LTS: Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động ngày càng gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, trong đó có việc đưa những thông tin giả, xuyên tạc, bịa đặt về công tác nhân sự, các dự thảo văn kiện, công tác tổ chức, bầu cử,… Bởi vậy, nhận diện để đấu tranh, bác bỏ những luận điệu, quan điểm sai trái, phản động, những thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng là việc cấp bách của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức đảng cũng như mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “Đập tan những âm mưu chống phá Đại hội XIII của Đảng”.
Bài 1: Nhận diện những thủ đoạn chống phá trước thềm Đại hội
(ĐCSVN) – Các thế lực thù địch luôn lợi dụng mỗi khi đất nước ta có các sự kiện chính trị quan trọng để tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng. Âm mưu của chúng không mới nhưng những phương thức, thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, nham hiểm hơn.
Lợi dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin bịa đặt
Những năm gần đây, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng diễn ra trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Ở từng thời điểm cụ thể, lợi dụng những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, những vấn đề phức tạp nảy sinh từ thực tiễn của đời sống xã hội, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động chống phá, nhằm vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng bằng những âm mưu, thủ đoạn rất thâm độc, nhất là khi Đảng ta quyết tâm, chủ động đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, làm trong sạch chính trị nội bộ Đảng, tăng cường uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng. Trước sự quyết tâm ấy, các thế lực thù địch lại càng điên cuồng, ráo riết hơn. Chúng không từ một thủ đoạn nào, ra sức bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt hòng cản trở sự nghiệp cách mạng và công cuộc Đổi mới, xây dựng đất nước của Đảng và nhân dân ta.
Lợi dụng mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đã lập ra những trang web giả mạo tuyên truyền về Đảng Cộng sản Việt Nam |
Điểm mới hiện nay là chúng triệt để lợi dụng không gian mạng để tung các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đây được coi là vùng “lãnh thổ đặc biệt” đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê đến tháng 1/2020, trong số 96,9 triệu dân cả nước có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) dùng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á; 65 triệu người (chiếm 67% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong 10 nước có số người dùng Youtube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% người dùng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên.
Theo ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong khoảng 5 năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành "mặt trận" chính của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ ta. Khi sự phát triển của công nghệ làm cho mạng xã hội ngày càng có nhiều tính năng, tiện ích trong việc chia sẻ, lan tỏa thông tin thì đây cũng ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu cho những kẻ xấu lợi dụng.
Đặc biệt, trước, trong và sau khi diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội nghị Trung ương... thì tình trạng thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước lại có chiều hướng tăng vọt trên mạng xã hội.
Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho hơn 700 mạng xã hội trong nước, trong đó có các mạng như: VCNet, Otofun, Webtretho, Gapo, Lotus... Trong số đó, VCNet có trên 2 triệu tài khoản. Số mạng còn lại ít người sử dụng, lượng tương tác thấp. Trong khi đó, người dân Việt Nam rất thích sử dụng 2 mạng xuyên biên giới là Facebook và Youtube. Đây là hai mạng xã hội thu hút đông đảo người sử dụng, là nơi hình thành những luồng dư luận lớn, thường bị các thế lực thù địch lợi dụng cho việc tung các tin đồn không đúng sự thật.
Ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) |
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, hiện nay, qua theo dõi công tác quản lý nhà nước, có thể thấy các thế lực thù địch lợi dụng Facebook, Youtube, Google chủ yếu tập trung vào một số cách:
Trên Facebook, các thế lực thù địch sử dụng tính năng quảng cáo để thực hiện hoạt động quảng cáo chính trị, phát tán các nội dung sai sự thật, chống phá Đảng Nhà nước, đặc biệt là nói xấu, bôi nhọ tổ chức, cá nhân để chống phá công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng. Quảng cáo chính trị của Facebook có đặc điểm là một người bất kỳ có thể đăng ký tài khoản và có thể mua quảng cáo thông qua thẻ quốc tế như Visa và Master rồi sau đó có thể đăng bất cứ nội dung gì. Nhờ vào việc Facebook có quảng cáo mục tiêu (tức là chọn được những đối tượng cần hiển thị nội dung quảng cáo chính xác) nên khi các thế lực thù địch đưa thông điệp nói xấu, vu khống, bôi nhọ một người nào đó thì khả năng tác động vào người xem rất dễ dàng. Facebook cho phép những tổ chức phản động (mà Nhà nước Việt Nam đã liệt kê, Bộ Công an đưa vào danh sách khủng bố như Việt Tân, tổ chức của Đào Minh Quân…) lập các trang cộng đồng và liên tục đăng bài chống phá Việt Nam.
Trong khi đó, kênh YouTube vẫn để các đối tượng phản động, chống phá liên tục đăng tải những video nói xấu bôi nhọ Việt Nam. YouTube có cách khác với Facebook là cho phép tính năng gợi ý với người dùng để xem những nội dung mà người dùng quan tâm hoặc đã xem. Tính năng này khiến những video clip phản động phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội. Mặc dù Chính phủ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần yêu cầu YouTube không phát tán, lan tỏa tính năng gợi ý này nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Trong nhiều trường hợp, Youtube, Google… đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật nhưng sau đó họ lại cho phép đăng tải lại những nội dung đó rất dễ dàng, nên việc xử lý không triệt để - ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Tuyên truyền phá hoại bằng nhiều thủ đoạn tinh vi
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động tập trung lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, khai thác thông tin trên báo chí chính thống về những vụ việc tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội để hư cấu, xuyên tạc, thổi phồng, lấy hiện tượng quy kết thành bản chất, đăng tải thông tin thật - giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để tuyên truyền, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
Nhiều cá nhân đã đăng tải những thông tin xuyên tạc , làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng |
Chúng thường tung ra những thông tin bịa đặt về bí mật nội bộ Đảng nhằm tác động, làm gia tăng các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, qua đó tác động, thẩm thấu vào một bộ phận cán bộ lão thành cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ để chính họ bộc lộ, đưa ra những quan điểm không đồng thuận, phản biện vô nguyên tắc, phản đối gay gắt với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi từ bỏ Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin. Thúc đẩy lối sống thực dụng, tư tưởng bất mãn, văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, băng hoại đạo đức xã hội.
Theo Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, trong thời gian qua, các tổ chức phản động ở bên ngoài tiếp tục duy trì, lập mới hàng nghìn website, blog, fanpage Facebook nhằm đẩy mạnh chiến dịch “chiến tranh tâm lý”, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân đối với chế độ.
Trong 5 năm qua, đặc biệt trong thời gian Đảng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII, chúng tập trung vào một số hoạt động sau:
Tạo lập hàng ngàn trang mạng xã hội, mới nhất là các kênh YouTube Nguyễn Văn Đài, Lê Dũng Vova,… trong đó nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức có uy tín, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường, dân sinh để thu hút người đọc, qua đó lan truyền các nội dung chống Đảng, Nhà nước.
Sử dụng các đài, báo bên ngoài kết hợp các kênh mạng xã hội để viết bài, cắt ghép, nhào nặn video xuyên tạc, phê phán Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.
Lan toả các thông tin lượm lặt từ báo chí trong nước và từ tài khoản Facebook của một số cá nhân có quan điểm cực đoan trong nước nhằm phê phán chính quyền, Đại hội Đảng các cấp.
Tổ chức soạn thảo, phát tán “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”, “đơn kêu cứu”,… để thu hút sự chú ý của dư luận, cổ súy hoạt động của một số đối tượng có quan điểm cực đoan. Tổ chức các chương trình, tọa đàm, phỏng vấn một số đối tượng chống đối, một số luật sư có tư tưởng phức tạp, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành để tuyên truyền gây mất đoàn kết nội bộ, hình thành dư luận “lề trái”…
Điểm mới trong phương thức, thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng so với 5 năm trước là: Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, ứng dụng các loại hình dịch vụ mới trên không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin sai trái, thù địch trên diện rộng với nhiều bình luận phức tạp. Sử dụng ứng dụng thoại trên internet, thư điện tử, phần mềm chuyên dụng, mạng xã hội để hoạt động chống phá. Chúng lập các nhóm kín trên mạng xã hội phân chia theo khu vực địa lý để tập hợp lực lượng trong nước tham gia tổ chức, chỉ đạo chống phá. Các đối tượng chống đối, bất mãn, khiếu kiện, lợi dụng tôn giáo thường xuyên liên hệ, trao đổi qua mạng với các đối tượng phản động lưu vong để nhận sự giúp đỡ hoặc trả lời phỏng vấn, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.
Các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Ảnh minh họa) |
Theo ông Lê Quang Tự Do, sự phát triển quá nhanh của công nghệ khiến những quy định của pháp luật hiện nay chưa theo kịp. Ví dụ, có những tính năng mới xuất hiện mà chưa có quy định cụ thể để quản lý như livestream hoặc nhiều biến đổi từ mạng xã hội trở thành một nền tảng đa dịch vụ. Mạng xã hội chỉ là một dịch vụ trong số đó nên những quy định của pháp luật chưa đầy đủ. Bởi vậy theo ông, cần cập nhật, bổ sung các quy định, tuy nhiên quy trình sửa đổi, bổ sung luật cần có nhiều thời gian.
Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, các thế lực thù địch đang coi mạng xã hội là "mặt trận" chống phá chính hiện nay, đặc biệt là về tư tưởng, nhận thức, đồng thời có nhiều công cụ tiện ích từ không gian mạng để phát tán thông tin xấu độc nên việc ngăn chặn gỡ bỏ, giảm thiểu tác hại gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, nếu phát tán một tờ truyền đơn thì thu hồi là hết, còn trên mạng xã hội thì không thể thu hồi triệt để được.
Do vậy, trước những thủ đoạn tinh vi mà các thế lực thù địch đang sử dụng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì sự tỉnh táo, bản lĩnh của người dân là rất cần thiết để những luồng thông tin xấu độc không có cơ hội để phát tán sâu rộng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
(còn nữa)
Bài 2: Cần tỉnh táo trước các chiêu trò của thế lực thù địch