(ĐCSVN) – Trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mỗi địa phương lại có những giải pháp, kinh nghiệm khác nhau. Dù vậy, nhìn từ những địa phương điển hình, là điểm sáng trong công tác này thấy rằng họ đều có điểm chung là sự chủ động tìm tòi, sáng tạo những cách làm mới.
ĐƯA CẤP ỦY, CHÍNH QUYỀN CÙNG VÀO CUỘC
Sơn La là một trong những địa phương đứng trong top 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Nếu như năm 2018, toàn tỉnh mới có 4.495 người tham gia BHXH tự nguyện, thì đến 31/12/2020 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 25.226 người, tăng 20.731 người so với năm 2018. Đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh 30.334 người tham gia BHXH tự nguyện, gần "cán đích" chỉ tiêu được giao (hơn 92,4%). Trong khi đó Sơn La là tỉnh miền núi, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, phần lớn dân số là đồng bào dân tộc ít người, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Để đạt được kết quả nổi bật đó, Sơn La có những cách làm sáng tạo và nhiều kinh nghiệm hay.
Ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La chia sẻ, thực tiễn cuộc sống cho thấy, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La rất tin tưởng và nêu cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên khi tuyên truyền, vận động chính sách BHXH tự nguyện, bà con thường rủ nhau đi dự hội nghị đông đủ, đúng giờ. Từ trước tới nay, người dân vẫn mong mỏi “có lương hưu khi về già là niềm mơ ước” và vẫn nghĩ đó là do Đảng, Nhà nước “cho” cán bộ (người đi công tác), mà chưa hiểu rằng cán bộ cũng phải đóng góp tiền lương hàng tháng để tham gia BHXH. Nhận thức điều đó, có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa.
Mặt khác, kinh nghiệm thực tiễn rút ra đó là: Sự nhận thức trách nhiệm và sự vào cuộc cấp ủy, chính quyền nhất là hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn, tổ bản, tiểu khu…) trong tuyên truyền, vận động, có vai trò quyết định, đưa chính sách xã hội vào cuộc sống, đến với người dân. “Tiêu biểu là các xã Bon Phặng, Mường Khiêng, Co Tòng, Muổi Nọi (huyện Thuận Châu), xã Gia Phù (huyện Phù Yên), thị trấn Nông trường (huyện Mộc Châu), xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn)… Việc đưa cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc, phát huy vai trò các già làng, trưởng bản là yếu tố quyết định trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh” - ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hằng năm, BHXH tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố tổ chức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đến các tổ, bản, tiểu khu; mở hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHYT, đề xuất đưa vào tiêu chí thi đua và đánh giá xếp loại cuối năm; các xã, phường, tổ bản xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp, các hội nghị hầu hết đều có các đồng chí lãnh đạo các xã, tổ, bản tham dự và chỉ đạo, do đó người dân tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nên đã tích cực hưởng ứng, tham gia BHXH tự nguyện.
Thành công từ Sơn La cũng đến từ việc kịp thời khen thưởng, động viên, nhân rộng những điển hình tiên tiến, đề ra các giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu. Chỉ đạo BHXH các huyện ký kết Chương trình với các tổ chức Hội, đoàn thể, đề ra những giải pháp cụ thể: Hội Cựu chiến binh (vận động hội viên là đảng viên phải có trách nhiệm tham gia BHXH tự nguyện), các cấp Hội Phụ nữ (người giữ tay hòm, chìa khóa trong gia đình) vận động hội viên, thành viên trong gia đình tham gia; rà soát, đào tạo đại lý thu BHXH tự nguyện, phân tích nhóm đối tượng tiềm năng để vận động, tạo tiền đề tích cực như: vận động thân nhân của cán bộ xã (là những người trực tiếp gần dân); gia đình quân nhân (sỹ quan tham gia cho vợ, bố mẹ...). Biên soạn bộ tài liệu tuyên truyền riêng để triển khai tại các xã, tổ, bản, tiểu khu (ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, thời gian thuyết trình nhắn, tập trung vào giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT; tham gia được hưởng những quyền lợi gì; mức đóng bao nhiêu sẽ được hưởng là bao nhiêu...)…
Một trong những điển hình trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện là BHXH huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Chỉ tính riêng đợt ra quân từ 23/3 đến 16/4/2021, BHXH huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đã tạo thêm kỷ lục mới, khi thu hút thêm 718 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia trên địa bàn lên 3.495 người, vượt kế hoạch năm 2021.
Từ thực tế địa phương, ông Phan Văn Rí- Giám đốc BHXH huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cũng nhấn mạnh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện hiệu quả công tác này. Đây cũng là minh chứng rõ nét của việc đưa nhiệm vụ, giải pháp “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” theo tinh thần Nghị quyết số 28 đi vào cuộc sống; nhiệm vụ, giải pháp này là điều kiện tiên quyết trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tại các địa phương.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Rí cho biết, BHXH huyện phối hợp với UBND xã bố trí mời Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, Ban công tác Mặt trận các ấp, khóm; các tổ chức đoàn thể của xã triển khai kế hoạch phối hợp giữa UBND xã, BHXH huyện, Bưu điện huyện; lịch đối thoại, tư vấn từng ấp, khóm; triển khai, tư vấn về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện; ký kết giao ước thi đua theo chỉ tiêu dân số của từng ấp, khóm.
Sau đó, Chi bộ, Trưởng ấp, Ban công tác Mặt trận các ấp, khóm phân công đi trực tiếp nhà dân phát thư mời, phát loa tuyên truyền, chọn đối tượng, tư vấn cho Nhân dân hiểu về chế độ chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; thực hiện đi từng ấp, khóm theo lịch đối thoại đã ban hành, tư vấn trực tiếp với nhân dân tại ấp, khóm; hướng dẫn cho nhân dân đăng ký tham gia, thu tiền, phát sổ BHXH trực tiếp…
Theo ông Phan Văn Rí, bên cạnh việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện thì làm gì để quản lý tốt đảm bảo đối tượng tham gia tái tục cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, ông Rí cho rằng mỗi cán bộ BHXH phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, để Nhân dân thấy được chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước nên yên tâm, tin tưởng tham gia.
Cùng với đó, trong công tác, làm việc phải có kế hoạch cụ thể, nói đi đôi với làm, luôn tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người dân để người dân được hưởng quyền lợi BHXH, BHYT theo đúng quy định, như: Hướng dẫn, hỗ trợ người dân cấp đổi thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT theo quy định… “Đối với những trường hợp thay đổi phương thức đóng, mức đóng hoặc dừng đóng để bảo lưu...cơ quan BHXH phải phân công viên chức quản lý và đại lý liên hệ hỗ trợ ngay, cố gắng làm sao không để đối tượng dừng đóng hay lựa chọn nhận BHXH một lần để lo trước mắt mà mất đi quyền lợi lâu dài”- ông Phan Văn Rí bày tỏ.
Nhấn mạnh điều quan trọng là phải linh hoạt, đổi mới kỹ năng tuyên truyền phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng, ông nói: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng xác định rõ ràng mục tiêu của mình là phải giúp người dân hiểu rõ chính sách, hiểu rõ những lợi ích mà Đảng và Nhà nước mang lại cho cuộc sống của mình... ”. Ông Rí cũng ví von, mỗi cuộc tuyên truyền là một lần mời người dân vào “nhà” của mình, tâm thái của mỗi công chức viên chức BHXH trước hết phải biết chia sẻ, biết lắng nghe tâm tư của người dân, giúp họ không “bỏ lỡ” cơ hội tham gia BHXH, BHYT, bởi đó chính là lựa chọn tốt nhất cho cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như an sinh xã hội của đất nước.
TRUYỀN THÔNG NHÓM NHỎ, TẬP TRUNG VÀO NGƯỜI THAM GIA TIỀM NĂNG
Trong khi đó, với mô hình truyền thông trực tiếp theo nhóm nhỏ, đều đặn duy trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả đột phá trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.443.793 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có 18.679 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10.494 người so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này là nhờ có sự nỗ lực, chủ động của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH tỉnh và cũng là minh chứng cho hiệu quả của việc áp dụng mô hình “truyền thông nhóm nhỏ” tại Đồng Tháp trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn.
“Đây là nhóm vận động gồm 3 - 4 người, đều đặn duy trì vào Thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Từ sự kiên trì “mưa dầm thấm lâu, đi sâu, tư vấn sát” của những nhóm vận động này mà nhiều người dân đã hiểu và tự giác tham gia BHXH tự nguyện” – bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh chia sẻ.
Để mô hình này phát huy hiệu quả, theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp, trước hết phải có sự rà soát kỹ về người tham gia là những người có tiềm năng về kinh tế, từ đó đưa ra hình thức tư vấn phù hợp về phương thức và thời gian đóng BHXH tự nguyện cho người dân. “Nếu như ở các khu vực thành thị, bà con được tư vấn có thể tích cóp hằng ngày để tham gia theo tháng thì ở vùng nông thôn, bà con có thể tham gia theo hình thức mùa vụ, cứ xong vụ lúa thì đóng một lần”, Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ.
Nhóm vận động của BHXH thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, đều đặn duy trì vào Thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. |
Là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mô hình này, ông Tăng Phước Long - Giám đốc BHXH TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2020, sau nhiều lần trăn trở, bàn tính tìm mô hình tối ưu để tuyên truyền, vận động hiệu quả trong bối cảnh bị tác động của dịch COVID-19, BHXH TP đã mạnh dạn đề xuất thành lập mô hình “truyền thông nhóm nhỏ”, đồng thời đã chủ động phối hợp với Bưu điện TP tổ chức, thực hiện, giao nhân viên Bưu điện làm Trưởng nhóm trực tiếp đến từng nhà để tư vấn, vận động người dân. Năm 2021, mỗi nhóm được giao chỉ tiêu phát triển mỗi tháng ít nhất từ 10 người trở lên.
Để thực hiện hiệu quả công tác này, hằng tuần, Trưởng nhóm sẽ thông tin cho các thành viên ngày, giờ, địa điểm vận động. Nhân viên đại lý thu BHXH sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp và thông báo số người tham gia trong tuần cho nhóm. Bên cạnh đó, lãnh đạo BHXH và Bưu điện còn trực tiếp tham gia giám sát hoặc đi cùng nhóm để nắm tình hình, qua đó vừa rút kinh nghiệm, vừa động viên khen thưởng kịp thời những nhóm vận động được nhiều người tham gia. Kết quả, 5 tháng đầu năm 2021, toàn TP.Sa Đéc đã vận động được 280 tham gia BHXH tự nguyện (bình quân phát triển mới được 56 người/tháng). Trong đó, có những đợt cao điểm của tháng 5/2021, chỉ trong một ngày Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật các nhóm đã trực tiếp đi vận động được 41 người tham gia BHXH tự nguyện.
Một địa phương khác cũng gặt hái trái ngọt từ việc kết hợp song song với việc tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến, với truyền thông nhóm nhỏ là BHXH huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Bà Hoàng Thị Chín – Giám đốc BHXH huyện Yên Thành cho biết: “Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không thể tổ chức được hội nghị tuyên truyền quy mô lớn, đông người tham dự thì những hội nghị nhỏ, tập trung vào những nhóm người tiềm năng là một giải pháp hiệu quả mà BHXH huyện duy trì để tiếp cận người dân”.
Thực tế, từ năm 2017, hình ảnh “người của BHXH” huyện Yên Thành đã trở thành gương mặt quen thuộc tại rất nhiều thôn, xóm, xã ở xa trung tâm huyện – nơi người dân vẫn còn không ít khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn thông tin. Từ đó đến nay đã có hàng trăm cuộc tuyên truyền đối thoại với người dân được thực hiện tại cộng đồng dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn.
Những hội nghị này được tổ chức vào bất kỳ thời gian nào phù hợp nhất với nếp sinh hoạt của người dân từng địa bàn, kể cả ngày nghỉ, lúc đêm muộn, và được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn xóm, sinh hoạt chi hội, đoàn thể.... “Chỉ cần một người trong nhà hiểu, tham gia - nhất là người chủ gia đình, thì các thành viên còn lại cũng dễ dàng tham gia hơn”, chị Đinh Thị Châu - đại lý thu của UBND xã Tăng Thành, huyện Yên Thành chia sẻ.
Cán bộ BHXH huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho bà con trong buổi tối. |
PHÁT HUY ƯU THẾ CỦA TRUYỀN THÔNG TRỰC TUYẾN
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khiến cho công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, BHXH một số địa phương đã chủ động thay đổi phương pháp truyền thông phù hợp với tình hình thực tế để vừa đảm bảo mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, vừa tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Theo thống kê, đến nay, tổng số kênh truyền thông mạng xã hội Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube của BHXH các tỉnh, thành phố và của cá nhân trong toàn Ngành là 6.780 trang, thu hút trên 135 nghìn lượt chia sẻ, tiếp cận thông tin của người dân, người lao động về các chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Đặc biệt, BHXH các địa phương đã đôn đốc, chỉ đạo cán bộ BHXH, nhân viên đại lý thu tích cực tích cực áp dụng hình thức tư vấn, đối thoại qua mạng xã hội (Facebook, Zalo,…), điện thoại, gặp gỡ truyền thông, vận động đến từng người dân, người lao động có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện được kịp thời, thuận tiện.
Điển hình như Sơn La, hiện BHXH tỉnh đang phối hợp với Đài PT-TH tỉnh duy trì mỗi tháng thực hiện một buổi livestream tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Tính riêng ngày 10/12 vừa qua, BHXH tỉnh đã tổ chức buổi livestream với chủ đề “BHXH tự nguyện - của để dành của người lao động tự do” thu hút hơn 9 nghìn lượt chia sẻ, tham gia bình luận, đặt câu hỏi liên quan đến BHXH tự nguyện, qua đó giúp đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với đông đảo người dân hơn, đồng thời vẫn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Vy, tổ 2, phường Tô Hiệu (Thành phố) làm nghề buôn bán thực phẩm, thường xuyên vào mạng xã hội facebook, tình cờ biết được chương trình livestream của BHXH tỉnh, chị đã theo dõi và biết được tính ưu việt của BHXH tự nguyện. Sau khi đặt câu hỏi về đối tượng, các thủ tục và thời gian tham gia, được cán bộ BHXH tỉnh giải đáp nhanh chóng, dễ hiểu, chị Vy nói: Tôi thấy chương trình rất hữu ích, ngoài các hướng dẫn làm thủ tục tham gia, mức đóng, mức hưởng đều được trình chiếu dễ hiểu, tôi còn được hỏi trực tiếp nhân viên BHXH nên được giải đáp ngay. Việc tuyên truyền theo hình thức này rất phù hợp với xu thế hiện nay, khi đa số người dân đều thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Còn theo ông Đường Minh Tấn- Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai, những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, BHXH tỉnh đã chú trọng đổi mới tuyên truyền bằng hình thức livestream. “Đây là cách làm mới, tiết kiệm chi phí và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch”- ông Tấn nhấn mạnh.
Với lợi thế không gian mở trên mạng xã hội, hình thức livestream không hạn chế số người tham gia trong một lần tổ chức; việc tương tác trực tiếp giúp đại lý và khách hàng tiềm năng trao đổi được kỹ càng hơn về các nội dung của chính sách. Do đó, không chỉ có tác dụng với một vài khách hàng được tư vấn, mà tất cả người tham gia livestream đều dễ dàng cùng nắm bắt được những thông tin bổ ích...
Ông Trần Minh Quang- Giám đốc Bưu điện tỉnh Lào Cai cho rằng, việc livestream qua mạng xã hội về chính sách BHXH tự nguyện không thay thế được hoàn toàn các hình thức tuyên truyền truyền thống, nhưng cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. “Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều người làm việc online hoặc có thời gian rảnh rỗi tham gia mạng xã hội. Do đó, việc tổ chức các chương tuyên truyền trực tuyến về BHXH, BHYT sẽ thu hút được nhiều người xem. Với sự nhiệt tình của các cán bộ tuyên truyền, tính ưu việt của chính sách và giải pháp công nghệ số, công tác phát triển người tham gia của ngành BHXH Việt Nam chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao”- ông Quang nhận định.
Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng là trong những địa phương phát huy mạnh ưu thế của truyền thông trực tuyến. Là địa bàn nông nghiệp nhưng 39/39 xã, thị trấn ở huyện Yên Thành đều đã xây dựng được điểm cầu trực tuyến, đảm bảo về cơ sở vật chất, chất lượng đường truyền ổn định, phục vụ cho các cuộc hội nghị trực tuyến trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tận dụng lợi thế này, BHXH huyện đã chủ động báo cáo, đề xuất Huyện ủy, UBND huyện cho phép sử dụng hệ thống trực tuyến để triển khai chính sách BHXH, BHYT đến với người dân, nhằm kịp thời ứng phó, khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19 tác động tới công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Từ quý III/2020 đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường, BHXH huyện Yên Thành đã linh hoạt, áp dụng hiệu quả mô hình tổ chức hội nghị trực tuyến tới tất cả 39/39 điểm cầu là các xã, thị trấn trong toàn huyện với trung bình mỗi hội nghị thu hút trên 800 người tham gia. Hiệu quả của hình thức này được minh chứng rõ qua con số: Tháng 7/2020, lần đầu tiên BHXH huyện Yên Thành tham mưu UBND huyện chủ trì tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến đã thu hút được 932 người tham dự với kết quả ấn tượng và có 446 người tham gia BHXH tự nguyện sau hội nghị.
Trong tháng 7/2021, tại Hội nghị trực tuyến tuyên truyền đối thoại với người dân trong việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gắn với sơ kết công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm 2021, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của BHXH huyện, ngoài đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể liên quan còn có 732 người dân tham dự. Sau Hội nghị trực tuyến, đã có 527 người nộp tiền tham gia BHXH tự nguyện.
Nói vậy để thấy trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương đã nỗ lực, sáng tạo, tìm tòi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua khó khăn để tìm đến những đích mới với kết quả cao hơn.
Thực tế triển khai từ nhiều địa phương cho thấy, việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bằng hình thức tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến đã tạo được những hiệu ứng tích cực như: Bao phủ người tham gia ở diện rộng, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian và kinh phí tổ chức hội nghị. Thông qua hội nghị, người dân không chỉ nắm bắt thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ cơ quan BHXH mà còn được tiếp cận công tác tổ chức, thực hiện các chính sách trên địa bàn địa phương từ chính lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo địa phương để giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT tại cơ sở./.