LTS: Trong những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, xét xử trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trở thành một yêu cầu tất yếu của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Trong thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đạt được những chuyển biến tích cực, kết quả thu hồi tài sản mặc dù năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn thấp, là một trong những hạn chế, thách thức trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.
Từ kết quả thu hồi tài sản tham nhũng và các vụ án xét xử tham nhũng gần đây cho thấy cần nhận diện rõ thực trạng công tác, thể chế thu hồi tài sản tham nhũng, từ đó làm rõ những nguyên nhân gốc rễ, hạn chế, vướng mắc; trên cơ sở này đề xuất những giải pháp căn cơ, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” pháp luật để “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Bài 1: Nhận diện chế định thu hồi tài sản tham nhũng
(ĐCSVN) – Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước là rất lớn, nghiêm trọng nhưng giá trị tài sản tham nhũng thu hồi lại rất thấp. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/6/2022 |
Trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng đã không ngừng được hoàn thiện... Nhiều đạo luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng..., tạo cơ sở pháp lý cho việc điều tra, truy tố, xét xử, xử lý thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo đã được thể hiện qua nhiều Văn kiện của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”.
Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”. Đặc biệt, ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc 07 nhiệm vụ, giải pháp, nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Bên cạnh đó, Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) và Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 có nhiều điểm mới, trong đó trọng tâm là quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Luật quy định: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật” (Khoản 3, Điều 4) và “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng; tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước; người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ” (Điều 70). Đối với vấn đề thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài, Điều 71 Luật PCTN quy định: “Trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hợp tác với Chính phủ nước ngoài trong việc thu hồi tài sản của Việt Nam hoặc của nước ngoài bị tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp”.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng được nêu tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), “chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tàisản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Những văn bản chỉ đạo trên thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện thể chế pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta những năm qua. Điều này cũng được hiện thực hóa, hành động hóa qua kết quả thực tế trong các báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thi hành án dân sự các cấp.
Nếu trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, thì đến giai đoạn 2013-2020 kết quả bình quân đã đạt hơn 26%. Đặc biệt là năm 2019 và năm 2020, khi có sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo đã thành lập 05 Đoàn kiểm tra tại nhiều địa phương, bộ, ngành để kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thu hồi tài sản, từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn và chỉ đạo khắc phục, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo năm 2020 thu hồi bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây. Tính cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%.
Một số vụ việc điển hình đã thu hồi được số tiền lớn trong thời gian qua như: Vụ Hứa Thị Phấn, cho đến nay đã thu hồi được hơn 12.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh, đã thu hồi được trên 5.405 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2021, VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,6 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thu tiền thi hành án từ nước ngoài. Đặc biệt, trong vụ án AVG, cơ quan chức năng đã thu hồi được 100% số tiền thất thoát (hơn 8.000 tỷ đồng).
Cùng với việc chứng minh tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực chủ động áp dụng các biện pháp truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, hạn chế để các đối tượng có liên quan tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội giao nộp tài sản để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Mới đây nhất, liên quan đến Vụ Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kịp thời phong tỏa, ngăn chặn, kê biên thu hồi tài sản của các bị can, đối tượng có liên quan trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra mới đây ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Trong đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt. Qua đó, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Từ thực tiễn công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua, có thể thấy sự quan tâm, quyết tâm rất cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN mà trực tiếp, thường xuyên là đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo đối với công tác này; sự nhất quán, quyết liệt trong nhận thức và hành động từ Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương… đã tạo ra bước chuyển lớn trong nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ thu hồi tài sản ngày càng rõ. Từ chuyển biến về nhận thức đã tạo ra những cú huých quan trọng trong hành động, đến kết quả như ngày hôm nay.
Những biện pháp quyết liệt được Đảng, Nhà nước thực hiện thời gian qua mặc dù đã tạo nên những chuyển biến rõ rệt, đáng ghi nhận trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng song cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn thấp, chưa mang tính bền vững, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chuyến tàu “vét” Mobifone mua 95% cổ phần AVG trước khi cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son về hưu ít ngày đã khiến hai cựu Bộ trưởng Bộ này là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn lĩnh án tù và thu hồi được 100% số tiền tham nhũng, chỉ là một điểm sáng nhỏ trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Nhìn lại con số cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) mới chỉ thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, như vậy còn khoảng hơn 120 nghìn tỷ đồng chưa được thu hồi; trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi còn gần 70.000 tỷ đồng cần được thu hồi. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.
Vậy vì sao dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn thấp?.
Chúng ta sẽ cùng phân tích, mổ xẻ nguyên nhân vấn đề này trong bài tiếp theo…
Bài 2: Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng còn "trầy trật"?
Bài 3: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ quá trình thanh tra, kiểm tra
Bài 4: Thu hồi tài sản tham nhũng có thể không cần qua thủ tục kết tội