Góp sức vào sự nghiệp phát triển chung của giáo dục mầm non cả nước, trong những năm qua, công tác giáo dục mầm non trong quân đội đã tạo dựng được uy tín ở trong và ngoài quân đội, là “điểm tựa” cho các gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con cái ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Các trường mầm non quân đội không chỉ dành cho con em quân nhân mà còn trở thành địa chỉ giáo dục có uy tín, được các gia đình trên địa bàn tin cậy, gửi gắm con em vào học.
Không chỉ vậy, các cơ sở giáo dục mầm non trong quân đội tại các khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển giáo dục tại địa phương, từ đó góp phần ổn định đời sống kinh tế, phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng.
Với đặc thù là đơn vị có địa bàn đứng chân trải dài 251 km trên tuyến biên giới thuộc 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và khu vực Tây Nam tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, Binh đoàn 15 (thuộc Bộ Quốc phòng) đã tập trung đầu tư, giúp đỡ các địa phương trên địa bàn đơn vị đứng chân xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội. Nổi bật là việc xây dựng hệ thống các điểm trường mầm non phục vụ cho sinh hoạt, học tập của con em người lao động trong đơn vị và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Thực tế cho thấy, mặc dù ở ở vùng biên giới, vùng xa xôi nhưng các điểm trường mầm non của Binh đoàn 15 luôn được quan tâm, hỗ trợ (trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ, mức đóng góp rất thấp,…), người dân phấn khởi, yên tâm gửi gắm con em mình. Bởi vậy, có thể khẳng định, các điểm trường mầm non này là chính là nơi “ươm mầm” cho thế hệ tương lai, là những “cột mốc sống” tại các khu vực biên giới, góp sức vững bền trong xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.
(ĐCSVN) - Với đặc thù đơn vị đứng chân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trong nhiều năm qua, Binh đoàn 15 (thuộc Bộ Quốc phòng) đã đầu tư, giúp đỡ các địa phương trên địa bàn phát triển kinh tế, làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội. Nổi bật là việc xây dựng hệ thống các điểm trường mầm non phục vụ cho sinh hoạt, học tập của con em người lao động trong đơn vị và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 đã có nhiều điều tâm huyết chia sẻ tới bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh công tác giáo dục mầm non hiện nay.
PV: Thưa đồng chí, ngoài việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, giáo dục cũng là lĩnh vực được Binh đoàn 15 đặc biệt quan tâm. Vì sao Binh đoàn 15 lại chọn cấp học mầm non để quan tâm đầu tư?
Đại tá Khuất Bá Cao: Đặc thù Binh đoàn 15 đứng chân trên 271 thôn, làng thuộc 37 xã, 09 huyện, thành phố của 4 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định); thực hiện nhiệm vụ quốc tế trên 04 xã thuộc tỉnh Rattanakiri/Vương Quốc Campuchia và 06 bản thuộc tỉnh Attapư/Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Địa bàn chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới (có 251 km đường biên giới). Hiện nay, Binh đoàn quản lý hơn 15 nghìn lao động, trong đó hơn một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số (có 28 dân tộc khác nhau). Nói về giáo dục mầm non đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa là đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Binh đoàn, vừa giúp cho địa phương nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc thù Tây Nguyên địa bàn rất rộng, đường xá đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội của Nhân dân, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn hết sức khó khăn, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế.
Từ những ngày đầu thành lập, Binh đoàn 15 đã thực hiện chủ trương phát triển sản xuất đến đâu xây dựng khu dân cư đến đó; cùng với phát triển sản xuất, Binh đoàn quan tâm xây dựng hệ thống trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, bảo đảm các cháu ở mọi lứa tuổi đều được đến trường… cùng với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với thôn, làng” từ đó hình thành những khu dân cư no ấm, yên bình nằm gần vành đai và gắn với khu vực phòng thủ trên toàn tuyến biên giới. Có thể hiểu, Binh đoàn 15 mở rộng sản xuất tới đâu thì xây dựng khu dân cư tới đó, đồng thời thành lập các điểm trường. Cụ thể là, đội sản xuất nào được mở ra thì đội đó sẽ có lớp mẫu giáo nhà trẻ, để chăm sóc nuôi dạy các cháu là con em của cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn, con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Các điểm trường mầm non trong quân đội trở thành những địa chỉ giáo dục đáng tin cậy đối với các gia đình có con nhỏ trên địa bàn (Ảnh: Việt Anh) |
Đến đầu những năm 90, Binh đoàn 15 đã bàn giao toàn bộ trường tiểu học và trung học cơ sở cho địa phương quản lý (nay chỉ còn 02 trường tiểu học và trung học nội trú đang hoàn thiện hồ sơ bàn giao). Đối với giáo dục mầm non, Binh đoàn xác định là cấp học đặt nền móng sự phát triển toàn diện cho các cháu về thể chất, tình cảm, trí tuệ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em bước vào bậc học tiếp theo. Do vậy, Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 luôn đặt giáo dục mầm non lên hàng đầu cùng với chăm sóc y tế. Người đồng bào dân tộc thiểu số thường có thói quen đi lên lô, lên rẫy địu con theo, thậm chí đi cả tuần, 10 ngày. Khi Binh đoàn mở các điểm trường, cán bộ, giáo viên làm tốt công tác tuyên truyền thì bà con yên tâm cho các cháu đi lớp, vừa được học tập, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vừa được vui chơi. Mặt khác, đó cũng là làm tốt công tác dân vận, khi bà con yên tâm đi làm, đi làm đều sẽ tạo thu nhập ổn định, từ đó sẽ gắn bó lâu dài với Binh đoàn, với địa bàn.
PV: Trong điều kiện khó khăn do giá các mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm mủ cao su xuống thấp, Binh đoàn 15 vẫn duy trì chăm sóc trẻ mầm non tốt nhất có thể. Đồng chí chia sẻ gì về điều này?
Đại tá Khuất Bá Cao: Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, giá mủ cao su không ổn định, có thời điểm giảm sâu, trong khi kinh tế của Binh đoàn dựa chủ yếu vào nông nghiệp, phụ thuộc vào giá cả thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ đầu vào tăng cao cũng phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đời sống của cán bộ, chiến sĩ, người lao động.
Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xem công tác giáo dục mầm non là một trong những mặt công tác quan trọng, là tiền đề để các gia đình cán bộ, chiến sĩ, người lao động yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với địa bàn. Việc đầu tư chăm sóc trẻ mầm non luôn được Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn quan tâm, dành những gì tốt nhất cho các cháu, trong năm 2022 Binh đoàn đã đầu mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi; nâng cấp xây mới, sửa chữa các điểm trường; lắp đặt hệ thống nước sạch…. cho các trường mầm non, nhà trẻ với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng, bên cạnh đó giáo viên còn tận dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi, làm các góc học tập, vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa đổi mới, phong phú, gần gũi, gây hứng thú cho trẻ học tập.
Cùng với gia đình, trường học chính là nơi giúp trẻ phát triển mọi mặt về thể chất và tinh thần (Ảnh: Kiều Giang) |
Chính vì vậy các trường mầm non trong toàn Binh đoàn đã huy động 100% các cháu mẫu giáo 5 tuổi đến lớp; thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định hiện hành của Bộ GD& ĐT ban hành; không ngừng đổi mới phương pháp nuôi dạy để các cháu phát triển đầy đủ, toàn diện, làm tốt công tác phổ cập trẻ trên địa bàn, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ em 5 tuổi trước khi bước vào lớp 1, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số để khi vào lớp 1 trẻ thành thạo tiếng phổ thông, hòa nhập được với các bạn. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ được các đơn vị chú trọng, quan tâm. Chế độ ăn cho trẻ đảm bảo: Đủ chất, đúng định lượng; chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống béo phì trong trường mầm non được duy trì và thực hiện nghiêm túc; thực đơn thay đổi theo ngày trong tuần, theo mùa và được cải tiến khâu chế biến thức ăn. Nâng cao chất lượng dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhà trẻ, mẫu giáo. Phối hợp với địa phương thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; ngoài ra nhiều đơn vị còn hỗ trợ thêm tiền mua đồ dùng học tập, vật dụng nhỏ, tiền ăn trưa từ 3.000-10.000 đồng/ngày/cháu cho con của cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong đơn vị; trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
PV: Có thể thấy, các trường mầm non có hơn 2000 trẻ người dân tộc thiểu số. Vậy, Binh đoàn có cách thức nào để “vận động” được bố mẹ các cháu đó tích cực gửi con đến lớp, thưa đồng chí?
Đại tá Khuất Bá Cao: Với đặc thù đơn vị đứng chân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới; cán bộ, giáo viên phải tuyên truyền, vận động con em dân tộc thiểu số đến lớp với tổng số là: 2.133 cháu; số cháu khuyết tật đến lớp là: 07 cháu. Thực hiện công bằng trong phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dân tộc, giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật được các đơn vị thường xuyên quan tâm, chú trọng, các cháu được chăm sóc chu đáo, công bằng không có sự phân biệt đối xử; đến trường các cháu được chăm sóc nuôi dạy tốt, xây dựng được mối quan hệ ứng xử thân thiện giữa các thành viên từ đó các cháu hòa nhập với cộng đồng, mạnh dạn, tự tin, biết lễ phép chào hỏi với người lớn tuổi, biết yêu thương, giúp đỡ nhau trong mọi hoạt động.
Bên cạnh công tác chuyên môn, gần 700 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại các điểm trường mầm non cũng là những tuyên truyền viên tích cực của Binh đoàn 15 trong vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tại các trường mầm non thuộc Binh đoàn 15 đạt 100%, duy trì sĩ số đạt 99,5%. Tại những đội sản xuất ở xa khu dân cư và mới thành lập của Binh đoàn 15, đa phần công nhân là những người trẻ, các gia đình đều có con nhỏ trong độ tuổi nhà trẻ - mẫu giáo. Công nhân chủ yếu là thợ khai thác mủ cao su, mà công việc khai thác mủ cao su phải dựa vào đặc điểm sinh lý của cây để khai thác theo mùa, theo từng thời điểm có thể vào lúc 1- 2h sáng. Các lớp học vào ban đêm có vai trò rất quan trọng để giúp bố mẹ yên tâm đi làm khi họ không có sự trợ giúp từ ông bà hay người thân trong việc trông nom, chăm sóc trẻ.
Cô và trò Trường mầm non Hoa Hướng Dương , xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Kiều Giang) |
Vào ban đêm, bà con đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động của Binh đoàn có khi cả gia đình cả bố, cả mẹ thậm chí đều đi cạo mủ, con cái còn nhỏ thì bắt buộc phải đi gửi nhà trẻ, mẫu giáo để yên tâm đi làm. Bất kể giờ nào, kể cả 12 giờ đêm hay 1-2 giờ sáng, khi bố mẹ đi làm thì đều đem con đi gửi lớp, từ cái truyền tay bố mẹ sang cho các cô giữa đêm khuya các con vẫn được ngủ ngon giấc đến sáng, lại một vòng tròn của ngày mới bắt đầu….Bởi vậy, với Binh đoàn 15, nếu không tổ chức những lớp học đêm khuya như vậy thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ lao động, sản xuất, kinh doanh, cũng là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Binh đoàn.
Mặc dù còn không ít những khó khăn, thách thức nhưng cán bộ, giáo viên và nhân viên đã một lòng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, cùng với đơn vị khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần ươm những mầm non phục vụ cho sự phát triển của quê hương đất nước trong thời kỳ mới.
PV: Xin trân trọng cám ơn Đại tá!./.
Bài 2: Địa chỉ giáo dục tin cậy của người dân vùng biên
Bài 3: Những lớp học lúc 0 giờ
Bài 4: Cô giáo vùng biên hết lòng vì con trẻ
Bài 5: Giáo dục mầm non quân đội góp sức vào sự nghiệp giáo dục chung của cả nước
(Còn nữa)