(ĐCSVN) – Chia sẻ với chúng tôi về công việc đang làm, những giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Việt cho biết, họ cảm thấy rất tự hào vì có thể góp sức mình trong việc tôn vinh và lan tỏa tình yêu tiếng Việt, làm cho các thế hệ con em người Việt và ngày càng có nhiều người nước ngoài biết đến và sử dụng thông thạo tiếng Việt.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu về việc dạy và học tiếng Việt, Tiến sĩ (TS) Đỗ Phương Thảo - Giảng viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ và một ngôn ngữ cội nguồn.
Theo TS. Đỗ Phương Thảo, Đảng và Nhà nước ta đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ và thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt, đặc biệt là việc duy trì và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua số lượng văn bản được ban hành và qua các hoạt động cụ thể như: Cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”; phát triển các tài nguyên trực tuyến cho việc dạy và học tiếng Việt; đào tạo, tập huấn giáo viên; vận động đưa tiếng Việt vào chương trình học chính thức của các nước sở tại; Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam,…
TS. Đỗ Phương Thảo - Giảng viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội . (Ảnh: Kiều Giang) |
Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có nêu rõ một nhiệm vụ như sau: “Đa dạng hoá các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hoá của người Việt tại các địa bàn này. Nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt”. Tất cả những nỗ lực đó của Đảng và Nhà nước đã cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ và một ngôn ngữ cội nguồn.
“Từ kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân tôi qua 15 năm giảng dạy và nghiên cứu việc dạy và học tiếng Việt, tôi nhận thấy việc lan tỏa tình yêu tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam là rất quan trọng. Khi tham gia với tư cách là giáo viên trực tiếp dạy tiếng Việt, tôi tự hào với sứ mệnh là sứ giả truyền bá và tôn vinh ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ ra thế giới, làm cho nhiều người nước ngoài và các thế hệ con em người Việt biết đến và sử dụng được tiếng Việt. Giờ đây, không chỉ dạy tiếng Việt, tôi còn tham gia vào các khóa tập huấn về phương pháp dạy học tiếng Việt cho các giáo viên (chương trình do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức). Tôi cảm thấy nhiệm vụ này là rất thiêng liêng, đặc biệt có ý nghĩa trong việc lan tỏa tình yêu tiếng Việt đến với cộng đồng”, cô Thảo chia sẻ.
Trong nhiều năm tham gia tập huấn cho các giáo viên dạy tiếng Việt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, TS Đỗ Phương Thảo nhận thấy, việc dạy và học tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang có cả thuận lợi và khó khăn. Những thuận lợi đó là: phần lớn đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài học tiếng Việt là trẻ em, khả năng học ngôn ngữ thường nhanh hơn các độ tuổi khác; nhu cầu sử dụng tiếng Việt không chỉ là sử dụng một ngôn ngữ mà còn là nhu cầu gắn kết với cội nguồn, với quê hương nên người học cũng có thêm động lực học tập. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các cộng đồng người Việt tại nước ngoài, chính quyền các nước sở tại… cũng đang từng bước mở ra những cánh cửa khác nhau cho việc duy trì tiếng Việt cho các thế hệ thứ 2, thứ 3.
Một tiết dạy học của TS.Đỗ Phương Thảo tại Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù những nỗ lực đó đã mang lại thành công ở một phạm vi nhất định nhưng một thực tế hiện nay là kiều bào Việt Nam nói chung và con em kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong độ tuổi tiểu học nói riêng vẫn còn thiếu về nguồn tư liệu học tập tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài phần lớn chưa có nhiều kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vì đa số họ là các tình nguyện viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, phần lớn là giáo viên không chuyên. Trình độ về tiếng Việt và phương pháp dạy học tiếng Việt, về công nghệ thông tin và năng lực số của họ thường không đồng đều nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia dạy học, nhất là dạy học trực tuyến. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi người học, mỗi gia đình, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc duy trì tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài.
Các cô giáo dạy tiếng Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) tham gia một khoá tập huấn tại Trường Tiểu học Tân Thị, thành phố Đài Nam. (Ảnh: NVCC) |
Trong khi đó, với công việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cô Thảo cho rằng, bên cạnh việc mỗi giáo viên cần thường xuyên phải trau dồi về kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, thì một trong những điều khó nhất đó là duy trì và lan tỏa được tình yêu tiếng Việt của người nước ngoài. Việc tạo ra “hấp lực” thu hút người nước ngoài đến với Việt Nam, học tiếng Việt đã khó, nhưng việc khiến họ yêu thích tiếng Việt, nói tiếng Việt hằng ngày để trở thành một người coi Việt Nam như “quê hương thứ hai” thực sự đòi hỏi rất nhiều tâm sức của các thầy cô. “Và chúng ta chỉ có thể làm được điều đó bằng tình yêu thực sự của mình. Chỉ có tình yêu thì mới làm lan tỏa và nhân rộng được tình yêu, đặc biệt là tình yêu với một thứ ngôn ngữ hay một nền văn hóa xa lạ”, cô Thảo nói.
Sang Nhật từ năm 2011 và bắt đầu dạy tiếng Việt từ năm 2016, cô Phạm Phi Hải Yến ban đầu chỉ dạy cho người Nhật (chủ yếu là những người đi làm). Đây cũng là khoảng thời gian cô nhận thấy có khó khăn trong vấn đề giao tiếp giữa cô và con gái (4 tuổi). “Khi mà tôi nói tiếng Việt thì con tôi trả lời bằng tiếng Nhật. Đôi bên cũng hiểu nhau dù sử dụng khác thứ tiếng, nhưng tôi vẫn cảm thấy điều đó là không ổn. Vì vậy tôi bắt đầu có quyết tâm muốn giữ tiếng Việt cho con. Tôi cùng với 1 người bạn khác, cùng nhau dạy tiếng Việt cho con tại nhà. Sau đó, tôi đi học sau đại học tại Đại học Osaka để tìm hiểu thêm về vấn đề duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em ở nước ngoài. Tôi bắt đầu mở lớp học tiếng Việt online cho những trẻ em gốc Việt từ năm 2021. Lớp học của tôi có tên là “Líu Lo tiếng Việt”, cô Hải Yến chia sẻ.
Cô Hải Yến mở lớp học " Líu Lo tiếng Việt" cho những trẻ em gốc Việt từ năm 2021. (Ảnh: NVCC) |
Hiện nay, cô Yến đang dạy tiếng Việt ở một số nơi, trong đó có trường Đại học Aino, thành phố Ibaraki, phủ Osaka (đào tạo điều dưỡng, y tá); trường Cao đẳng tổng hợp về trẻ em (đào tạo giáo viên mẫu giáo), thành phố Kobe, tỉnh Hyogo; Trung tâm giao lưu văn hóa thành phố Suita, phủ Osaka. Những người học tiếng Việt ở ba nơi này đều là người Nhật. Còn với trẻ em gốc Việt thì cô hiện dạy ở lớp học online “Líu Lo tiếng Việt” và dạy tiếng Việt với tên gọi môn học là “Tiếng mẹ đẻ” ở trường THPT Fukui, thành phố Ibaraki, phủ Osaka.
Đến với công việc dạy tiếng Việt xuất phát từ mong muốn giữ gìn sợi dây kết nối gia đình, trước tiên là giữa cha mẹ và con cái, sau đó là giữa con cháu và ông bà ở Việt Nam, cô Yến cho rằng đây là điều rất cần thiết. Việc các con sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nếu như các con không được bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về nguồn cội thì các con rất dễ bị lạc lõng ở nước sở tại. Theo cô Yến, tham gia giảng dạy tiếng Việt cũng tạo cơ hội cho bản thân cô tìm hiểu nhiều hơn và thêm yêu quê hương, đất nước, thấy trân quý, tự hào về hai tiếng “Việt Nam”.
Một bài chép chính tả của em học sinh lớp "Líu Lo tiếng Việt". (Ảnh: NVCC) |
Trong quá trình dạy tiếng Việt, cô Yến cho biết, có một khó khăn là thời gian để các bạn nhỏ duy trì việc học tiếng Việt rất ít. Vì càng lớn, các con càng bận rộn hơn với việc học ở trường, thời gian dành cho việc học tiếng Việt bị hạn chế. Tuy nhiên, có một điều rất đáng mừng là thái độ đối với việc học tiếng Việt của các con có sự thay đổi. Nếu như trước đây, nhiều học sinh của lớp “Líu Lo tiếng Việt” đi học với tâm thế “mẹ bảo con đi học tiếng Việt”, thì nay các con đã chuyển sang tâm thế hào hứng “con học tiếng Việt để nói chuyện với ông bà ở Việt Nam, để về Việt Nam chơi”. Điều này đã trở thành động lực cho cả cô và trò cùng nỗ lực và hăng hái học tiếng Việt hơn.
Nhằm hỗ trợ các giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, từ năm 2013 đến nay, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Trung bình, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia được tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng NVNONN tại các nước sở tại. Năm 2020 và 2021, do đại dịch COVID-19 bùng phát, khóa tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400 giáo viên kiều bào. Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp.
Lớp học tiếng Việt dành cho các em nhỏ tại Malaysia. (Ảnh: NVCC) |
Năm 2023, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình kéo dài trong 16 ngày (từ 16-31/8/2023) với 20 buổi học chuyên môn. Nội dung bài giảng tập trung chủ yếu vào phương pháp sư phạm, kiến thức văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam thông qua ngôn ngữ. Giảng viên giảng dạy là các giảng viên, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp tài liệu học tập và tập huấn cho việc dạy, học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; biên soạn và phát hành các bộ sách, chương trình, giáo trình, tài liệu nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập tiếng Việt của kiều bào ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài. Trong đó, năm 2016 và năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Hiện nay, 2 bộ sách đã được số hóa, đưa lên mạng để khai thác sử dụng miễn phí.
Các chương trình, tài liệu và sách để hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh minh hoạ: GDTĐ) |
Theo bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức bồi dưỡng giáo viên tình nguyện; cử giảng viên, chuyên gia dạy tiếng Việt trong nước sang giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên ở nước sở tại; phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình tăng cường các khóa học tiếng Việt, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, trực tuyến. Cùng với đó, xây dựng và triển khai Cổng thông tin điện tử dạy học tiếng Việt trực tuyến; thiết kế tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và phụ huynh nhằm hỗ trợ khả năng dẫn dắt người dạy…./.
Bài 1: Sợi dây kết nối kiều bào với nguồn cội