Bài 2: Bảo hộ CDĐL nước ngoài - Cơ hội lớn cho “vựa vải” miền Bắc
(ĐCSVN) - Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản của Việt Nam gắn với chỉ dẫn địa lý (CDĐL) nhất là bảo hộ CDĐL ở nước ngoài đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam. Trường hợp vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ CDĐL tại Nhật hay mỳ Chũ Bắc Giang được xuất khẩu tại thị trường “khó tính” này …là một minh chứng cụ thể.
Chinh phục thị trường "khó tính"
Vải thiều Lục Ngạn được biết đến là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Giang và của Việt Nam. Hiện sản phẩm được tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Với riêng thị trường xuất khẩu, vải thiều Lục Ngạn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 90%), và 10% được xuất sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Singapore, Australia và mới đây là Nhật Bản, một trong những thị trường “khó tính” nhất hiện nay. Như vậy, sau gần hai năm nỗ lực của cả địa phương và Cục Sở hữu trí tuệ, việc lần đầu tiên, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ CDĐL tại Nhật đã mang đến nhiều thay đổi và tín hiệu khởi sắc cho bà con nơi đây.
Có mặt tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang trong cái nắng sớm những ngày tháng 4, chúng tôi được chứng kiến những cây vải nơi đây đang vào mùa đậu quả, được chăm sóc cẩn thận bởi bàn tay của những hộ gia đình trồng vải … Có thể thấy, việc trồng vải ngày càng thuận lợi bởi đầu ra được đảm bảo, giá bán lại cao hơn bình thường từ 15-25%, vì thế mà năm nay nhiều hộ dân ở Quý Sơn, Lục Ngạn chuyển sang trồng vải sạch xuất khẩu, nhất là sau khi vải thiều Lục Ngạn được cấp CDĐL tại Nhật Bản vào ngày 12/3.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn Mến – hộ dân trồng vải tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết: Trồng vải được 2 năm nay, gia đình ông tham gia vào dự án sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất sang thị trường Nhật.
Theo ông, với những kinh nghiệm canh tác đã trở thành quy trình nằm lòng, việc tham gia vào chuỗi vải hữu cơ này thực tế không quá phức tạp, thế nhưng lại giúp cho các hộ sản xuất không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm khi đã có hợp tác xã và các công ty xuất nhập khẩu hỗ trợ tiêu thụ, đồng thời giá bán cũng cao hơn từ 15-25% so với giá trôi nổi trên thị trường.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn- thôn Đồng Dao, xã Quý Sơn cũng là một trong số đó. “Năm nay mới là năm đầu tiên trồng vải, nhưng trong thôn có nhiều hộ năm trước làm rồi nên chúng tôi cũng rất yên tâm học hỏi và không lo lắng gì cả. Để trồng vải sạch, gia đình tôi được cán bộ đưa đi tập huấn và phổ biến các kiến thức và đầu tư cho một số kinh phí để làm nên chúng tôi thuận lợi hơn nhiều”, anh Sơn chia sẻ.
Xuống tận nơi, tận tình hướng dẫn, tập huấn cho người dân - đó là cách mà các cán bộ khuyến nông huyện Lục Ngạn đã và đang triển khai để giúp cho những hộ gia đình như ông Mến và anh Sơn tham gia vào dự án trồng vải sạch xuất đi Nhật.
Chia sẻ về công việc nơi đây, chị Đặng Thị Khuynh- cán bộ khuyến nông xã Quý Sơn cho hay, để đáp ứng các tiêu chí của thị trường xuất khẩu và đặc biệt để được phía Nhật Bản cấp chứng nhận bảo hộ CDĐL cho vải thiều Lục Ngạn, quy trình trồng vải đòi hỏi những yêu cầu và kỹ thuật khắt khe hơn, từ cây giống, đất, nước, phân bón cho đến quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản. “Bởi vậy, chúng tôi rất tỉ mỉ “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cho bà con từ kỹ thuật, quy trình chăm sóc để có được những trái vải năng suất và chất lượng hơn”, chị Khuynh cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn vui mừng khẳng định: Sau khi được cấp CDĐL cho vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, diện tích trồng vải xuất đi Nhật của xã đã tăng và hiện Quý Sơn có hơn 37 héc ta vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm 2020, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện Lục Ngạn là 15.290 héc ta, trong đó có hơn 11.700 héc ta trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm nay, diện tích trồng vải thiều của huyện tăng thêm 160 héc ta (đạt hơn 15.400 héc ta), trong đó diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP là hơn 12.700 héc ta.
Ở phương diện cơ quan quản lý, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) nhấn mạnh: Từ năm 2017, vải thiều Lục Ngạn là một trong ba sản phẩm của Việt Nam (bên cạnh thanh long Bình Thuận, và cà phê Buôn Ma Thuột) được lựa chọn để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm & Ngư nghiệp Nhật Bản) để quảng bá CDĐL của Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản.
Việc cấp CDĐL được coi là giấy thông hành có ý nghĩa quan trọng cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật. Bởi trước đây, để sản phẩm này vào được thị trường này phải trải qua rất nhiều khâu, quy trình kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
“Trên thực tế, ở các quốc gia khác, khi đăng ký bảo hộ CDĐL chỉ cần chuyển toàn bộ hồ sơ trên giấy và quốc gia đó sẽ xem xét, đánh giá, nếu thấy đạt sẽ cấp CDĐL, nhưng riêng thị trường Nhật Bản thì khác. Với vải thiều Lục Ngạn, sau khi nhận hồ sơ từ phía Việt Nam, phía Nhật đã cử chuyên gia sang tận vùng trồng kiểm tra, đánh giá toàn bộ quy trình trồng, từ đất, cây, quả, và toàn bộ quá trình chăm sóc…Việc lần đầu tiên, quả vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản đã mang đến nhiều thay đổi và tín hiệu khởi sắc cho bà con nơi đây, đồng thời khẳng định vị trí thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới ”, ông Phí cho hay.
Bắc Giang không chỉ có trái ngọt
Không chỉ biết đến với những trái vải nổi tiếng, Bắc Giang còn được nhắc tên với sản phẩm mỳ có một không hai, trong đó phải kể đến 2 sản phẩm là mỳ rau củ Thuận Hương và mỳ Chũ Green. Đây là 2 sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh truyền thống mỳ Trại Lâm Thuận Hương thuộc làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn.
Chị Đào Thị Hương, Chủ nhiệm HTX sản xuất mỳ Trại Lâm Thuận Hương chia sẻ với phóng viên về quy trình sản xuất mỳ sạch. |
Có mặt tại HTX sản xuất kinh doanh truyền thống mỳ Trại Lâm Thuận Hương, hồ hởi tiếp đón chúng tôi, chị Đào Thị Hương, Chủ nhiệm HTX vui vẻ giới thiệu các sản phẩm vừa ra lò. Chị cho biết, hiện tại HTX có hơn 10 dòng sản phẩm, chủ yếu là mỳ trắng truyền thống. Nói về loại mỳ đặc biệt nhất của HTX, chị Hương cho biết, mỳ Chũ Green Thuận Hương được sản xuất 100% từ gạo Bao thai hồng tại huyện Lục Ngạn, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương thích hợp nên gạo này cho chất lượng mỳ như mong muốn.
Theo chị Hương, bí quyết để tạo ra sợi mỳ dai, thơm, thanh vị gạo nằm ở quy trình sản xuất tuân thủ các quy tắc cốt lõi hữu cơ, thuần khiết hương vị tự nhiên, không chất bảo quản, chất phụ gia, công thức gia truyền và bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, theo đúng các nguyên tắc nghiêm ngặt từ khâu chọn, vo, ngâm, xay, phơi trần và đóng gói sản phẩm mỳ gạo.
Đặc biệt nguồn nước làm mỳ phải là nguồn nước giếng khơi hiếm có của làng được lọc qua 1 lớp cát và sỏi, kiểm tra định kỳ theo quy trình sản xuất thực phẩm tại vùng đất này. Sau đó những sợi mỳ được phơi dưới nắng gió hoàn toàn tự nhiên sẽ tạo ra mỳ Chũ Green.
Theo đánh giá của chính quyền và người dân nơi đây, sản phẩm của mỳ của HTX Thuận Hương đã được khẳng định tại thị trường trong nước. 2 sản phẩm là mỳ rau củ Thuận Hương và mỳ Chũ Green đã được UBND tỉnh Bắc Giang chứng nhận là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Năm 2019 mỳ Chũ Green được UBND tỉnh Bắc Giang chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và năm 2020 được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) chứng nhận ở cấp khu vực. HTX đã đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2019, hiện đang tiếp tục đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, để đưa mỳ Chũ Green sang Nhật Bản, HTX đã phải thực hiện nhiều công đoạn kéo dài trong 4 năm, từ 2016 đến cuối 2019 phía Nhật Bản mới chấp thuận đưa sản phẩm vào tiêu thụ và chính thức được xuất khẩu sang thị trường này từ cuối năm 2020 với số lượng nhỏ. Đầu năm 2021, HTX xuất khẩu được 2 lần với 4,5 tấn sang thị trường này. Đến thời điểm này, mỳ rau củ ngũ sắc Thuận Hương đã được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Nga, Singapore nhưng số lượng còn rất ít, trong đó nhiều nhất là Nhật Bản.
Chị Hương chia sẻ, với thị trường “khó tính” này, quá trình kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt nên tất cả các khâu ngay từ lựa chọn nguyên liệu, chị đã phải cẩn thận để đảm bảo các sản phẩm sạch, đặc biệt gạo không biến đổi gen. Hiện giờ, cứ 3 tháng một lần hợp tác xã phải gửi mẫu gạo sang Nhật Bản để kiểm định chất lượng.
Sẵn sàng vươn ra "biển lớn"
Có thể khẳng định, việc đăng ký bảo hộ CDĐL vải thiều Lục Ngạn thành công tại Nhật Bản hay việc mỳ Chũ được xuất khẩu tại thị trường này là một niềm tự hào của người dân và chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bảo hộ CDĐL cho nông sản Việt Nam nếu được xây dựng, phát triển và bảo vệ sẽ đóng vai trò quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đặc biệt là đặc sản của các vùng miền, địa phương. Để được cấp CDĐL tại nước ngoài đã khó, nhưng để duy trì và khai thác hiệu quả loại tài sản trí tuệ này thì càng khó hơn. Vì vậy, cần phải có những giải pháp chiến lược để phát triển, duy trì và khai thác hiệu quả các CDĐL, từ đó khẳng định thương hiệu cho các nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính.
Theo ông Mai Sơn- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, là địa phương có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã và đang ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch về cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông nghiệp và đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo hộ, CDĐL rõ ràng, hướng đến thị trường xuất khẩu. Với việc vải thiều Lục Ngạn được cấp chứng nhận CDĐL tại Nhật Bản đã khẳng định, người trồng vải Bắc Giang hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của một thị trường khó tính nhất là Nhật Bản.
Để tạo thế mạnh cho các nông sản của tỉnh phát triển, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang cho hay: Ngay từ rất sớm, Bắc Giang xác định phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hướng nông sản sang các thị trường xuất khẩu cao cấp, để từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nơi đây.
Hiện nay, với 1174 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể, Bắc Giang đang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về số văn bằng sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới Bắc Giang sẽ tập trung để được cấp tiếp các văn bằng sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh.
Đối với vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xác định yếu tố vô cùng quan trọng chính là xúc tiến thương mại. Từ năm 2016 đến nay, địa phương này đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến cũng như diễn đàn kinh tế để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh như mỹ Chũ, mật ong, nấm,…
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Bắc Giang cũng đã có ký kết hợp tác rất sớm với thành phố Hà Nội để tổ chức các tuần lễ vải, cũng như nhờ các cơ quan trung ương, đặc biệt là Bộ Công thương và UBND thành phố giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, siêu thị để liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp, thương nhân ở Bắc Giang hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con. “Trong gần 500 tổ liên kết sản xuất vải thiều, chúng tôi đã có 10 hợp tác xã của Lục Ngạn thường xuyên ổn định về mặt đầu ra, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm thông qua hợp tác xã. Nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại này thì đầu ra sẽ ổn định, người dân sẽ yên tâm để bỏ công, bỏ sức, thực hiện chăm sóc và đảm bảo chất lượng các sản phẩm nông nghiệp nói chung và vải thiều nói riêng”, ông Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, sắp tới tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với Sở Công thương để liên hệ với các doanh nghiệp là bạn hàng lâu năm với Nhật, đồng thời cũng sẽ mời các nhà phân phối của Nhật Bản hiện nay đang có mặt tại Việt Nam về Bắc Giang để liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương thu mua và xuất khẩu vải. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ xuất khẩu được một phần ba số sản lượng dự kiến đưa đi Nhật trong năm nay, nếu làm được như vậy cũng là thành công rồi”, ông Bình cho hay.
(Còn nữa)
Bài 1: Chỉ dẫn địa lý – “cú huých” đưa nông sản Việt ra biển lớn
Bài 3: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý – cơ hội cho nông sản Sơn La
Bài 4: Bảo hộ CDĐL, nhập làn "cao tốc hiện đại” – Khó vẫn phải làm