Bài 2: Cần tỉnh táo trước các chiêu trò của thế lực thù địch
(ĐCSVN) – Giữ vững niềm tin với Đảng, sáng suốt và tỉnh táo để nhận diện, đấu tranh với những thông tin, luận điệu sai trái chính là chìa khóa để đập tan những âm mưu làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc trước thềm Đại hội XIII
Càng gần đến ngày diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực, đối tượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn trong Đảng lại ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá, trong đó tập trung công kích, tuyên truyền phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc, chống phá dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội,…
Tuy nhiên, theo Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), so với thời điểm cùng kỳ của Đại hội XII thì các hoạt động tuyên truyền chống phá, nhất là trên không gian mạng giảm về số lượng các trang mạng có bài chống phá được dư luận quan tâm. Có được điều này là do sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là phòng chống tham nhũng, dịch bệnh COVID-19...; công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả của cơ quan Công an và các lực lượng, cơ quan chức năng.
Trước thềm Đại hội XIII, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu vẫn triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị, hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, các vụ việc nhạy cảm để tăng cường tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá Đảng và Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin. Chúng triệt để sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông, nhất là truyền thông mạng, liên tục triển khai các “chiến dịch truyền thông", chiếm giữ “trận địa" truyền thông trên mạng, “truyền thông lề trái" với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tấn công trực tiếp vào nền tảng tư tưởng, chủ trương, chính sách, tuyên truyền đa nguyên, đa đảng. Hướng tấn công chống phá thời gian gần đây nhằm vào công tác nhân sự, xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng XIII, chia rẽ nội bộ, chĩa mũi nhọn bôi nhọ cá nhân các đồng chí lãnh đạo, trọng tâm là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các bộ, ban, ngành. Các hoạt động tuyên truyền, kích động chống phá diễn ra chủ yếu trên không gian mạng. Về nhân sự, chúng tung tin bội nhọ cá nhân và gia đình các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu bộ, ban, ngành, địa phương, triệt để tuyên truyền, xuyên tạc về công tác nhân sự, tự “sắp xếp” danh sách lãnh đạo cấp cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng... sau đó xuyên tạc “Đại hội đảng là hình thức", "là dịp "tái cơ cấu cán bộ" theo lối phe cánh lợi ích nhóm!, hòng tạo hoài nghi trong nhân dân và khoét sâu mâu thuẫn nội bộ. Cách chọn cán bộ của cộng sản là thế hệ trước lựa chọn thế hệ sau, kế cận, nối tiếp; kiểu “cận huyết thống trong chính trị".
Các tổ chức phản động lưu vong bên ngoài tăng cường hoạt động tuyên truyền chống phá: Đẩy mạnh tuyên truyền, tán phát các ấn phẩm chống phá Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng XIII; Việt Tân thành lập kênh Youtube "VT Toronto" tán phát thông tin xuyên tạc tình hình trong nước, hạ uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng; tìm cách kiểm soát, định hướng đối với một số cơ sở truyền thông tiếng Việt có lượng độc giả lớn; yêu cầu các cơ sở truyền thông của Việt Tân (Viettan.org, Chantroimoi, Fanpage Viettan...) tăng cường tán phát tin, bài xuyên tạc vấn đề nhân sự cấp cao.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước. |
Theo nhận định của Cục Tuyên huấn – Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch xuyên tạc Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII với luận điệu không có gì mới, lặp lại các vấn đề như đối với những đại hội trước. Lợi dụng việc công bố lấy ý kiến rộng rãi toàn dân đối với dự thảo các văn kiện Đại hội XIII, các đối tượng tán phát nhiều tài liệu dưới dạng thư ngỏ”, kiến nghị”, có nội dung xuyên tạc chống phá, hạ bệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta chỉ “tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng, xây dựng các công trình kỷ niệm gây tốn kém ngân sách Nhà nước”, “vô trách nhiệm, vô lương tâm” trước tình hình đất nước, nhất là vấn đề chủ quyền và nỗi khổ của người dân bị ảnh hưởng bởi hậu quả thiên tai.
Chúng xuyên tạc công tác bầu cử đại hội Đảng các cấp đều vi phạm nguyên tắc, quy chế bầu cử, vi phạm Điều lệ Đảng, không công khai, minh bạch, Đảng sắp đặt nhân sự từ Trung ương đến địa phương và giám sát các bước từ bỏ phiếu, kiểm phiếu đến công bố kết quả bầu cử. Xuyên tạc Chỉ thị 45-CT/Tw, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vẫn tiếp tục sử dụng các tiêu chuẩn cũ, mang tính chung chung, định tính, không thể chọn ra được cán bộ có phẩm chất đạo đức và năng lực thực sự. Việt Nam không có tự do, dân chủ, người dân không thể tự ứng cử, tự bầu cử những người mình muốn, chỉ được bầu những người trong khuôn khổ “Đảng cử dân bầu” và không được tự thành lập các đảng đối lập; quyền lực chỉ tập trung vào cán bộ, đảng viên, người dân không có quyền lên tiếng, phê phán chế độ và không được góp ý vào các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Chúng còn lợi dụng tình hình mưa lũ xảy ra tại miền Trung, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước “chỉ lo tranh ghế” trước Đại hội XIII, thờ ơ, không quan tâm và thiếu trách nhiệm đối với những người dân đang chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra.
Mỗi đảng viên cần có “bộ lọc tốt” trước những luồng thông tin xấu độc
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân nhìn nhận, mỗi khi đất nước có sự kiện lớn, đặc biệt những khi chuẩn bị Đại hội Đảng thì các thế lực thù địch, phản động hay dàn dựng “tin này, tin khác”. Lần này, những thủ đoạn, kiểu dàn dựng cũng không mới, vẫn quanh quẩn đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về công tác nhân sự, dự thảo văn kiện Đại hội…
Nhà báo Hà Đăng nói về những việc cần làm để củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng |
Theo Nhà báo Hà Đăng, cần quyết liệt phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, thù địch. Bởi lẽ những thông tin xấu độc lặp đi lặp lại nhiều lần, hàng ngày, hàng giờ len lỏi trong đời sống có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến tâm tư, niềm tin của người dân, khiến một bộ phận người dân bị lung lay và tin theo. Đây chính là mục tiêu mà những kẻ xuyên tạc, tung tin hướng tới.
Nhấn mạnh không thể chủ quan trong cuộc đấu tranh này, nhà báo Hà Đăng cho rằng việc củng cố niềm tin của người dân là rất quan trọng, để nâng cao sức tự đề kháng của người dân trước những thông tin xấu, độc. Muốn củng cố niềm tin của người dân, chúng ta cần nói rõ đường lối chủ trương chính sách của mình là đúng; khẳng định những việc mình đã làm được để người dân thấy rõ. Đồng thời cũng phải thừa nhận những yếu kém, khuyết điểm của mình như thế nào, và dứt khoát phải sửa chữa.
“Một thành tựu mà ai cũng thấy là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đưa lại những kết quả rất lớn nhưng điều đó không có nghĩa là trăm sự đều tốt đẹp cả. Bên cạnh đó, còn có những mặt nhược điểm này khác… Khẳng định thành tựu nhưng đồng thời phải thấy rõ thiếu sót, tồn tại của mình và cái đó cũng là nói công khai cho dân biết, để dân tin” – Nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh.
ThS Vũ Quỳnh Phương |
Theo ThS Vũ Quỳnh Phương (Giảng viên Viện Chính trị học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ở Việt Nam, Đại hội Đảng luôn được coi là sự kiện trọng đại và việc Đại hội thu hút sự quan tâm của dư luận cũng là dễ hiểu. Nền kinh tế thị trường ngày một phát triển sâu rộng khiến xã hội có những biến đổi sâu sắc, người dân được tiếp nhận nhiều luồng văn hóa, nhiều luồng tư tưởng khác nhau, độ mở trong tư duy, nhận thức là rất lớn. Đây một mặt có thể hiểu là sự tiến bộ của xã hội, chứa đựng những cơ hội mới, nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn những thách thức. Trong bối cảnh Đại hội Đảng sắp khai mạc, những tiếng nói trái chiều, thậm chí chống phá, xuyên tạc chính là những thách thức mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải đối mặt, ở mức độ nhất định đã ảnh hưởng tới niềm tin của người dân với Đảng. Thực tế này đòi hỏi Đảng cần có những ứng phó nhanh nhạy, nhằm khẳng định vai trò quan trọng của Đảng trong quá trình phát triển đất nước, để giữ vững lòng tin của người dân vào Đảng và đảm bảo được vị trí lãnh đạo của Đảng.
ThS Vũ Quỳnh Phương cũng cho rằng, muốn giữ vững lập trường của đảng viên, quần chúng thì cần phải có động thái từ hai phía. Một mặt, bản thân đảng viên phải chủ động tìm hiểu về bản chất, mục tiêu, cách thức hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ động nâng cao nhận thức về những biến đổi của xã hội, kể cả về những ý kiến trái chiều. Chỉ khi hiểu được bản chất câu chuyện thì mới giữ vững được quan điểm, lập trường của cá nhân. Mặt khác, cũng không kém phần quan trọng là Đảng cần chủ động nâng cao năng lực lãnh đạo, nói đi đôi với làm, nói được thì phải làm được và quan tâm đến lợi ích thực sự của người dân để người dân tin tưởng và đi theo.
Thiếu tá, ThS Bùi Thị Liên |
Cùng chung quan điểm trên, Thiếu tá, ThS Bùi thị Liên (Giảng viên Khoa Tâm lý, Học viện An ninh Nhân dân) cho biết: “Hiện nay, những thông tin xấu độc trên mạng xã hội tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Đôi khi chỉ cần lướt qua bảng tin của Facebook, Instagram hoặc trên các nền tảng giải trí như Youtube, Tiktok là chúng ta có thể thấy rất nhiều thông tin khác nhau, trong đó có cả những thông tin có nội dung sai trái, bịa đặt, cố tình làm sai lệch sự thật. Do đó, người Đảng viên trước tiên cần phải có bộ lọc tốt, xác định rõ nguồn gốc, tính xác thực của thông tin để tiếp nhận có chọn lọc. Việc đơn giản nhất có thể làm là ngừng theo dõi để không bị làm phiền bởi những thông tin đó, không chia sẻ, hưởng ứng khi không chắc chắn về những thông tin được đăng tải. Không chỉ dừng lại ở đó, nếu phát hiện những thông tin có nội dung xấu độc, cần có sự tỉnh táo và bày tỏ rõ quan điểm, có thể phản bác thông qua các hình thức tương tác trên mạng xã hội. Trường hợp các cá nhân, tổ chức cố tình phát tán thông tin một cách có tổ chức, có hệ thống, cần kịp thời phản ánh tới các cơ quan chức năng. Là một đảng viên, tôi cũng thấy mình cần tuyên truyền và cảnh báo tới những người xung quanh về những kênh, trang thường xuyên đăng tải những thông tin xấu độc để mọi người cùng cảnh giác, loại bỏ”.
Thường xuyên lướt Facebook, xem Youtube khi có thời gian rảnh, anh Hoàng Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, trên các trang mạng xã hội luôn xuất hiện các tin giật gân, "câu like". Nhiều khi họ chỉ cần thả một câu vu vơ, hay một cái ảnh là dân mạng không cần kiểm chứng đã "đua nhau thích, chia sẻ ầm ầm".
“Thỉnh thoảng tôi lại thấy bài viết có nội dung đả kích, nói xấu cán bộ, miệt thị đất nước, xuyên tạc lịch sử... Ðối với cá nhân tôi, gặp những những dạng thông tin như thế này, đôi khi tôi cũng bình luận thể hiện quan điểm, chính kiến của mình” – anh Hoàng Sơn nói.
Theo anh Hoàng Sơn, mỗi người cần tỉnh táo, hãy tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại, không để mình bị kẻ xấu lôi kéo, dẫn dắt, trở thành con rối của họ.
Càng gần đến thời điểm diễn ra Đại hội XIII, việc tuyên truyền, phát tán những thông tin xấu độc về Đại hội càng diễn ra tinh vi hơn. Những thông tin nhiễu loạn, độc hại này cần được nhận diện đúng và kịp thời phản bác. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao cảnh giác, tăng cường “sức đề kháng”, có bản lĩnh vững vàng để phản bác thông tin xấu độc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và uy tín của Đảng.
(còn nữa)
Bài 1: Nhận diện những thủ đoạn chống phá trước thềm Đại hội