Bài 1: Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) góp phần tạo nguồn lực phát triển đất nước
(ĐCSVN) - Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV diễn ra tháng 1 năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013. Để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với 2 khách mời:
- Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
- Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quang cảnh cuộc Tọa đàm. |
Phóng viên (PV): Thưa ông Phan Đức Hiếu, trong một cuộc tọa đàm về Luật Đất đai 2024 mới diễn ra hồi cuối tháng 1 vừa qua, ông có nêu quan điểm rằng Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần làm nên diện mạo của quốc gia. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Ông Phan Đức Hiếu: Đúng là khi sửa đổi Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cơ quan soạn thảo, Quốc hội, Chính phủ đều đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng. Trong đó có kỳ vọng là Luật Đất đai 2024 cùng với các luật khác sẽ góp phần làm nên sự phát triển kinh tế, xã hội với một diện mạo mới. Tại sao tôi lại nói Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần làm nên diện mạo của quốc gia? Trước hết ở góc độ về mặt kinh tế, xã hội, như chúng ta biết, lần này sửa Luật Đất đai, Quốc hội, Chính phủ cũng như tất cả các cơ quan soạn thảo, người dân và cử tri đều mong muốn đất đai trở thành một nguồn lực quan trọng, đầu vào cho mọi hoạt động xã hội, kinh tế. Và như vậy thì nguồn lực này phải được sử dụng làm sao cho hiệu quả nhất và đóng góp được nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ở khía cạnh đất đai là một nguồn lực, là tài nguyên đầu vào cho mọi hoạt động xã hội và kinh tế, thì sự đóng góp đó phải tạo ra một diện mạo, một sự tăng trưởng và phát triển từ nguồn lực quan trọng này. Còn kỳ vọng thứ hai, đó là diện mạo về mặt không gian, về mặt tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội. Như chúng ta biết mọi hoạt động xã hội, mọi hoạt động kinh tế và mọi hoạt động của con người, tôi gọi cơ bản là diễn ra trên một không gian là mặt đất. Một số thì dưới lòng đất, cũng liên quan đến đất. Do vậy, nếu như chúng ta không tổ chức việc sử dụng đất đai một cách khoa học, tổ chức một cách có tổ chức, có sắp xếp “ngăn nắp”, thì nói một cách nôm na có thể “lộn xộn”, thậm chí phát triển theo hướng mà không như mong muốn, không có logic và khi đó sẽ hình thành nên những diện mạo mà chúng ta nhìn thấy là nó không đẹp, không tiện ích cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
Do vậy, lần này rất nhiều các quy định của Luật Đất Đai được sửa. Ví dụ như vấn đề về quy hoạch, các cơ chế về đất, về chuyển đổi, các cơ chế về thúc đẩy sử dụng đất có hiệu quả... Rõ ràng, ở khía cạnh thứ 2, lần này, Luật Đất đai kỳ vọng tạo ra một diện mạo quốc gia về mặt không gian, bố trí làm sao một cách khoa học, ngăn nắp, có tổ chức, có tính hiệu quả cho các hoạt động về mặt xã hội, về mặt kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
PV: Thưa ông Nguyễn Đình Thọ, ông có thể nêu chi tiết hơn về một số điểm mới và quy định mới của Luật Đất Đai (sửa đổi) lần này mà ông cho rằng người dân đặc biệt quan tâm?
Ông Nguyễn Đình Thọ: Có thể nói, Luật Đất Đai lần này đã chỉnh sửa căn bản, hầu hết tất cả các nội dung liên quan đến đất đai. Từ giao đất, cho thuê đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đấu giá đất, đấu thầu sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất cùng với cả các quy định liên quan đến đăng ký và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.
Một trong những nội dung quan trọng nhất mà Luật Đất đai vừa thông qua liên quan đến việc bỏ khung giá đất và sẽ được định giá đất theo nguyên tắc thị trường và bảng giá đất của các tỉnh không bị giới hạn bởi khung giá đất như trước đây. Bên cạnh đó, các quy định về kế hoạch sử dụng đất đã được phân cấp xuống tới địa phương để giao thêm quyền tự chủ cho các địa phương và quy hoạch dọc theo các hướng tuyến giao thông cũng như để phục vụ cho việc thu hồi đất ở các vùng phụ cận hai bên các công trình hạ tầng. Tất cả những nội dung này đã được đưa vào trong quy hoạch sử dụng đất.
Bên cạnh đó, quy định về giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là quy định liên quan tới đấu giá, đấu thầu. Lần này, đã đưa quy định đấu thầu vào trong Luật Đất đai để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có hai quy định là giao đất không thông qua đấu giá và giao đất thông qua đấu giá. Đây là một quy định quan trọng để có thể gỡ được những ách tắc trong thời gian vừa qua.
Cùng với các quy định liên quan tới giá đất, liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư đã thể chế hóa, Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, khẳng định rằng người có đất bị thu hồi sẽ có quyền lợi bằng hoặc tốt hơn so với trước đây về điều kiện sống cũng như về cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc sống, về trường học, bệnh viện, các cơ sở hạ tầng về kỹ thuật và về xã hội để đảm bảo cho người có đất bị thu hồi ở khu tái định cư mới được tốt hơn. Và quy định về việc đảm bảo ổn định chỗ ở cho người dân có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất và đồng thời bố trí chỗ ở cho người dân trong thời gian chờ đợi đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai 2024.
Mặt khác, trong tất cả các quy định liên quan đến giá đất, quy hoạch, kế hoạch thu hồi bồi thường, để có công cụ thực hiện nội dung đó, Luật Đất đai cũng chỉ rõ cách thức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đổi mới công nghệ trong việc quản lý đất đai và tìm cách để chúng ta kết nối giữa cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ cho công tác quản lý đất đai trong thời gian tới được tốt hơn.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
PV: Như những gì mà hai vị khách mời vừa chia sẻ thì Luật Đất đai vừa được thông qua có rất nhiều điểm mới và quy định mới, trong đó thì không ít những nội dung tác động trực tiếp đến người dân. Xin được hỏi ông Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại như thế nào trong công tác quản lý và sử dụng đất?
Ông Phan Đức Hiếu: Đúng là nếu như liệt kê ra các vướng mắc thì có lẽ cũng rất nhiều vướng mắc, hạn chế, yếu kém hay là bất cập của Luật Đất đai hiện hành đã được nhận diện, phân tích, đánh giá và đâu đó cũng đã được sửa đổi trong Luật Đất đai 2024 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó. Báo cáo đánh giá tổng kết thi hành Luật Đất đai của Chính phủ cũng đã nêu ra cụ thể, chi tiết các vấn đề đó. Nhưng có lẽ để hiểu một cách chung nhất, căn cơ nhất thì tôi nhìn thấy có hai nhóm bất cập, vướng mắc, tồn tại mà Luật Đất đai 2024 lần này có mục tiêu và cả những thể chế hóa bằng các quy định cụ thể để khắc phục những khó khăn vướng mắc đó.
Nhóm thứ nhất, chúng ta biết đó là bản thân một số quy định hiện hành, một số quy chế tôi gọi là chính sách hiện hành thì sau một thời gian thực thi, sự thay đổi của thực tiễn bắt đầu mới phát hiện ra tính phù hợp, không phù hợp, rồi tính hợp lý hay không hợp lý, khi đó phát sinh một số vấn đề gọi là bất cập nội tại của các quy định hiện hành. Tức là quy định đó vẫn cần thiết nhưng có thể có một dư địa để hoàn thiện một cách tốt hơn, tạo thuận lợi hơn.
Nhưng bất cập thứ hai mà Luật Đất đai lần này cũng nhắm tới là bây giờ với một yêu cầu mới, một đòi hỏi mới của sự phát triển kinh tế - xã hội thì Luật cần phải giải quyết cả những vấn đề mới. Chứ không phải chỉ những nền tảng cũ mà ta gọi là sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập, tôi có thể liệt kê ra một số điểm như thế này.
Với những quy định mà ta gọi là để giải quyết những bất cập hiện hành của Luật Đất đai 2013 thì có thể có mấy nhóm quy định sau. Điểm thứ nhất là một số những quy định mà nó không phù hợp hoặc là tạo ra một số những rào cản về mặt hành chính trong việc thực hiện thủ tục. Như vậy nó chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong việc tham gia vào các quan hệ đất đai, như chuyển nhượng, làm các thủ tục hành chính, cấp giấy, rồi làm các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất v.v. Thì có thể những yêu cầu về hồ sơ mà theo tôi nó quá mức cần thiết hay còn gọi là quy trình thủ tục nó phức tạp, rườm rà hoặc thậm chí phải thực hiện những thủ tục mà sau khi Luật Đất đai này rà soát ra mới thấy là thực sự không cần thiết thì có thể phải bãi bỏ.
Đấy là một số bất cập mà lần này Luật Đất đai 2024 đều muốn hướng đến đơn giản hóa các hồ sơ, giấy tờ, trình tự thủ tục, bổ sung các quy định và các yêu cầu về hồ sơ giấy tờ làm sao phù hợp với thực tiễn, tính chất, bản chất lịch sử sử dụng đất đai.
Điểm thứ hai, tôi cho rằng là một số chế độ, chính sách mà liên quan đến việc sử dụng đất chưa thực sự phù hợp, đặc biệt là trong việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì lần này Luật hoàn thiện. Đặc biệt là chế định về thu hồi đất, chế định về bồi thường tái định cư thì phần này ông Nguyễn Đình Thọ cũng vừa nêu.
Nhưng điểm thứ ba cũng rất quan trọng, chúng ta đều biết rằng là trong quá trình thực thi pháp luật thì sự tương thích, đồng bộ giữa các luật là rất quan trọng và đang là một rào cản rất lớn. Lần này, Luật Đất đai cũng tập trung đảm bảo Luật mới được ban hành hành thì phải đảm bảo sự đồng bộ, tương thích với lại tất cả các luật khác có liên quan để tránh sự trùng trèo, trùng lập.
Nhóm thứ hai là Luật Đất đai cũng bổ sung rất nhiều quy định để làm sao đưa đất đai trở thành một nguồn lực đáp ứng yêu cầu mới của sự phát triển. Luật Đất đai lần này bổ sung các định chế nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người dân đối với quyền sử dụng đất; phát triển các quỹ đất mới, các cơ hội mới để đưa các quỹ đất chưa sử dụng vào sử dụng, ví dụ như quỹ đất từ hoạt động biển; các quỹ đất trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội... Luật mở rộng đối tượng, các cơ chế để người dân có thể tạo thêm giá trị gia tăng trong việc sử dụng đất của mình. Nếu gọi là bất cập thì không hẳn vậy, nhưng đó là những yêu cầu mới trong việc sử dụng đất đai một cách có hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này được “gia cố” rất nhiều trong Luật Đất đai sửa đổi 2024.
Hai vị khách mời chia sẻ tại chương trình. |
PV: Thưa ông Nguyễn Đình Thọ, Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Thọ: Có thể nói là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thì về cơ bản vẫn như trước đây, đó là chúng ta cấm các hành vi xâm phạm quyền lợi của Nhà nước cũng như là làm trái quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, lần này trong Luật Đất đai thì chúng ta quy định cụ thể những trường hợp ưu tiên đặc biệt để bảo vệ. Ví dụ như đối với vi phạm các quy định liên quan đến chế độ sử dụng đất, liên quan đến người dân tộc thiếu số và các quy định liên quan đến nghĩa vụ của người sử dụng đất là phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như là công khai thông tin và thực hiện việc đăng ký sử dụng đất… Những quy định này nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể bảo hộ được quyền sử dụng đất của mình, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng có đầy đủ cơ sở dữ liệu để thực hiện công tác quản lý nhà nước tốt hơn. Và những quy định liên quan đến chế độ sử dụng đất cho người dân tộc thiếu số đã được thể chế qua quy định và quy định cấm trong Luật Đất đai 2024.
Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai gồm: Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai; Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai; Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật; Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất; Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật; Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.../.
(Còn nữa)