Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 1: Những phát hiện nổi bật qua kiểm toán ngân sách địa phương

Thứ Năm, 16/05/2024 09:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách, minh bạch hóa, lành mạnh hóa nền tài chính công tại địa phương.

Phát hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý tài chính công

Thực hiện chức năng được giao, hàng năm, KTNN đã tập trung kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là nguồn ngân sách địa phương. Thông qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế, tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại nhiều địa phương.

Kiểm toán viên nhà nước tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: KTNN

Cụ thể, về công tác quản lý thu NSNN, qua kiểm toán cho thấy, có tình trạng phổ biến là địa phương thường lập dự toán thu NSNN thấp hơn khả năng thu thực tế; phân cấp nguồn thu cho ngân sách cấp huyện không đủ để ngân sách cấp huyện chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao theo đúng quy định, dẫn tới tình trạng hầu hết các huyện, kể cả các thành phố trực thuộc tỉnh cũng phải nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách cấp tỉnh.

Về quản lý chi NSNN, qua kiểm toán cho thấy, các địa phương còn tình trạng giao dự toán chi NSNN cho ngân sách cấp dưới và các đơn vị dự toán cấp tỉnh chưa tuân thủ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; giao dự toán cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo định mức, mà không căn cứ vào dự toán chi và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để xác định mức tự chủ và số NSNN cấp hàng năm hoặc xác định sai mức tự chủ, dẫn tới cấp thừa kinh phí cho đơn vị. Bên cạnh đó, có địa phương giao dự toán tiền lương theo hệ số lương bình quân, cao hơn mức trung bình của lương thực tế theo cấp bậc, chức vụ, dẫn tới thừa kinh phí; cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương, có trường hợp cấp thêm kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập để chi thu nhập tăng thêm không đúng quy định…

Một số đơn vị sự nghiệp có thu chưa thực hiện nghĩa vụ với NSNN theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; một số địa phương còn tình trạng bố trí vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng mới các công trình; sử dụng nguồn tăng thu ngân sách chưa đúng nguyên tắc và thứ tự ưu tiên; chi chuyển nguồn sai quy định; xử lý kết dư không quy định, không ưu tiên trả nợ và lãi vay, không trích 50% bổ sung quỹ dự trữ tài chính theo quy định.

Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển, qua kiểm toán cũng cho thấy, các dự án đầu tư công được duyệt còn nhiều hạn chế, tồn tại và sai sót, như: Xác định quy mô, giải pháp thiết kế không hợp lý, không phù hợp với quy định dẫn đến tình trạng trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian đầu tư và làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình; nhiều dự án tính sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá, xác định cấp đất, cấp đá, cự ly vận chuyển không chính xác, giải pháp thi công không hợp lý làm dự toán được duyệt, dự toán trúng thầu tăng cao không hợp lý, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư...

 Đơn cử như năm 2023, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra những sai sót điển hình trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư. Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư (CTĐT): Phê duyệt CTĐT chưa đầy đủ nội dung, trước khi có quy hoạch, không phù hợp quy hoạch ngành, vùng; chưa đúng thẩm quyền, quy định và còn thiếu sót; chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công khi chưa có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền (Như Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp: HĐND tỉnh An Giang quyết định CTĐT chuyển đổi hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công trước khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ)…

Công tác lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ nội dung, đưa ra tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của một số nhà thầu, chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế; hồ sơ mời thầu xác định hình thức hợp đồng trọn gói chưa phù hợp quy định; tiên lượng mời thầu sai so với thiết kế. Tỷ lệ tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng chưa đảm bảo quy định...

 Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần đưa chất lượng quản lý tài chính công, tài sản công ngày càng tốt hơn, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị được kiểm toán đã tăng lên rõ rệt.

Từ thực tiễn kiểm toán trên địa bàn, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết, hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã được kiểm toán đều có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Minh chứng rõ nhất là kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng được các đơn vị nghiêm túc thực hiện; tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước; các sai sót được đoàn kiểm toán chỉ ra các năm trước dần được chấn chỉnh và không còn lặp lại trong lần kiểm toán sau…

Nhấn mạnh các phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán, hàng loạt văn bản có liên quan đến chính sách, chế độ quản lý tài chính công, tài sản công đã được đề nghị hủy bỏ, bổ sung. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, một mặt, KTNN phải dựa vào hệ thống văn bản này để kiểm toán tính tuân thủ; mặt khác, cũng chính từ đó mà phát hiện sự không còn phù hợp, sự bất cập, thậm chí là vô lý... của những quy định trong các văn bản đó. Từ đây, nhiều văn bản đã được đơn vị đề nghị sửa đổi, bổ sung, kể cả huỷ bỏ cho phù hợp với thực tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, công tác kiểm toán nói chung, các Báo cáo kiểm toán nói riêng là một trong những căn cứ rất quan trọng giúp cho TP. Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước một cách hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra.

“Kết quả kiểm toán và báo cáo kiểm toán đã giúp cho Thành phố, lãnh đạo Thành phố có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn trong công tác quản lý, phát triển kinh tế, đặc biệt là việc khai thác, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Đối với các đơn vị khi được kiểm toán cũng giúp nhận ra những vấn đề chưa đầy đủ, còn sai sót để kịp thời khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - ông Hải đánh giá.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Để có được những phát hiện, kiến nghị kiểm toán nổi bật, trong suốt hành trình vừa qua, KTNN đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ đối với công tác kiểm toán.

 Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn (Ảnh: N.Lộc)

Đơn cử, theo KTNN khu vực VI, kết quả kiểm toán được ghi nhận qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển của KTNN khu vực VI không chỉ dừng lại ở con số tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước, mà còn giúp các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý tài chính ngân sách, đưa công tác quản lý tài chính, kế toán vào nề nếp, góp phần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công.

Theo đó, tại đơn vị tần suất kiểm toán NSĐP hàng năm đã được rút ngắn. Thời kỳ đầu mới thành lập, KTNN Khu vực VI thực hiện kiểm toán NSĐP các tỉnh, thành phố 2 năm một lần. Từ năm 2013 kiểm toán NSĐP thành phố Hải Phòng hàng năm và từ năm 2014 kiểm toán NSĐP tỉnh Quảng Ninh hàng năm.

Hiện nay, KTNN khu vực VI đã có đủ năng lực thực hiện kiểm toán NSĐP 05 tỉnh trên địa bàn được giao quản lý hàng năm. Đơn vị đã từng bước cơ bản thực hiện đầy đủ cả 3 loại hình kiểm toán: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động trong kiểm toán NSĐP. Kết quả kiểm toán đã cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các chức năng kiểm tra, giám sát, quyết định trong quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; xác nhận báo cáo quyết toán vốn đầu tư các dự án xây dựng cơ bản, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng ngân sách nhằm cung cấp thông tin khách quan, trung thực và nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, tài sản công...

Chia sẻ về những điểm đổi mới tích cực của KTNN để không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán tại địa phương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn nhấn mạnh, trong những năm gần đây, việc đổi mới hoạt động kiểm toán càng được thể hiện rất rõ ràng, quyết liệt, mạnh mẽ. Ban cán sự đảng KTNN cũng như Tổng Kiểm toán nhà nước luôn có những chủ trương đổi mới hoạt động kiểm toán nhằm thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình; giúp địa phương thực hiện tốt việc quản lý tài chính công, tài sản công và thực hiện được các mục tiêu của hoạt động kiểm toán; đặc biệt là góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, số lượng cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách ngày càng tăng, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý và yêu cầu phát triển của ngành KTNN đã cho thấy sự nỗ lực nhằm đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán của KTNN. Tại các địa phương, các cuộc kiểm toán chuyên đề cũng được thực hiện theo các mục tiêu riêng biệt như: Chuyên đề quản lý và sử dụng đất đai khu đô thị, quản lý tài nguyên, khoáng sản; chuyên đề đánh giá quản lý cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục; chương trình giảm nghèo bền vững, nông thôn mới...

Còn theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động kiểm toán, đơn vị đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong toàn đơn vị. Ngược lại, thông qua hoạt động kiểm toán, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức, kiểm toán viên đã không ngừng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ./.

Minh Duyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN