Bài 1: Việt Nam có cơ hội gỡ cảnh báo thẻ vàng trong đợt thanh tra lần thứ 5 của EC
(ĐCSVN) - Với đợt thanh tra lần thứ 5, dự kiến vào tháng 5/2024, Việt Nam có cơ sở và cơ hội để EC gỡ cảnh báo thẻ vàng cho hải sản khai thác. Tuy nhiên, việc gỡ thẻ vàng còn phụ thuộc vào kết quả mà Việt Nam đang triển khai từ nay đến lúc phía bạn sang.
Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam (ngày 23/10/2017), cho tới nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để triển khai các khuyến nghị của EC. Dự kiến, tháng 5/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quyết định (IUU). Đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản khai thác trước khi EU bầu cử.
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác IUU, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các vị khách mời:
- Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng.
- Đồng chí Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trao đổi với các vị khách mời về công tác chống khai thác IUU của Việt Nam. |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Dương Văn Cường, công tác chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản khai thác của Việt Nam đang được cả hệ thống chính trị quan tâm. Mới đây, ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Xin đồng chí cho biết một số thông tin về Chỉ thị này?
Đồng chí Dương Văn Cường: Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, cho thấy, đây là một quyết tâm và cam kết chính trị rất lớn của Việt Nam về chống khai thác IUU cũng như phát triển thủy sản bền vững.
Chỉ thị nêu rõ hai phần việc chính: Về ngắn hạn là gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Về dài hạn là phát triển thủy sản bền vững theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, các chương trình, đề án, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như phù hợp với những quy định pháp luật quốc tế về phát triển thủy sản bền vững.
Thời điểm này, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị này rất kịp thời và quan trọng. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, đặc biệt là những khuyến nghị của lần thanh tra thứ tư vào tháng 10/2023 đã đưa ra để quyết tâm sớm nhất gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới.
Về nội dung cơ bản của Chỉ thị, Ban Bí thư xác định, chống khai thác IUU và phát triển thủy sản bền vững là nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu hiện nay, gắn liền với trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng, người đứng đầu của chính quyền các cấp, đặc biệt là hệ thống chính quyền của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Bên cạnh đó, Chỉ thị đề cao vai trò của công tác mặt trận, tuyên truyền, phổ biến, nhằm nắm tình hình, thông tin, vận động bà con ngư dân từ sớm, từ xa có ý thức tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, nắm được những thông tin về nguy cơ tàu cá và ngư dân sẽ đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tại Chỉ thị, Ban Bí thư đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy những hoạt động liên quan đến nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác bền vững, có trách nhiệm, đồng thời, đưa ra định hướng để đảm bảo cường lực khai thác của đội tàu cũng như số lượng của đội tàu cá phải cân bằng và phù hợp với nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu tổng rà soát để quản lý chặt chẽ đội tàu cá của Việt Nam và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm IUU, đặc biệt là hành vi tổ chức đưa tàu cá và người dân nước ta vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài và hành vi gian lận hồ sơ của những lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là hai nhóm hành vi mà EC rất quan tâm và EC đã khuyến nghị rất nhiều lần về việc này.
Chỉ thị cũng yêu cầu các lực lượng thực thi pháp luật, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên biển; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thậm chí, nếu đủ căn cứ cấu thành hình sự sẽ xét xử, truy tố các vụ việc để tạo răn đe cũng như tuyên truyền, thể hiện quan điểm của Việt Nam là không dung túng và bao che cho những hành vi vi phạm IUU.
Trong Chỉ thị, Ban Bí thư cũng quan tâm chỉ đạo về việc tăng cường đầu tư nguồn lực hạ tầng cho thủy sản nói chung cũng như cho nghề cá, đảm bảo những điều kiện về mặt kinh phí và nguồn nhân lực cho các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản trên biển.
Trong Chỉ thị 32 còn có một nhóm nội dung chỉ đạo về công tác hợp tác quốc tế. Đó là tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước EC, các nước ở trong khu vực để chúng ta tranh thủ nguồn lực, sự ủng hộ của các bên có liên quan trong nỗ lực gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam. Chỉ thị nhấn mạnh, chúng ta cương quyết làm rõ những vụ việc mà tàu cá và ngư dân của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ xử lý ở các vùng chồng lấn và chưa phân định. Đây là một nội dung công việc rất quan trọng.
Hiện nay, chúng ta đang còn một số những khu vực chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định biển giữa Việt Nam và một số nước ở xung quanh. Nếu ngư dân và tàu cá bị bắt tại khu vực này, chúng ta phải đấu tranh để làm rõ việc này không vi phạm IUU.
Có thể khẳng định, Chỉ thị 32 đã đưa ra những chỉ đạo mang tính chất toàn diện, rất kịp thời, đầy đủ và yêu cầu phải triển khai, phổ biến, quán triệt đến tất cả các cấp ủy đảng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc chống khai thác IUU và phát triển thủy sản bền vững.
PV: Đồng chí Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư vừa đề cập tới những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư. Xin đồng chí Vũ Văn Hưng cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai Chỉ thị 32 như thế nào trong thời gian tới?
Đồng chí Vũ Văn Hưng: Đối với Bộ đội Biên phòng, trước khi có Chỉ thị của Ban Bí thư thì Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo Bộ đội Biên phòng toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm các nội dung chống khai thác IUU, hướng tới một nền thủy sản bền vững. Với nội dung này, Bộ đội Biên phòng thường xuyên có kế hoạch, có nghị quyết để tổ chức quán triệt thực hiện.
Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp trong toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng xây dựng kế hoạch chuyên đề, có kế hoạch tổ chức thực hiện một cách cụ thể. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, những nội dung còn tồn tại mà EC đã chỉ ra qua mỗi lần thanh tra.
Trong lần này, cùng với cả hệ thống chính trị, Bộ đội Biên phòng quyết tâm tổ chức, triển khai, chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc. Trong đó, ngoài việc tuần tra, kiểm soát tất cả các phương tiện khi hoạt động ra, vào trên biển, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, giữa các lực lượng của Bộ đội Biên phòng, và giữa lực lượng Biên phòng với các tỉnh, các hải đội, hải đoàn, lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Hải quân, lực lượng Kiểm ngư, cấp ủy chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục.
Chúng tôi sẽ đi sâu, nắm, nghiên cứu và quản lý chặt chẽ số tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và các tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU. Từ đó có nhiều biện pháp, giải pháp, nhiều mô hình để góp phần chấm dứt các hành vi vi phạm IUU, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư đã nêu ra.
PV: Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (thay thế Nghị định 42). Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Xin đồng chí Dương Văn Cường cho biết, những nội dung mới của hai Nghị định trên và để chuẩn bị cho việc thực hiện hai Nghị định này, chúng ta cần triển khai những công việc gì?
Đồng chí Dương Văn Cường: Chính phủ ban hành hai Nghị định này cho thấy một quyết tâm rất lớn. Trong đó, có sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật để phù hợp hơn và đáp ứng những yêu cầu khuyến nghị của Ủy ban châu Âu qua lần thanh tra thứ 4. Đối với Nghị định 37 sửa đổi bổ sung Nghị định 26, điểm quan trọng nhất là bổ sung Điều 70a sau Điều 70.
Trong nội dung này, Chính phủ đã quy định các nội dung để quản lý hàng thủy sản khai thác được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, vào các nhà máy chế biến và xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có thị trường châu Âu.
Phải khẳng định rằng, đây là một nội dung đáp ứng rất nghiêm túc đối với các khuyến nghị của EC.
Chúng ta quyết tâm phải kiểm soát được hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam để đảm bảo rằng, mặt hàng đó vào đến Việt Nam không vi phạm IUU. Sau đó, khi mặt hàng này vào nhà máy, sang các thị trường khác, đã được chứng minh minh bạch nguồn gốc và không phải là hàng vi phạm IUU.
Đây cũng là một trong những nội dung mà EC rất quan tâm.
Đây là nội dung quan trọng của Nghị định 37. Từ đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức triển khai thực hiện và sẽ tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu chế biến thủy sản vào thị trường châu Âu.
Theo đồng chí Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Nghị định 37, Nghị định 38 mà Chính phủ vừa ban hành có sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật để phù hợp hơn và đáp ứng những yêu cầu khuyến nghị của Ủy ban châu Âu qua lần thanh tra thứ 4. |
Đối với Nghị định 38 là Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thay thế Nghị định số 42, có rất nhiều nội dung mới.
Thứ nhất, Chính phủ sửa đổi mức phạt và tăng các biện pháp xử phạt bổ sung đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng về IUU. Bản thân Nghị định 42 đã rất nghiêm khắc, nhưng Nghị định 38 có một số những nội dung được điều chỉnh theo hướng tăng lên.
Thứ hai là bổ sung việc phạt cả chủ tàu cá trong trường hợp thuyền viên không đồng thời là chủ tàu để giải quyết được những vướng mắc trong xử lý xử phạt thời gian vừa qua. Thứ nữa là quy định xử phạt nghiêm đối với hành vi vượt ranh giới, đưa tàu cá vượt ranh giới được phép khai thác ở trên các vùng biển.
Đây là một quy định rất mới, trong đó, để xử phạt hành vi này thì công cụ để chứng minh là qua hệ thống VMS (giám sát hành trình tàu cá) đã có đủ điều kiện căn cứ để xử phạt hành vi này.
Đồng thời, bổ sung 8 nhóm hành vi cấm của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng, để đưa vào thiết kế thành những hành vi, mức phạt và hình thức xử phạt trong Nghị định này để đảm bảo xử lý được những hành vi gian lận và những hành vi không minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, đối với cả hàng nhập khẩu nguyên liệu vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, bổ sung những chế tài nặng hơn về xử lý hành vi mất kết nối VMS. Đặc biệt là bổ sung thẩm quyền của Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư,…được phạt tối đa mức phạt tiền được quy định trong Nghị định.
Trước kia, với Nghị định 42, chỉ có Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thì bây giờ thẩm quyền áp dụng mức phạt tối đa đã được mở rộng ra rất nhiều cho các lực lượng thực thi pháp luật.
Một điểm mới nữa, trong Nghị định này, Chính phủ cho phép áp dụng những biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trên biển, tương tự như hình thức “phạt nguội” của Cảnh sát giao thông ở trên bờ.
Từ 19/5/2024, Nghị định 37 sẽ có hiệu lực thi hành; từ 20/5/2024, Nghị định 38 sẽ có hiệu lực thi hành. Từ nay đến thời điểm đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính quyền các địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố ven biển, các lực lượng thực thi pháp luật sẽ phải tập trung, phổ biến, tuyên truyền và quán triệt, tập huấn, chuẩn bị những điều kiện đảm bảo cho việc thi hành 2 Nghị định rất quan trọng này để phục vụ cho công tác chống khai thác IUU của Việt Nam.
Đại tá Vũ Văn Hưng cho biết, Bộ đội Biên phòng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để gỡ cảnh báo thẻ vàng cho hải sản khai thác của Việt Nam. |
PV: Thực tế trong thời gian qua, còn có các tàu cá cố tình không làm thủ tục xuất, nhập bến qua các Trạm kiểm soát Biên phòng. Theo đồng chí Vũ Văn Hưng, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát tàu xuất, nhập bến tại trạm kiểm soát Biên phòng?.
Đồng chí Vũ Văn Hưng: Trên thực tế vừa qua, bản thân tôi đã trực tiếp đi kiểm tra các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng tới Kiên Giang về việc quán triệt triển khai thực hiện kế hoạch và Nghị quyết của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng như của cấp ủy chính quyền địa phương về chống khai thác IUU. Chúng tôi nhận thấy một thực trạng, một số tàu cá lợi dụng trong công tác kiểm tra, kiểm soát đã trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng, sau đó ra vùng biển nước ngoài.
Trong thời gian vừa qua, trong năm 2023 và những tháng đầu năm của 2024, Bộ đội Biên phòng đã tập trung chỉ đạo các chuyên án, đặc biệt vừa qua, chúng tôi đã phá thành công một chuyên án, bắt một đối tượng “móc nối”, đưa người ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Vụ việc này, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng chức năng khởi tố. Sau khi khởi tố, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được và rút kinh nghiệm.
Trên thực tế, những khó khăn bất cập hiện nay, chúng ta cũng phải kể đến có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, Việt Nam chúng ta có 3.260 km bờ biển; bờ biển rất dài, khúc khỉu, nhiều vũng vịnh, luồng lạch,… Trong đó, số lượng tàu cá của chúng ta rất lớn. Một số tàu cá lợi dụng bờ biển rộng, địa hình phức tạp để trốn tránh, đưa tàu cá ra nước ngoài, tiến hành các hoạt động khác vi phạm IUU.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã trực tiếp báo cáo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tăng cường lực lượng cho các đơn vị tuyến biển, đặc biệt tăng cường cho các đồn, trạm Biên phòng trọng điểm. Có thời điểm, chúng tôi tăng quân số ở các trạm, có lúc có trạm lên gấp đôi quân số. Bên cạnh đó, các phương tiện hoạt động trên biển, chúng tôi tăng thời gian lên.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã thành lập Sở Chỉ huy liên hợp tại đảo Phú Quốc. Trong đó, Bộ đội Biên phòng là một thành phần.
Như vậy, ngoài việc tăng cường lực lượng, phương tiện, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, đặc biệt là nắm được các thủ đoạn hoạt động mới của những đối tượng cố tình vi phạm IUU.
Ở nội dung này, chúng tôi xác định các tỉnh trọng điểm, đối tượng tàu thuyền trọng điểm để tập trung vào hai đối tượng chính: Thứ nhất là chủ phương tiện, thứ hai là thuyền trưởng. Với hai đối tượng này, chúng tôi thường xuyên theo dõi, quản lý nắm chắc và giám sát rất chặt chẽ.
Đối với các phương tiện gắn thiết bị VMS, chúng tôi đã chỉ đạo Biên phòng các tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng thủy sản của địa phương và lực lượng Cảnh sát biển cũng như Hải quân thường xuyên theo dõi các phương tiện này trên hệ thống quản lý để tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Nếu các phương tiện này khi ra vùng biển giáp ranh, có dấu hiệu vi phạm, phải kêu gọi về ngay. Ngoài việc kêu gọi, chúng tôi còn điện thoại trực tiếp đến từng gia đình có chủ tàu này để kêu gọi về.
Đối với các hành vi vi phạm khác, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và phối hợp với các lực lượng có các chuyên án để làm điểm, để sớm chấm dứt và quyết tâm thực hiện việc chấm dứt các hành vi vi phạm IUU để sớm gỡ được thẻ vàng.
PV: Thưa đồng chí Dương Văn Cường, dự kiến, tháng 5/2024, EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5. Đây là cơ hội quyết định cho việc tháo gỡ thẻ vàng của hải sản khai thác của Việt Nam. Vậy đồng chí cho biết, Việt Nam cần chuẩn bị và triển khai những công việc gì và khả năng gỡ thẻ vàng của chúng ta trong lần thanh tra này?
Đồng chí Dương Văn Cường: Theo kế hoạch, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam trong tháng 5/2024 và sẽ đi thanh tra thực tế tại các địa phương cũng như làm việc với các cơ quan quản lý, làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Từ nay đến thời điểm đó là khoảng thời gian tập trung cao điểm để Việt Nam triển khai những nội dung khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Đây là nhiệm vụ gắn liền với vai trò và trách nhiệm của chính quyền 28 tỉnh, thành phố ven biển cũng như lực lượng thực thi pháp luật của Biên phòng, của Kiểm ngư cũng như của Cảnh sát biển.
Các nhiệm vụ cụ thể rất nhiều, theo chỉ đạo của Chính phủ, theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sẽ tập trung vào những vấn đề liên quan đến quản lý đội tàu, quản lý truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn, giảm dần và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, công tác chuẩn bị hồ sơ cũng rất quan trọng và kịch bản để đón tiếp và làm việc với phía bạn.
Đáng chú ý, đó là chúng ta phải bám sát vào khuyến nghị gần nhất của phía bạn trong đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Phía bạn đưa ra một số những khuyến nghị, những tồn tại mà Việt Nam cần phải khắc phục. Trong đợt sang Việt Nam lần thứ 5, phía bạn sẽ xem lại. Hiện nay, có thể khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và cơ bản những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, đặc biệt là khuyến nghị của lần thanh tra thứ tư.
Chúng ta đã hoàn thiện đầy đủ hệ thống cơ sở pháp lý cũng như cơ chế chính sách cho chống khai thác IUU. Chúng ta đã quản lý chặt chẽ đội tàu qua hệ thống VMS, qua việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Với công tác truy xuất nguồn gốc, kể cả hàng khai thác trong nước cũng như hàng qua cảng Việt Nam cũng đã được kiểm soát.
Và các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tỷ lệ vi phạm IUU bị trả lại rất thấp. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật của các lực lượng chưa bao giờ mạnh mẽ và đồng bộ như thời điểm hiện nay.
Lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, lực lượng khác ở địa phương đã tăng cường tuần tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính. Trong tháng 4 này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có một Đoàn sang để báo cáo cũng như trao đổi kỹ thuật, trong đó, báo cáo kết quả với Ủy ban châu Âu trước khi phía bạn sang. Với lần thanh tra thứ 5 này, chúng ta có cơ sở, có kỳ vọng và có cơ hội EC sẽ gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, việc gỡ được thẻ vàng sẽ phụ thuộc vào kết quả mà chúng ta đang triển khai từ nay đến lúc phía bạn sang; phụ thuộc vào kết quả thanh tra thực tế tại các địa phương, tại doanh nghiệp và tại các cơ quan quản lý và phụ thuộc vào những nỗ lực cao điểm của cả hệ thống chính trị, 28 tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư.
Hiện nay, còn vướng mắc nhất là tình trạng tàu cá và ngư dân của chúng ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý có giảm rất nhiều nhưng chưa được chấm dứt. Do đó, làm sao từ thời điểm này đến lúc phía bạn sang, sẽ không còn phát sinh vụ việc nào bị các nước bắt giữ, xử lý thông báo. Chúng ta cương quyết điều tra xác minh, xử lý triệt để, để thể hiện cam kết, thể hiện không dung túng, không bao che của Việt Nam đối với hành vi này.
Từ thời điểm này đến lúc đó, nếu không phát sinh vụ việc nào nữa thì khả năng gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam sẽ khả quan.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân. |
PV: Để gỡ được cảnh báo thẻ vàng cho hải sản khai thác của Việt Nam trong lần thanh tra lần thứ 5 của EC, theo đồng chí Vũ Văn Hưng, chúng ta sẽ cần tập trung vào các giải pháp như thế nào?
Đồng chí Vũ Văn Hưng: Đối với Bộ đội Biên phòng, chúng tôi thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để gỡ cảnh báo thẻ vàng cho hải sản khai thác của Việt Nam.
Trong đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, để gỡ được cảnh báo thẻ vàng, chúng ta không được để bất cứ một phương tiện nào vi phạm IUU. Để làm được điều này, Bộ đội Biên phòng chúng tôi đã ban hành rất nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp, tổ chức một cách rất cụ thể.
Thứ nhất là công tác tuyên truyền. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo đài địa phương và Trung ương. Thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng về Bộ đội Biên phòng trong hoạt động chống khai thác IUU tương đối dày.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã có nhiều mô hình. Ví dụ như mô hình tổ tàu thuyền an toàn, tiếng loa Biên phòng và các mô hình khác rất hiệu quả.
Tất cả các mô hình này đều hướng tới việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là ngư dân. Trong khi khai thác hải sản, không vi phạm các quy định đã được pháp luật quy định.
Đặc biệt, với các phương tiện đánh bắt xa bờ có nguy cơ vi phạm, chúng tôi cùng với các lực lượng tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ và cùng với cả hệ thống chính trị quyết tâm không để tàu cá vi phạm IUU trong thời gian từ nay đến hết tháng 4.
Trong thời gian này, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển và Hải quân cũng như các lực lượng Kiểm ngư và lực lượng Thủy sản địa phương tăng tần suất, thời gian, lực lượng trong công tác đăng ký, kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo 100% tàu cá khi ra khơi hoạt động đều được kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Đối với các tàu cá hoạt động trên biển có gắn thiết bị VMS đều được giám sát chặt chẽ. Những tàu cá hoạt động ở vùng xa và những vùng chồng lấn, chúng tôi thường xuyên theo dõi để có khuyến cáo, cảnh báo cho bà con không đi vào các khu vực “nhạy cảm”, để tàu cá của chúng ta không vi phạm IUU trong thời gian tới…/.
(Còn nữa…)