói, Hà Nội đang giữ cho đất nước khối lượng di sản văn hóa khổng lồ.
Hà Nội cũng là nơi lưu giữ những ngôi đình cổ nhất, trường đại học đầu tiên, đệ nhất danh thắng, đệ nhất cổ tự - những báu vật trời Nam mà chỉ tên tuổi thôi cũng đã nói lên rất nhiều điều về tiến trình lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc hay đời sống văn hóa tinh thần của nhiều thế hệ cư dân Hà Nội.
Hà Nội còn là nơi “đất trăm nghề”, là địa bàn có nhiều làng nghề nhất cả nước, chiếm đến 59% và là một trong số ít Thủ đô trên thế giới có tới 1.350 làng nghề, 1.173 lễ hội mới và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực… và nhiều di sản văn hóa trực thuộc quản lý của các cơ quan Trung ương trên địa bàn. Vùng đất “trăm nghề” tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm... Tất cả đã cho thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất.
Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là “vốn” di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Đây còn là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa.
Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa.
Trên cơ sở xác định những lợi thế so sánh về bề dày lịch sử, trên nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Qua đó, các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã từng bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, góp phần củng cố thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Hà Nội tự tin đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để xác định rõ những tiềm năng, khó khăn, thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã thực hiện bài bản, thận trọng, tạo nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (bên cạnh nghị quyết về công tác cán bộ), đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô.
Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU được Thành ủy Hà Nội chuẩn bị, thu thập tài liệu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khoa học với 2 hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm... |
Trước đó, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU được Thành ủy Hà Nội chuẩn bị, thu thập tài liệu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khoa học với 2 hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm, các hội nghị thu hút sự tham gia của hàng trăm các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, các doanh nghiệp, nghệ sĩ, trí thức,… cả trong nước và quốc tế.
Khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 625 điểm cầu trên địa bàn thành phố với sự tham dự của 26.374 đại biểu….
Và đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy, Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô là quan trọng như thế nào. Điều này cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, đồng thời đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết số 09-NQ/TU nêu rất rõ mục tiêu của Hà Nội là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Lãnh đạo thành phố cũng tỏ rõ quyết tâm khi đặt ra mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một “Thành phố sáng tạo” ở tầm vóc châu Á và “công nghiệp văn hóa” phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045). Nghị quyết đã khẳng định việc đưa văn hóa trở thành một động lực phát triển là nhu cầu tất yếu và phát huy lợi thế đặc sắc của văn hóa Thủ đô để trở thành thương hiệu có tính cạnh tranh ra toàn cầu là nhiệm vụ bức thiết.
Hà Nội còn là nơi “đất tăm nghề”, là địa bàn có nhiều làng nghề nhất cả nước, là một trong số ít Thủ đô trên thế giới có tới 1.350 làng nghề... |
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sáng tạo đều có chung nhận định rằng, Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trong nhiệm kỳ này của Thành ủy Hà Nội là chủ trương trúng và đúng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Hà Nội, với xu thế chung của thế giới; cụ thể hóa thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đã được UNESCO công nhận.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.
Có thể thấy, Nghị quyết số 09-NQ/TU là những chỉ dẫn đầu tiên thể hiện rõ nét nhất mong muốn, quyết tâm, ý chí và hàng loạt giải pháp thúc đẩy nguồn lực văn hóa tiềm năng của Thủ đô. Với Nghị quyết này, Hà Nội đã có thêm những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa, tiềm năng của công nghiệp văn hóa./.
(Bài có sử dụng ảnh của một số đồng nghiệp)
Phát triển văn hoá Hà Nội xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến
Bài 3: Mở “cánh cửa” du lịch văn hóa
Bài 4: Vẫn còn đó những thách thức, rào cản
Bài 5: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô