Bài 1: “Tự soi, tự sửa”
(ĐCSVN) - Để có đủ nguồn lực phát triển đất nước như trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đã được Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đó là chúng ta phải tập trung chấn hưng văn hóa. Đây được ví như một “đại công trình” gồm rất nhiều hạng mục cần phải triển khai.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ về câu chuyện chấn hưng văn hóa. |
PV: Tại Đại hội XIII của Đảng và nhất là tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề chấn hưng văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tất cả các cấp, các ngành… và toàn xã hội. Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tại sao Đảng ta lại đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa vào đúng lúc này? Trong lịch sử chúng ta đã có những cuộc chấn hưng văn hóa nào?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Chấn hưng văn hóa là làm sao để văn hóa tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà tác động đến tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Chấn hưng văn hóa để đất nước phát triển một cách toàn diện.
Trong lịch sử của dân tộc ta, khi nào các triều đại quan tâm đến phát triển văn hóa thì ở thời kì đó đất nước hưng thịnh, phát triển, đủ sức để chống chọi với các thế lực ngoại xâm bên ngoài. Ví dụ như thời nhà Trần, chúng ta có hào khí Đông A. Hào khí Đông A thực chất cũng là chấn hưng tinh thần của dân tộc, văn hóa của dân tộc, niềm tự hào, lòng yêu nước, đoàn kết để đánh đuổi tất cả các thế lực xâm lăng. Và đặc biệt là trong thời kỳ mới, kể từ khi có Đảng, chúng ta có một cuộc chuẩn bị cho chấn hưng văn hóa của đất nước là Đề cương văn hóa năm 1943 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Lúc đó chúng ta chưa giành được chính quyền, có nghĩa là chưa đầy đủ các điều kiện để xây dựng nền văn hóa mới của chế độ mới nhưng mà Đảng ta đã nêu Đề cương văn hóa tức là những vấn đề có tính chất cương lĩnh xác định văn hóa của Việt Nam trong tương lai, trong thời gian tới, mang nguyên tắc là: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa và đấy là những nguyên tắc rất cơ bản. Từ đó mở cuộc vận động chống lại văn hóa của thực dân phong kiến, của phát xít, xây dựng một nền văn hóa mới. Đặc biệt ngày 24/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lúc đấy chúng ta vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong Hội nghị này, Người đã khẳng định phát triển văn hóa làm sao cho đất nước độc lập, người dân được tự do và ai cũng hiểu được lợi ích, quyền lợi mình được hưởng, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đây chính là cuộc chấn hưng văn hóa rất quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh.
Trong rất nhiều Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã có những Nghị quyết về “phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, hay Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Như vậy, văn hóa là phục vụ cho phát triển, xây dựng con người, nhưng mà cái quan trọng nhất là nó tác động làm cho xã hội tốt đẹp lên, đẩy lùi những cái xấu xa, lạc hậu, cũ kĩ…. Như vậy, khi nói về chấn hưng văn hóa là làm sao để đẩy sức mạnh tinh thần, nội lực văn hóa trong mỗi con người, trong một vùng đất, một đất nước, một dân tộc lên một tầm cao mới, vừa mạnh mẽ, vừa sâu sắc, vừa rộng lớn, tác động đến không chỉ đến lĩnh vực văn hóa mà đến cả chính trị, đến cả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…
Muốn chấn hưng văn hóa trước hết phải thể hiện trong Cương lĩnh hay các Nghị quyết của Đảng. |
PV: Vậy theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chấn hưng văn hóa cụ thể là chúng ta cần phải triển khai thực hiện những nội dung gì?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Muốn chấn hưng văn hóa trước hết phải thể hiện trong cương lĩnh hay là các Nghị quyết của Đảng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức vào ngày 24/11/2021 cũng chỉ rõ: Chấn hưng văn hóa Việt Nam để nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, “soi đường cho quốc dân đi”. Chính vì vậy, chấn hưng văn hóa là Đảng ta và các cấp ủy đảng từ Trung ương cho đến cơ sở phải thể hiện trong các Nghị quyết, đường lối của mình. Tiếp đến là Nhà nước phải trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Đảng xây dựng cơ chế, chính sách để thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng thành các chủ trương, giải pháp và nguồn lực để phát triển văn hóa.
Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải coi xây dựng văn hóa và xây dựng con người là xây dựng tương lai tốt đẹp của dân tộc. Nếu chúng ta không có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta không có con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thì chúng ta rất khó để đưa đất nước đi lên. Mọi người dân, cán bộ đảng viên, quần chúng miền xuôi, miền núi, các dân tộc, tôn giáo... phải hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội hàm của chấn hưng văn hóa, phát triển văn hóa gồm những mặt nào. Chúng ta phải tạo ra một đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trong tất cả các lĩnh vực và đặc biệt chúng ta phải đẩy văn hóa trong Đảng lên, làm sao phải như Bác nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Những cán bộ đảng viên của Đảng chức vụ càng cao thì trách nhiệm và sự nêu gương càng lớn. Một con người văn hóa, có đạo đức, có tư cách là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Tư cách của con người cách mạng như Bác Hồ nói: Hết lòng vì dân vì nước, xa lánh những tệ nạn và đặc biệt phải tự soi, tự sửa, chống thoái hóa về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu… làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, mỗi con người như “cơm ăn nước uống hàng ngày”.
Đối nghịch với văn hóa là phản văn hóa, đó là những thói hư, tật xấu, tham nhũng, tiêu cực, những cái ác, cái xấu trong xã hội, cái tàn dư, lạc hậu của chế độ cũ… Chấn hưng văn hóa cũng có thể nói như là một cuộc cách mạng về văn hóa, nói như vậy mới toàn diện, sâu sắc, mạnh mẽ và mang lại hiệu ứng, hiệu quả rộng lớn, sâu sắc cho toàn xã hội, trong tất cả các lĩnh vực và tất cả mọi người.
PV: Như vậy, có thể coi chấn hưng văn hóa là một “đại công trình” về văn hóa, bởi nó gồm rất nhiều vấn đề rộng lớn. Qua một loạt những vụ đại án, trọng án vừa qua, chúng ta có thể thấy: Hiện nay do nhiều nguyên nhân, những yếu tố phản văn hóa như thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, tội ác… đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên làm "ô nhiễm" môi trường văn hóa, tác động xấu tới tâm lý xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước? Vậy xin PGS.TS cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục vấn đề này?
Chấn hưng văn hóa được coi là "đại công trình" với rất nhiều hạng mục. |
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa đã được nói đến rất sớm. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực ra đầu tiên là nó diễn biến trong mỗi con người tới các tổ chức nhỏ. Trong Văn kiện Đại hội XIII cũng nói rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao cũng có những biểu hiện suy thoái… Như vậy sự suy thoái này đã ở mức báo động. Đây là một cuộc chiến khó khăn, phức tạp bởi mỗi cá nhân, từ mình, mình nhìn nhận và mình chống lại những thói hư tật xấu của cá nhân mình rồi trong tổ chức của mình, trong những đồng chí, trong những người thân của mình, rồi sau đó tác động lên xã hội. Bác Hồ đã nói: Một Đảng mà không biết nhìn nhận những yếu kém của mình, không biết tự sửa chữa là một Đảng hỏng và do đó là Đảng cũng như mỗi cán bộ đảng viên phải biết soi, phải biết sửa, sửa từ những điều nhỏ cho đến những điều lớn. Sửa được điều nhỏ rồi thì nó có thể không nảy ra những điều lớn, nhưng mà nếu không sửa điều nhỏ thì nó có thể là "cái sảy nảy cái ung”.
Điều này trong những Nghị quyết của Đảng cũng đã nhắc nhở. Trong những năm vừa rồi số cán bộ bị xử lý bằng các hình thức kể cả xử lý bằng pháp luật tăng lên rất nhiều, đấy là điều rất đáng buồn, rất đau lòng. Đồng chí Tổng Bí thư nói một cái cành bị sâu thì chúng ta phải cắt bỏ cái sâu mọt đó, không để nó lây lan ra những cành khác hoặc cây khác. Công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng được nhân dân, cán bộ đảng viên ủng hộ, hưởng ứng. Việc xây đã là khó rồi, chống còn khó hơn. Cho nên đây là một công cuộc lâu dài, khó khăn, gian khổ và luôn luôn xác định là xây phải đi đôi với chống, xây là chính, xây mà có vững chắc, thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mới thành công. Còn nếu chúng ta quan tâm đến “chống” nhiều mà không quan tâm đến xây dựng con người, xây dựng về tâm hồn, về cốt cách, về bản lĩnh, về đạo đức thì việc "chống" cũng khó thành công. “Xây” được tốt thì "chống" sẽ thành công. “Chống" để củng cố cái “xây”, “chống” để đẩy lùi những tiêu cực, tham nhũng, lạc hậu và để vun xới những điều tốt đẹp trong đời sống, trong xã hội cũng như là trong Đảng, trong Nhà nước.
Những năm vừa rồi, cán bộ, đảng viên, nhân dân rất tin tưởng, đồng tình với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đã tiến hành. Trong các phương thức lãnh đạo của Đảng thì có phương thức nêu gương, cán bộ đảng viên mà không nêu gương thì không lãnh đạo được ai cho nên sự nêu gương rất quan trọng, sự nêu gương đó là hướng ta đến những cái tốt đẹp và biết xa lánh những cái xấu xa, độc ác, tiêu cực. Công cuộc chấn hưng văn hóa suy cho cùng là chấn hưng những điều tốt đẹp, những điều cao cả, hướng tới giá trị vĩnh hằng của con người, cũng như của dân tộc ấy là chân, thiện, mỹ và đẩy lùi những cái xấu xa, độc ác, thấp hèn, những cái tiêu cực, những điều mà chúng ta ai cũng muốn tránh nhưng không phải dễ tránh. Cho nên chúng ta phải chăm lo, giáo dục, đặc biệt là cho cán bộ đảng viên và thanh thiếu niên nhi đồng, thế hệ măng non, thế hệ trẻ của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ!