Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

LTS: Kết hợp Quân dân y là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Sau gần 35 năm triển khai, mô hình kết hợp Quân dân y đã và đang khẳng định vai trò trong thực tiễn, nhất là ở khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cùng các địa phương, mô hình này đã trực tiếp góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.

 

(ĐCSVN) – Xuất phát từ tính chất đặc thù, mô hình kết hợp Quân dân y thường được triển khai ở các khu vực còn nhiều khó khăn như các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển đảo,… Gần 35 năm triển khai mô hình kết hợp Quân dân y cũng là gần 35 năm đội ngũ y, bác sỹ Quân y cùng các lực lượng của ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực vượt khó để duy trì và nhân rộng mô hình, từ đó trực tiếp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân; cũng như góp phần phát triển mạng lưới y tế ở cơ sở.

Những mô hình tiêu biểu 

Từ nhiều năm trở lại đây, Bệnh xá đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa (Khánh

Bác sĩ, thầy thuốc ở Bệnh xá đảo Sinh Tồn khám, chữa bệnh cho bộ đội và người dân trên đảo.

 

Hòa) đã trở thành địa chỉ tin cậy của quân, dân trên đảo và ngư dân đánh bắt hải sản ở các khu vực lân cận. Không chỉ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và người dân trên đảo, đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh xá còn hỗ trợ cấp cứu, xử lý nhiều tình huống liên quan đến sức khỏe của ngư dân. Nhiều ngư dân bị giảm áp mức độ nặng trong quá trình lặn sâu xuống biển để khai thác hải sản và được đưa vào bệnh xá cấp cứu. Nhận được sự chăm sóc y tế đặc biệt, đầy trách nhiệm của các y, bác sỹ trên đảo, sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định. Những trường hợp nghiêm trọng, y, bác sỹ đã báo lên cấp trên để điều máy bay trực thăng chuyển bệnh nhân về đất liền tiếp tục điều trị.

Chỉ tính riêng năm 2023, Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã khám, cấp thuốc cho hơn 890 lượt bệnh nhân, cấp cứu 10 ngư dân; trong đó nhiều trường hợp bị viêm ruột thừa, đau quặn thận, đột quỵ não, tai nạn lao động... nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ đã và đang công tác tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, ngư dân, góp phần giúp cho các lực lượng thêm vững tin huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và yên tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, đồng chí Hoàng Đức Chiến, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Sinh Tồn chia sẻ.

Cũng là điển hình trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, mô hình Trạm xá Quân dân y kết hợp 799 của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 799 (Quân khu 1) được triển khai tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) từ năm 2001. Sau hơn 20 năm xây dựng, phát triển với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Quân y đã có hàng trăm ca bệnh nặng như: đứt ruột, tắc ruột, vết thương thấu phổi, vỡ gan, đứt niệu đạo... được cấp cứu thành công. Từ đó, giúp bảo đảm sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Thông qua hoạt động của Trạm xá Quân - dân y kết hợp 799, nhiều hủ tục lạc hậu của người dân địa phương, nhất là hủ tục mời thầy cúng về bắt ma mỗi khi có người nhà ốm, phụ nữ tự đẻ ở nhà... đã dần được đẩy lùi. Người dân tại các xã vùng cao của huyện Bảo Lạc đã coi đội ngũ y, bác sĩ của Trạm xá là điểm tựa, chỗ dựa khi không may có vấn đề về sức khỏe. 

Anh Thào A Phênh ở xóm Cắm Dưới, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc bày tỏ: “Nhờ các y, bác sỹ của Trạm xá 799 mà không ít bà con được cứu sống. Bản thân tôi, năm 2003 bị đứt đôi đoạn ruột do tai nạn xe máy. Nếu không có bác sĩ Trạm xá 799 cứu chữa kịp thời thì không chắc tôi sống được đến bây giờ. Tôi biết ơn các y, bác sỹ Trạm xá 799 nhiều lắm”.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức hướng dẫn bà con ở bản Thọong Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào) cách phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: Tiến Dũng) 

Đặc biệt, mô hình kết hợp Quân dân y còn có sức lan tỏa khi vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, tiêu biểu là Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thọong Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào). Đi vào hoạt động từ đầu năm 2008 với vai trò của các bác sỹ Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, trung bình mỗi ngày, Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thọong Pẹ đón khoảng 15-20 lượt người đến khám, chữa bệnh. Cùng với việc khám, chữa bệnh tại Trạm, cán bộ chiến sĩ Quân y của Trạm còn thường xuyên trực tiếp xuống tận hộ gia đình thăm khám và cấp phát thuốc trị bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu chảy, viêm nhiễm hô hấp khi thời tiết chuyển mùa… đồng thời hướng dẫn bà con cách phòng tránh các bệnh thông thường. 

Trung tá, Bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thọong Pẹ chia sẻ: “Bà con tin tưởng Trạm xá một phần vì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ người bệnh 24/24 giờ. Đối với những bệnh nhân đau yếu không đến được trạm xá, bác sỹ Quân y sẽ đến tận nơi để thăm khám. Trường hợp ngoài khả năng điều trị thì mới chuyển lên tuyến trên”.

Được biết, sau hơn 15 năm hoạt động, Trạm xá đã khám, cấp cứu, điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân. Riêng năm 2023 vừa qua, Trạm xá đã khám chữa bệnh cho 3.500 lượt người; phát thuốc miễn phí cho khoảng 1.200 lượt người. Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thọong Pẹ thực sự đã trở thành ngôi nhà chung thân thiết của người dân Lào trên địa bàn huyện Khăm Cợt.

"Trái ngọt" từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ 

 

Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho lực lượng vũ trang và nhân dân luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước. Mô hình kết hợp Quân dân y chính là một minh chứng rõ nét cho điều đó. Mô hình này đã trực tiếp tạo điều kiện để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,...; góp phần phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai,… Theo đó, ngày 16/3/2005, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT - BYT-BQP, hướng dẫn triển khai thống nhất hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh Quân - dân y toàn quốc, với mục tiêu: “Kết hợp Quân dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân”; trong đó, lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang ở vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, biên giới, biển, đảo làm nhiệm vụ trọng tâm.

Lữ đoàn 954 Không quân- Hải quân vận chuyển bệnh nhân từ Trường Sa vào điều trị tại đất liền. 

Để mô hình kết hợp Quân dân y có được hiệu quả, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng thống nhất chỉ đạo thành lập hệ thống Ban Quân - dân y các cấp. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân, Ban Quân dân y đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị Quân đội về công tác kết hợp Quân - dân y; đồng thời, trực tiếp tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kết hợp quân - dân y trên địa bàn. Với tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc “Bộ đội Cụ Hồ” và các y, bác sỹ ngoài Quân đội, các nội dung hoạt động kết hợp Quân - dân y được triển khai ngày càng sâu rộng, sát thực tiễn, đem lại hiệu quả tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân và xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng tại các địa phương.

Y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 khám bệnh cho người dân tại tỉnh Phú Yên. 

Hình ảnh những cán bộ Quân y, những y, bác sỹ tham gia mô hình kết hợp Quân dân y đã trở lên thân thuộc đối với đồng bào các dân tộc khu vực vùng sâu, vùng xa hay cán bộ, ngư dân trên các tuyến biển, đảo của Tổ quốc. Nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua khó khăn, thiếu thốn, chỉ tính từ năm 2005 đến nay, lực lượng Quân y - dân y cả nước đã cấp cứu, thu dung điều trị, chuyển tuyến cho hơn 65.200 lượt quân nhân. Khi xảy ra các vụ thiên tai, thảm họa, như: bão, lụt, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất,... ở các tỉnh miền Trung, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La hoặc cháy rừng ở Lào Cai, Cà Mau,... lực lượng Quân - dân y đã phối hợp chặt chẽ trong cấp cứu, vận chuyển, giúp giảm tỷ lệ thương vong cho nhân dân.

 Đặc biệt, các đơn vị Quân đội còn tổ chức các phân đội Quân y cơ động từ tuyến sau đến phối hợp với y tế địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng ATK,... khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 23 triệu lượt người, tặng quà cho 83,8 nghìn lượt hộ gia đình chính sách, người nghèo, với số tiền trên 141 tỷ đồng. Các đơn vị và cơ sở kết hợp Quân dân y trên toàn quốc đã khám, chữa bệnh được hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người, nhận điều trị 20,5 triệu lượt người. Cùng với việc chăm sóc, điều trị người bệnh, phòng, chống dịch bệnh và thiên tai, thảm họa, lực lượng Quân dân y còn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thực tế triển khai mô hình kết hợp Quân dân y những năm qua cho thấy, đây là một mô hình có hiệu quả sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi công tác dân vận của Đảng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Thông qua mô hình này, không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, mà còn góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết quân dân, tạo sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

(Còn nữa).

 

 

Nhóm phóng viên
02/07/2024 09:00
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN