Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều năm nay chúng ta không còn lạ lẫm với hàng loạt di tích ở Hà Nội cũng như trên địa bàn các tỉnh, thành kêu cứu vì đang bị xâm phạm hoặc xuống cấp trầm trọng nhưng không được trùng tu, tôn tạo, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí. Bên cạnh đó hàng loạt cổ vật cũng bị đánh cắp, rao bán công khai trên mạng… vẫn là những vấn đề nhức nhối được đặt ra trong việc bảo vệ và giữ gìn DSVH hiện nay. Ngay cả một số bảo vật quốc gia với giá trị đặc biệt quý hiếm, thế nhưng việc bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật cũng đang đặt ra những vấn đề bất cập. Hiện tại không ít bảo vật đang tồn tại trong tình trạng khắc khoải, bị bào mòn, im lìm trong những kho chứa không chế độ bảo quản và ngày ngày đối diện với nguy cơ xuống cấp, hỏng hóc, thất truyền… Vấn đề này cũng đang “nóng” trên bàn nghị sự của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra từ tháng 5-6/2024. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng ngày 5-6/6/2024, rất nhiều đại biểu quốc hội trăn trở về vấn đề bảo tồn, phát huy DSVH hiện nay. Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như: Sự mai một của các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống bởi sự phát triển, hội nhập của các loại hình biểu diễn nghệ thuật đương đại; hiện tượng thương mại hóa, biến tướng của một số lễ hội; việc trùng tu, tôn tạo một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hiện nay có hiện tượng lai căng, sao chép những danh thắng và đặc trưng văn hóa của nước ngoài, của vùng miền làm mất dần đi bản sắc văn hóa của dân tộc; nhiều di sản hiện nay đang bị lạm dụng, khai thác tối đa giá trị kinh tế khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm đã làm mất đi tính  linh thiêng của lễ hội… Đây không phải là những vấn đề mới trong việc bảo tồn phát triển DSVH mà là những điều đã diễn ra từ lâu nhưng chưa thật sự giải quyết được hết tận gốc “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

 

 

 Trước trăn trở của rất nhiều đại biểu quốc hội, với tư cách là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã cho biết: Xung quanh vấn đề di sản và việc khai thác sử dụng di sản thế nào để đảm bảo đúng yếu tố văn hóa và khắc phục được những bất cập là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay.

Di sản là báu vật của thiên nhiên ban tặng, là ngàn đời cha ông ta vun đắp, xây dựng, kiến tạo mà thành, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đó. Để các DSVH không bị mai một, thất truyền trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng chúng ta cần tập trung để khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở. Điều này rất quan trọng, vì nếu không tập trung để nhận diện, phát hiện, bảo tồn và công nhận thì chúng ta sẽ không biết và không có cơ sở để bảo tồn, lâu dần các di sản sẽ bị mai một, bị lãng quên... Tiếp đến là chúng ta cần tổ chức định kỳ Ngày Văn hóa dân tộc Việt Nam để tôn vinh các giá trị văn hóa. Tổ chức Liên hoan văn hóa đồng bào dân tộc, đây là nơi để giao lưu, gặp gỡ, trao đổi văn hóa, đặc biệt là chú ý đến dân tộc dưới 100.000 người dân, để có sự giao lưu, kết hợp, trao đổi. Đi kèm với đó là phải hỗ trợ các thiết bị cho các nhà văn hóa, xây dựng các tủ sách, tập huấn về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ… Tóm lại, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, để bảo tồn, phát huy di sản hiệu quả có 3 việc phải làm, là phải nhận diện, kiểm đếm và đầu tư để bảo tồn, trong đó cố gắng chú ý phát hiện nét riêng, đặc sắc của các đồng bào, nếu không các di sản không chỉ có nguy cơ bị mai một còn có thể bị biến mất mãi mãi. Ví dụ như lên Tây Nguyên mà không còn nhà Rông thì không còn nét riêng đặc trưng của Tây Nguyên nữa. Hay nhắc tới người Thái ở Tây Bắc mà không nhắc tới múa xòe thì không còn gì là đặc sắc nữa....

Thực tế ba việc mà Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu trên nhiều năm nay chúng ta cũng đã thực hiện nhưng tại sao vẫn còn tình trạng nhiều di sản kêu cứu? Ngoài nguyên nhân do thiếu kinh phí phải chăng còn là do chúng ta chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt, chung tay phối hợp thực hiện bằng được sứ mệnh gìn giữ, phát huy những tài sản vô giá mà cha ông để lại? Chúng ta còn thờ ơ với lịch sử, chưa biết nâng niu, trân trọng, chưa biết “đánh thức” và làm “sống dậy” những tiềm năng to lớn của các DSVH mang lại…?

 

Trong kho tàng các DSVH thì các loại hình nghệ thuật truyền thống là “món ăn tinh thần” có vai trò, vị trí đặc biệt trong việc duy trì nhận thức về văn hóa và lịch sử dân tộc. Thế nhưng trong thời kỳ hội nhập, số phận của các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, ca trù… lại đang rất èo uột thậm chí nhiều loại hình đang đứng trước nguy cơ “chết yểu” vì thiếu học viên và bị khán giả thờ ơ. Thời gian qua, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các địa phương xây dựng và trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp như: Hát Ca Trù (2009), Hát Xoan Phú Thọ (2011), Mo Mường....Các di sản này cũng đều được xây dựng đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nhưng việc bảo vệ các di sản trước nguy cơ mai một, thất truyền vẫn rất khó khăn.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra từ tháng 5-6/2024 rất nhiều vấn đề về bảo tồn phát huy DSVH đã được đưa ra thảo luận, chất vấn.

Để giải cứu cho các loại hình nghệ thuật truyền thống đã kêu cứu nhiều năm nay, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải tập trung nghiên cứu và phát triển các loại hình này, nhất là đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, có cách tiếp cận mới để bảo vệ nó. Đặc biệt là chính sách cho nghệ nhân, vì chính nghệ nhân là người giữ hồn, giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống. “Chúng ta chưa có chính sách ở quốc gia, nhưng thực tế thì chính sách ở địa phương đã được ban hành, không nói đâu xa như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, các nghệ nhân đều có các chế độ, chính sách đãi ngộ tương đối tốt hoặc Nghệ An cũng có hỗ trợ cho các nghệ nhân, nhưng mới đang lẻ tẻ ở một số đơn vị vì những đơn vị đó họ cân đối được ngân sách và họ có tiền, còn lại ở những nơi khác như ở Tây Nguyên chẳng hạn, hầu hết nghệ sĩ, nghệ nhân trên đó vẫn còn khó khăn, chưa có điều kiện”. Cho nên, với tư cách là đơn vị quản lý, Bộ VHTTDL mong muốn trong chương trình mục tiêu quốc gia phải hoàn thiện về chính sách để động viên, phát huy đội ngũ văn nghệ sĩ và đội ngũ nghệ nhân này. Vừa qua chúng ta chỉ mới tôn vinh có tính chất tinh thần như tổ chức gặp mặt nhân Ngày Văn hóa dân tộc, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước động viên, khen thưởng, nhưng để có chính sách có tính chất hỗ trợ để các nghệ sĩ, nghệ nhân yên tâm sáng tác, yên tâm trao truyền, yên tâm giảng dạy… thì chúng ta phải có những động viên cụ thể về vật chất.

Trong thời gian qua, với sự phát triển, hội nhập các loại hình biểu diễn nghệ thuật đương đại, các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một. Hầu như các nghệ sĩ, nghệ nhân không thể sống được bằng nghề, không thể cạnh tranh được với những loại hình nghệ thuật đương đại phong phú và nở rộ hiện nay. Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách bảo tồn, tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật truyền thống này, nhằm duy trì và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc, tuy nhiên việc triển khai các hoạt động chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, về thu hút lực lượng trẻ tiếp bước hoạt động trên lĩnh vực này. Đây cũng là vấn đề Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, làm sao để loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc được lưu giữ, được truyền dạy cho con cháu mai sau để phát triển, để giữ cho được văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quả thực câu chuyện này không phải là đơn giản. Khi chúng ta đang tinh gọn lại bộ máy, các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương đang có nguy cơ khép lại vào một loại hình tổng hợp. Các loại hình đoàn nghệ thuật ở cấp trung ương để tiếp tục giữ và đào tạo, huấn luyện thì cũng rơi vào bối cảnh khó khăn khi chúng ta còn đang giao cho cơ chế tự chủ và tự chủ một phần để đảm bảo được các điều kiện hoạt động từ sáng tác đến nghệ thuật biểu diễn đến khâu đào tạo. Chính vì vậy, sức hút từ đào tạo các ngành nghề truyền thống cũng chưa phải là nhiều, điều kiện để cho các em diễn, cho các bạn diễn cũng như cho diễn viên sinh hoạt trong lĩnh vực này cũng đang gặp khó khăn, đặc biệt như bộ môn tuồng, bộ môn chèo, bộ môn cải lương đang  rất khó khăn trong công tác tuyển dụng.

Vì vậy, để phát triển lâu dài, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng phải tập trung để đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, dành nhiều thời gian tham mưu để ban hành chính sách, có chính sách riêng, trong đó không nên thực hiện việc tự chủ để loại hình này được phát triển. Ở cấp trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao, còn về phía địa phương theo khả năng, điều kiện của mình thì khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung có chính sách cho nghệ nhân, bởi vì nghệ nhân ở các địa bàn chính là những người giữ hồn, giữ lửa, như nghệ nhân hát bài chòi, nghệ nhân hát dân ca, nghệ dân hát quan họ… Các loại hình này khi được lan truyền, lan tỏa trong từng cộng đồng dân cư đó cũng là cách để chúng ta lưu giữ, lưu truyền truyền thống văn hóa dân tộc. Gắn với đó phải tập trung kết nối với du lịch, du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa để tập trung cho phát triển, liên kết như vậy để tạo ra một hiệu ứng lan tỏa và thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa để có điều kiện chăm sóc cho nghệ thuật truyền thống phát triển.

Các đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 5-6/6/2024.

Đánh thức tiềm năng các di sản, biến các DSVH thành tài sản quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản hiện nay, được thể hiện rất rõ thông qua các hoạt động kết nối du lịch. Sự độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những yếu tố then chốt để giữ chân du khách, thu hút du khách trở lại với du lịch. Tuy nhiên, hiện nay một số công trình du lịch, sản phẩm du lịch có hiện tượng lai căng, sao chép những danh thắng và đặc trưng văn hóa của nước ngoài, của vùng miền. Điều này mặc dù thu hút được một bộ phận du khách và sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, về lâu dài thì chúng ta chịu nhiều hệ lụy, đó là mất đi vẻ đẹp đặc trưng vùng, miền của đất nước Việt Nam và một điều quan trọng nữa, lâu dần sẽ mất dần đi bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.

 

Thực tế hiện nay, du lịch di sản đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở tất cả các tỉnh thành, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều di sản đã được khai thác tối đa giá trị kinh tế khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm đã làm mất đi tính thiêng của lễ hội, đồng thời khiến cho không ít di sản bị xuống cấp bị biến chuyển theo chiều hướng xấu. Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình hàng hóa hóa di sản và quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động của di sản mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích, di sản, coi di tích di sản là báu vật của thiên nhiên ban tặng. Những di sản đã trải qua ngàn đời, được cha ông ta vun đắp, kiến tạo và xây dựng, do đó trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn và phát huy di sản đó, cũng như đề cao trách nhiệm bảo vệ.

Chính vì thế, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang tiếp tục được hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 7 khóa XV. “Quan điểm chung là bảo tồn phát huy các giá trị di sản này, biến các giá trị di sản thành tài sản. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bằng mọi giá đánh đổi vì mục tiêu kinh tế”.

Các di sản được công nhận, tôn vinh, điều quan trọng là cần biết khai thác một cách hợp lý, đặc biệt là xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa, trên cơ sở đó để phục vụ cho phát triển du lịch.

Đối với các di tích, di sản đã được công nhận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết chính quyền địa phương - nơi được giao trách nhiệm quản lý đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ phát huy giá trị các di tích, di sản.

Về giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Cần tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm vấn đề bảo vệ di sản đi vào trong tiềm thức, không lợi dụng các di tích, di sản, hoặc làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản...

Bên cạnh đó, khi các di sản được công nhận, tôn vinh, điều quan trọng là cần biết khai thác một cách hợp lý, đặc biệt là xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa, trên cơ sở đó để phục vụ cho phát triển du lịch.

Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đắp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” năm 2014 cũng đã khẳng định vai trò của di sản văn hóa và công tác bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt đối với việc phát triển du lịch. Trong đó, Đảng đã yêu cầu cần phải “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là điều kiện quan trọng để du lịch phát triển bền vững”. Đã tròn 10 năm nhưng có lẽ Nghị quyết số 33 này vẫn là kim chỉ nam giúp giải quyết căn bản bài toán về bảo tồn phát huy DSVH và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội trong đó du lịch là vấn đề trọng tâm.

Bài 1: Tài sản quý giá của dân tộc

Bài 3: Biến di sản thành tài sản

Bài 4: Hoàn thiện khung pháp lý, tạo "hành lang thông thoáng" bảo tồn phát huy di sản văn hóa

Bài 5: Sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

  
Nhóm PV
06/06/2024 21:46
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN