Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

LTS - Đường lối Đổi mới của Đảng đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, mang lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ một đất nước kiệt quệ bởi 30 năm chiến tranh khốc liệt, Việt Nam đã vượt qua đói nghèo, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp, đàng hoàng. Từ một quốc gia bị bao vây cấm vận, tưởng như không có đường ra, Việt Nam đã rộng mở vòng tay, kết nối bạn bè, làm ăn với các đối tác, giao lưu với các dân tộc, quốc gia trên khắp năm châu, nâng cao vị thế dân tộc trên trường quốc tế. Đất nước đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Bạn bè thế giới ngày càng trân trọng, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy. Đó chính là kết quả của sự gặp gỡ giữa ý Đảng với lòng dân, là biểu hiện sức mạnh, trí tuệ sáng tạo của nhân dân được Đảng khai mở, phát huy trong từng định hướng xây dựng, phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới!

  Bài 1: Từ định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng

“Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam”. Đó là định hướng xuyên suốt của Nghị quyết số 05-NQ/TW do Ban Chấp hành Trung ương xây dựng tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tích cực cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, tạo sức sống và phát triển đột phá, mạnh mẽ cho đất nước ta trong giai đoạn mới. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã vươn ra bên ngoài và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường thế giới. Lực lượng doanh nhân Việt Nam đông đảo và rộng khắp ở mọi loại hình và quy mô, có tiếng nói và vai trò ngày càng quan trọng trong các quyết sách phát triển của đất nước.

 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự lớn mạnh cũng như những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với đất nước có được không phải từ các quyết định, chính sách đơn lẻ. Mà thực tế, trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, Đảng ta đã xác định và xây dựng được một hệ thống định hướng phát triển phù hợp tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước. Đó là những nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tư nhân, định vị lại vai trò của kinh tế tập thể, về chiến lược hội nhập…

Thực tế, tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý. Mô hình tăng trưởng từng bước chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa; vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và phát triển. Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, bước đầu hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải…

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhìn chung mô hình tăng trưởng về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn.

Nghị quyết số 05-NQ/TW cũng chỉ rõ, những bất cập trong tiến trình phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 chính là việc thực hiện những đột phá chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được cải thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại. Việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa gắn kết chặt chẽ giữa tổng thể với các trọng tâm. Đổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu, tỉ lệ vốn được cổ phần hóa thấp; quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém. Cơ cấu lại nông nghiệp chưa thực sự gắn với xây dựng nông thôn mới; sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều bất cập, hạn chế. Ngoài ra, cơ chế, chính sách điều phối phát triển vùng chưa đủ mạnh. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu tính liên kết, bị giới hạn bởi địa giới hành chính; chưa phát huy được các lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của toàn vùng; một số vùng kinh tế trọng điểm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa phát huy được vai trò đầu tàu, trở thành trung tâm kết nối cho phát triển kinh tế vùng…

Những yếu kém, hạn chế nêu trên, theo nhận định của Ban Chấp hành Trung ương, có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức và tầm nhìn của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đầy đủ, có nơi còn bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ. Đột phá về thể chế, nhất là thể chế thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển còn bất cập. Đổi mới, hoàn thiện thể chế bên trong và hội nhập với bên ngoài chưa được tiến hành đồng bộ; hội nhập quốc tế chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.

Trước yêu cầu cấp thiết trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội nước ta, có tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất: Xây dựng và ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương xác định rõ quan điểm, định hướng đổi mới về mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.

Cụ thể, Nghị quyết số 05-NQ/TW đề ra những mục tiêu cơ bản, gồm: Thứ nhất, tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Thứ hai, quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP. Thứ ba, giai đoạn 2016 - 2020, hằng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Thứ tư, đến năm 2020, tỉ trọng lao động có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 25%; tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%. Thứ năm, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30 - 35%; thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4.

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Trung ương đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản, hướng dẫn công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng, quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, biến những tư tưởng, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng thành hiện thực.

                                                                                                                                 (Còn nữa)

Bài 2: Quyết tâm thực hiện cải cách thể chế kinh tế

 

Nhóm PV Kinh tế
04/09/2020 16:47
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN