Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 TP Hồ Chí Minh lung linh về đêm nhìn từ sông Sài Gòn. Ảnh: Giang Sơn Đông/VNP 
 

(ĐCSVN) - Trong chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định sản phẩm "du lịch không ngủ" gắn với kinh tế đêm là một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố.

Lãnh đạo ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh kỳ vọng những sản phẩm "du lịch không ngủ” sẽ là một thế mạnh của du lịch TP Hồ Chí Minh nhờ sự đa dạng về dịch vụ, hạ tầng. Đặc biệt là tập quán, lối sống của người dân TP Hồ Chí Minh cũng phù hợp, du khách yêu thích.  

 

Hiện nay, phát triển kinh tế đêm đang được các địa phương của TP Hồ Chí Minh gấp rút triển khai, bởi đây là một trong những giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành Du lịch.

Các sản phẩm du lịch - dịch vụ phục vụ kinh tế đêm của TP Hồ Chí Minh đang tập trung ở 3 nhóm sản phẩm. Nhóm thứ nhất: những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố. Nhóm thứ hai: thuộc về các sản phẩm du lịch đường thủy. Nhóm thứ ba: các chương trình nghệ thuật. Trong đó, hoạt động về đêm và giải trí nghệ thuật là sản phẩm rất quan trọng để níu chân du khách. Do vậy, những show diễn nghệ thuật phải làm sao vừa có chiều sâu văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và mới mẻ thì mới tạo ra khác biệt cho kinh tế đêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết: Với lợi thế trung tâm của Thành phố, là nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh, hàng quán và những di tích, công trình văn hóa nổi tiếng, việc khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế nói chung và các sản phẩm kinh tế ban đêm nói riêng đã được quận 1 triển khai hiệu quả, tạo nên những điểm nhấn tích cực và đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành kinh tế quận 1 nói riêng và của thành phố nói chung.

 

Ông Nguyễn Duy An dẫn chứng: Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tình hình kinh doanh tại phố đi bộ rất phát đạt, thu hút khoảng 1.000 - 1.500 lượt người vào các dịp cuối tuần. Các dịp lễ hội có từ 4.000 - 5.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch… Kinh tế tại khu vực phố đi bộ có bước phát triển hơn so với trước, theo ước tính của Chi cục thuế, doanh thu tại các cơ sở kinh doanh tuyến Bùi Viện tăng từ 30% đến 50% so với các ngày trong tuần và so với thời điểm trước khi triển khai Phố đi bộ.

Được mệnh danh là thành phố sôi động, ai từng đến TP Hồ Chí Minh nếu không dạo quanh, trải nghiệm TP về đêm sẽ chưa thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và nét văn hóa độc đáo của TP được mệnh danh “không ngủ”. Du khách có thể lựa chọn trải nghiệm, hòa mình vào không khí vui tươi, sôi động, trải nghiệm hoạt động văn hóa nghệ thuật hay vui chơi, giải trí về đêm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, Công viên Bến Bạch Đằng, các phố đêm ẩm thực tại TP Thủ Đức, quận 3, quận 7, quận 5, quận 4…

Nhắc đến phố đêm TP Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của Sài Gòn. Không chỉ mang sức sống trẻ trung của thành phố hiện đại, phố đi bộ Nguyễn Huệ mỗi tối đông vui, nhộn nhịp bởi sự tập trung của đông đảo các bạn trẻ; không chỉ dạo mát trên cung đường nối dài đến Bến Bạch Đằng, du khách còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật do TP Hồ Chí Minh tổ chức hay các tiết mục nghệ thuật đường phố sôi động, đặc sắc như ca hát, nhảy hiện đại, ảo thuật… 

 

Cách phố đi bộ Nguyễn Huệ không xa là phố Bùi Viện cũng đông đúc, sầm uất không kém. Đây là con phố từ lâu đã nổi danh là con phố của những đêm vui chơi không ngủ, được người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước yêu thích, trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình khi đến TP Hồ Chí Minh.

Trước đây, phố Bùi Viện chủ yếu với các hoạt động mua bán, vui chơi náo nhiệt khi ánh hoàng hôn vừa dứt. Sau dịch bệnh COVID-19, hiện nay các cơ sở kinh doanh tại phố Bùi Viện không chỉ đầu tư, trang bị lại cơ sở vật chất mà còn tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Các cơ sở kinh doanh tại đây cũng đã chủ động làm mới các hoạt động của mình, cũng như cách thức phục vụ du khách; nhiều hộ kinh doanh chủ động tổ chức các hoạt động mang nét đặc sắc riêng để quảng bá về phố Bùi Viện…

Không chỉ là nơi hiện hữu của sự sôi động, hiện đại, phố Bùi Viện còn là điểm biểu diễn của nhiều trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan... và âm nhạc là điểm kết nối đặc biệt, tạo ấn tượng cho du khách, tạo cơ hội hiểu biết thêm về văn hóa cũng như con người Việt Nam nói chung và những nét riêng, đặc sắc của TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Cũng theo ông Nguyễn Duy An, năm 2022, quận 1 thực hiện tổ chức thí điểm kéo dài hoạt động kinh doanh tại chợ Bến Thành đến 21h00 hàng ngày. Tính đến tháng 03/2023, có khoảng hơn 300 thương nhân tham gia chương trình và hàng đêm thu hút khoảng hơn 500 du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như đồ lưu niệm, quần áo, giầy dép, bánh kẹo. Thời gian tới, Ban Quản lý chợ tiếp tục vận động thương nhân tham gia chương trình nhất là đối với các thương nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ.

Năm 2022, ngoài phố Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, các quận, huyện như quận 1, quận 3, quận 5, TP Thủ Đức… đã và đang chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch về đêm. Tiêu biểu như quận 5 có chương trình biểu diễn nghệ thuật Lân Sư Rồng quận 5; Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền quận 3; Chợ đêm phố ẩm thực đêm Vinhomes Grand Park TP Thủ Đức…

 

Chính thức đi vào hoạt động vào dịp Giáng sinh năm 2022, Chợ đêm phố ẩm thực đêm Vinhomes Grand Park TP Thủ Đức mở cửa từ 4h chiều tới 2h sáng hôm sau.

Từ ngày khai trương cho đến nay, tất cả các gian hàng đã hoạt động hết công suất, đón hàng ngàn lượt khách nhộn nhịp ra vào. Không gian ẩm thực được tái hiện theo bản sắc từng vùng miền, với đặc sản, lễ phục, phụ kiện,… mang tới sự thích thú cho thực khách.

Dù đã hình thành và phát triển các sản phẩm kinh tế đêm nhưng theo đánh giá hiện các sản phẩm kinh tế đêm của TP Hồ Chí Minh quy mô nhỏ và chưa có sự khác biệt, chưa có các sản phẩm giá trị cao thu hút du khách.

 

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay: Sở cũng nhận thấy rằng sản phẩm du lịch ban đêm của TP chưa đa dạng, còn trùng lắp với các sản phẩm chủ yếu là dịch vụ xe bus 2 tầng, chợ đêm và các phố chuyên kinh doanh như: Phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ (quận 1); Phố thời trang, Phố ẩm thực đêm Phùng Hưng – Lão Tử, Phố vàng bạc (quận 5); Phố đi bộ- thương mại- ẩm thực văn hóa (quận 7); Khu ẩm thực đêm tại tuyến đường Hà Tôn Quyền, Chợ đêm Đầm Sen Spuare (quận 11); Khu ẩm thức thủy hải sản đặc dắc Cần Giờ (chợ đêm Cần Giờ); Phố đi bộ (TP Thủ Đức)… 

 

Là quận trung tâm, có nhiều dư địa để phát triển loại hình kinh tế đêm, ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1 thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những mặt tích cực về phát triển kinh tế đêm thì việc phát triển các sản phẩm kinh tế đêm của quận 1 cũng còn tồn tại nhất định và phát triển đúng như kỳ vọng với tiềm năng thế mạnh đang có như: Các sản phẩm kinh tế đêm còn đơn điệu, manh mún, tự phát, chưa có sự đa dạng và độc đáo. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế đêm cũng phát sinh thêm những vấn đề về vệ sinh, an ninh, giao thông, thiếu chỗ giữ xe và nhà vệ sinh công cộng, lấn chiếm lòng đường và vỉa hè…

Ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty Du lịch Sài Gong (SAIGONTOURIST GROUP) cho hay: TP Hồ Chí Minh đã có một số sản phẩm về đêm để phục vụ du khách, tuy nhiên các sản phẩm này chưa thực sự tạo dấu ấn đặc biệt, chưa mang lại hiệu quả cao cả về mặt kinh doanh và thương hiệu cho du lịch Thành phố.

Hiện nay, phát triển kinh tế đêm đang được TP Hồ Chí Minh gấp rút triển khai, bởi đây là một trong những giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch sau đại dịch. Qua đó có thể thấy chiến lược phát triển kinh tế đêm đóng vai trò xương sống trong thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển và hồi phục.

 

Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết: Quận 1 cũng xác định việc phát triển ngành kinh tế đêm cần được quy hoạch dài hạn, đầu tư bài bản và kết nối giao thông tiện lợi. Các sản phẩm của khu kinh tế ban đêm cần đa dạng và tiện ích cao. Để làm được điều có quận 1 nhận thấy: Phải có sự tham gia và đồng hành của các nhà quản lý chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân hoạt động kinh doanh các dịch vụ về đêm. Cần quy hoạch đầy đủ, đồng bộ trong phát triển kinh tế đêm.

 

Bên cạnh đó, cho phép sử dụng một phần vỉa hè (có thu phí) doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân kinh doanh, buôn bán; Phối hợp, liên kết với các quận liền kề để phát triển kinh tế đêm; Nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch có chiều sâu, có hàm lượng văn hóa vì đó là những giá trị của quận 1 nói riêng và của thành phố nói chung…

Ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty Du lịch Sài Gong (SAIGONTOURIST GROUP) cho rằng, để xây dựng “thành phố không ngủ” thì TP Hồ Chí Minh cần có những sản phẩm, dịch vụ thực sự hấp dẫn, để “khi khách đến thành phố không ngủ thì khách sẽ không ngủ”.

Ông Hùng kiến nghị, TP sớm triển khai thực hiện các sự kiện vui chơi, giải trí cộng đồng, định kỳ về đêm; tổ chức định kỳ các lễ hội biểu diễn đường phố; tổ chức các tuyến phố đi bộ mang tính chuyên nghiệp tại trung tâm thành phố, kết hợp với dịch vụ giải trí và mua sắm…

“Một thực tế là thị trường khách đang có xu hướng thay đổi, khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh để giải trí và mua sắm nhiều hơn, nên cần xây dựng các gói dịch vụ giữa đơn vị dịch vụ lưu trí với các trung tâm thương mại lớn để có chính sách, chi phí ưu đãi là cần thiết”. Ông Hùng đề xuất.  

Bà Huỳnh Thị Đoan Thùy, đại diện Trung tâm Tổ chức biểu diễn Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những giá trị cốt lõi của TP Hồ Chí Minh đó là văn hóa và giải trí. Trung tâm mong muốn tạo ra “Con đường nghệ thuật" với nhiều loại hình văn hóa và có cải tiến để tiếp cận với giới trẻ và du khách quốc tế. Thực tế Trung tâm đã thử nghiệm một số chương trình và nhận được sự hưởng ứng lớn của du khách trong và ngoài nước.

 

Bà Thùy cho rằng, để giữ chân du khách thì việc phát triển các loại hình kinh tế đêm rất quan trọng, nhưng đòi hỏi sự quy hoạch bài bản như phố ẩm thực, phục vụ nhu cầu ăn, chơi của du khách và của người dân; việc đầu tư tôn tạo các điểm du lịch lâu đời đã xuống cấp cũng cần phải được thực hiện.

Là một trong những đơn vị thực hiện nhiều sản phẩm chợ đêm tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước ông Trần Quốc Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn chia sẻ: “Chúng ta đang quan tâm là khách du lịch khi đến TP Hồ Chí Minh sau khi tham quan các điểm đến ban ngày thì ban đêm họ sẽ đi đâu và rõ ràng ở Trung tâm TP Hồ Chí Minh ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ hay phố Bùi Viện thì các loại hình hoạt động về đêm còn hạn chế và chưa thực sự phát triển như mong muốn”. 

Câu chuyện đặt ra trong thời gian tới, với sự hợp lực của các ngành chức năng, của chính quyền, doanh nghiệp tạo ra một không gian đi bộ lớn, được quy hoạch bài bản, đồng bộ, với nhiều ngành nghề, gom tụ được các thương hiệu lớn về du lịch, khách sạn, lữ hành… để giới thiệu, quảng bá thương hiệu và các sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời tại đó cũng sẽ có khu vực riêng được quy hoạch bài bản, quảng bá văn hóa ẩm thực đường phố về đêm, tránh tình trạng bán hàng rong tạo những hình ảnh không đẹp trong mắt du khách.

Dẫn chứng về sự đa dạng trong văn hóa nghệ thuật của các địa phương trong việc thực hiện các show biểu diễn phục vụ du khách, điển hình như Hội An có “Ký ức Hội An”, ở Phú Quốc (Kiên Giang) có “Sắc màu Venice Phú Quốc”… Theo ông Bình, ngay tại trung tâm quận 1 TP Hồ Chí Minh có Nhà hát thành phố với nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế đêm. Câu hỏi đặt ra là làm sao để kích hoạt, tạo được không gian lễ hội, toát lên những nét văn hóa nổi bật của thành phố…

Thực hiện: Hoàng Mẫn - Phú Đức - Lan Hương và Nhóm PV.

Du lịch TP Hồ Chí Minh nhìn lại một năm phục hồi: Nỗ lực bứt phá

Bài 3- Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhìn lại một năm phục hồi: Tăng tốc, tạo bước chuyển mạnh mẽ

26/04/2023 19:13
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN