LTS - Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Di sản văn hóa được hun đúc hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, là biểu tượng của sự trường tồn; là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 với tiêu đề “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã khẳng định: Di sản vật thể và phi vật thể là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta.
Trong các văn kiện cũng như tư liệu Đảng cũng đã khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam chính là bản sắc của dân tộc, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cả về tinh thần và vật chất trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ và phong phú gồm hàng vạn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đây chính là điểm tựa tinh thần vững chắc, đồng thời là nguồn lực quan trọng, dồi dào để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế quốc gia. Thế nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân một số di sản đang bị mai một, xuống cấp trầm trọng thậm chí có nguy cơ thất truyền… Để bảo tồn, phát triển biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài duy trì “sức sống” và đánh thức tiềm năng của các di sản.
Để làm rõ hơn điều này Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin giới thiệu loạt bài “Di sản văn hóa và câu chuyện bảo tồn”.
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), hiện cả nước có hơn 40.000 di tích được đưa vào Danh mục kiểm kê, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 571 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp). Qua các đợt xét phong tặng danh hiệu năm 2015, 2019 và 2022 theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đến nay đã có 1.881 cá nhân được phong tặng, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.507 Nghệ nhân ưu tú. Ngoài ra, cả nước còn có 185 bảo tàng, gồm 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản hơn 4 triệu hiện vật; trong đó có hàng trăm hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó là gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục..., trong đó có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước...
Với số lượng di sản đồ sộ và phong phú, đây chính là những “tài sản” vô gia, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa, góp phần xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội bền vững.
Trong các văn kiện cũng như tư liệu Đảng đã khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam chính là bản sắc của dân tộc, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cả về tinh thần và vật chất trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Thực tiễn đã chứng minh hệ thống DSVH này không chỉ mang giá trị tinh thần to lớn mà đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Đặc biệt là các di sản thế giới hay các di tích, danh lam, thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống và thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Di sản văn hóa, năm 2019, chỉ riêng 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã đón khoảng 21.336.148 khách du lịch (trong đó có 10.656.114 khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng. Năm 2023, Vịnh Hạ Long (đón 2,68 triệu khách, doanh thu đạt 780 tỷ đồng), Quần thể di tích Cố đô Huế (đón 2,325 triệu khách, tổng doanh thu 355,938 tỷ đồng), Khu Phố cổ Hội An (khoảng 1,7 triệu khách, thu từ vé tham quan đạt khoảng 194,5 tỷ đồng), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (đón 696.167 khách, doanh thu đạt 278 tỷ đồng), Khu đền tháp Mỹ Sơn (đón 380.000 khách, doanh thu đạt 60,305 tỷ đồng), Hoàng thành Thăng Long đón 702.871 khách, doanh thu đạt 15 tỷ 541 triệu đồng), Quần thể danh thắng Tràng An (đón hơn 4,6 triệu khách, tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.527 tỷ đồng). Các số liệu thống kê đã cho thấy sự đóng góp to lớn của di tích nói chung, Di sản thế giới nói riêng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sự thay đổi vượt bậc này cũng hàm chứa trong đó nhiều thực tiễn điển hình của quá trình giảm nghèo, thông qua việc giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản. Ở nhiều địa phương, di sản văn hóa đã góp phần lớn trong việc dịch chuyển và thay đổi cơ cấu kinh tế.
Quan trọng là vậy nên trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định DSVH là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước về bảo tồn DSVH, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Sau này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về bảo tồn di sản văn hóa, từng bước đồng bộ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, như: Luật DSVH (2001); Luật sửa đổi, bổ sung Luật DSVH (2009); 9 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 18 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, gần đây nhất, Bộ VHTTDL đang trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi…Các địa phương trên cả nước cũng đã chủ động ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn; quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong việc phối hợp thực hiện các nội dung quy định của pháp luật về di sản văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng; 08 Di sản thế giới đã ban hành Kế hoạch quản lý, Quy chế bảo vệ của từng khu di sản. Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý thích hợp; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức xã hội, đồng thời tạo động lực định hướng cho các hoạt động này.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã căn dặn: Di sản vật thể và phi vật thể là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta.
DSVH là “tài nguyên” quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc và hình thành qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. |
Trân trọng lịch sử, trân trọng văn hóa truyền thống quý báu của cha ông cũng có nghĩa là chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng những di sản, tài sản mà cha ông để lại và phát huy, phát triển rực rỡ hơn những di sản đó, cho nó có sức sống mạnh mẽ hơn, tỏa sáng hơn. “Văn hóa còn thì dân tộc còn” chính vì vậy việc bảo tồn, tôn tạo và phát triển các DSVH có ý nghĩa sống còn đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa, hồn cốt của dân tộc.
Thấy được vai trò to lớn của DSVH đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nên trong những năm qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn phát triển DSVH. Hàng vạn DSVH phi vật thể đã được kiểm kê, nhận diện, lập hồ sơ khoa học và nhiều di sản được ghi danh ở trong nước và quốc tế. Các lễ hội được tổ chức, bảo tồn và phục dựng đáp ứng nhu cầu tinh thần của bà con nhân dân. Các nghệ sĩ, nghệ nhân và các loại hình sân khấu nghệ thuật có nguy cơ thất truyền được nhà nước chăm lo bảo tồn và duy trì sức sống mới… Tuy nhiên, những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, đặc biệt là việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong.”
DSVH mang đậm bản sắc của văn hóa các dân tộc chính vì vậy bảo tồn, phát huy DSVH cũng chính là bảo tồn "hồn cốt" của dân tộc. |
Điển hình là công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH còn nhiều bất cập. Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình DSVH phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích lịch sử vẫn còn ở mức báo động; việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả; sự hạn hẹp về kinh phí để bổ sung hiện vật cho bảo tàng; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng lấn chiếm di tích, danh lam, thắng cảnh; hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời…
Trong khi cuộc sống xã hội đang ngày càng sôi động, thì không gian dành cho các loại hình văn hóa truyền thống ngày càng bị thu hẹp hoặc bị thay đổi. Giới trẻ hiện nay số đông không hiểu hết giá trị của các DSVH, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức nghệ thuật mới, hiện đại, ít quan tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của DSVH đã có lúc trở thành nguy cơ tiềm ẩn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, việc nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập. Không những thế đôi lúc chúng ta còn lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị, trong xây dựng, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo định kỳ về tình trạng, tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh.
Đặc biệt, các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể còn hạn chế…
Có lẽ vì thế mà để duy trì “sức sống” cho các DSVH đang là vấn đề hệ trọng và cấp bách được đặt ra hiện nay. Bàn về vấn đề có tính chất nan giải nhiều năm nay, một số chuyên gia cho rằng trước hết cần nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của cán bộ quản lý đối với các DSVH. Bên cạnh đó cần nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp; sự tham gia của các cơ quan báo chí, thông tấn, truyền hình và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân và chủ thể của di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của DSVH…
Hiện nay, không ít DSVH đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. |
Thế nhưng, thiết nghĩ đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Thực tiễn đã chứng minh không ai có thể giữ gìn DSVH tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình DSVH ấy. DSVH không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Ðể có thể duy trì “sức sống” cho DSVH, chúng ta không chỉ phải bảo tồn như nó vốn có, phải để cho các DSVH được "sống", được tôn vinh, được người dân thừa nhận ngay trong chính đời sống của cộng đồng mà trước hết chúng ta cần phải tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sự hiểu biết các tri thức văn hóa nói chung và di sản văn hóa dân tộc nói riêng, từ đó khơi dậy và nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH thì ba yếu tố: kinh phí, chính sách, chuyên gia luôn là ba trụ cột quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy Nhà nước cũng cần tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân vào sự nghiệp quan trọng này. Bên cạnh đó Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, động viên hơn nữa các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị DSVH…
Bài 2: Chưa có hồi kết cho một số di sản kêu cứu
Bài 3: Biến di sản thành tài sản
Bài 4: Hoàn thiện khung pháp lý, tạo "hành lang thông thoáng" bảo tồn phát huy di sản văn hóa