LTS: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tiếp tục khẳng định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.
Để xây dựng bền vững “trụ đỡ” của nền kinh tế, khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, nhất là khi nền nông nghiệp đang chuyển từ nâu sang xanh. Thực tế, con đường “phủ” tri thức, khoa học công nghệ trên những cánh đồng đã gặt nhiều quả ngọt. Song nhìn một cách tổng thể cũng đang gặp nhiều thách thức, rào cản cần tháo gỡ để hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ và vươn ra thị trường xuất khẩu với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn.
Bài 1: Không thể thiếu vai trò khoa học công nghệ trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững
(ĐCSVN) - Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô…
Từ những "con số biết nói"...
Năm 2022, ngành nông nghiệp cán đích bằng những con số ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Nhìn xa hơn, từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô… Những kết quả đạt được đã làm sâu sắc vai trò của ngành nông nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và các vấn đề xã hội.
Để có được những thành công trên, chắc chắn có sự đóng góp vô cùng to lớn của khoa học công nghệ.
Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), các chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch COVID-19.
Thông qua Chương trình sản phẩm quốc gia giúp nhân rộng phát triển 18 giống lúa chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam cùng với các gói kỹ thuật tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất từ 17,5-36,9%; đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp 12 giống nấm mới; phát triển sản xuất đối với 13 giống cà phê vối, 4 giống cà phê chè chất lượng cao áp dụng gói kỹ thuật GAP/BAP.
Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp…
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới.
Những con số định lượng cụ thể để minh chứng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông lâm thuỷ sản mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường cũng đã được đưa ra tại Báo cáo toàn cảnh hợp tác xã nông nghiệp 2022. Đơn cử như ứng dụng tưới tự động cho cây sầu riêng có thể giảm 95% công lao động sử dụng và giảm lượng nước tưới khoảng 30%. Áp dụng tưới nhỏ giọt trong nhà màng cho dưa lưới có thể giảm 46% chi phí sản xuất. Một số HTX áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho lúa bằng thiết bị bay không người lái có thể giảm chi phí BVTV 20-30% do giảm lượng thuốc BVTV sử dụng…
Do mang lại lợi ích cao nên ngày càng nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Số lượng HTXNN ứng dụng công nghệ cao đã tăng từ 28 HTX năm 2013 đến 1.931 HTX năm 2022 (chiếm 10,4% tổng số HTXNN).
Những con số cụ thể này đã nói lên vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững, hướng tới xây dựng, phát triển nông thôn mới theo chủ trương mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Nhiều địa phương đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao |
Nông nghiệp công nghiệp cao là xu thế tất yếu
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Theo các chuyên gia, để xây dựng bền vững “trụ đỡ” của nền kinh tế, khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.
Ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Thực tế, từ nhiều năm trước, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Hoa quả và nông sản Việt Nam đạt chất lượng cao tại thị trường trong nước và các nước trong khu vực. |
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học – công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”…
Định hướng này cùng với những chính sách được ban hành trước đó về nông nghiệp công nghệ cao như Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, góp phần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và thế giới. |
Hơn nữa, việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao từ lâu được hưởng nhiều ưu đãi. Điển hình như, Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7/3/2017, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao như: cho doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% -80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, nhiều chính sách để nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp cũng được thực thi. Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, ngành nông nghiệp triển khai đào tạo được trên 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Nông dân sau khi học nghề đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất; nhiều lao động sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3-4 lần trước đây.
Xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỉ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại triển lãm trong nước và quốc tế. |
Mục tiêu sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển từ 50 đến 100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để có ứng dụng đạt hiệu quả cao nhất cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó, cuối tháng 4/2023, trong hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, khi chia sẻ về hướng đi của khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ những tích hợp đa giá trị trong một ngành với mục tiêu hướng tới là giảm chi phí. Bộ trưởng ví dụ như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả là để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai./.
Bài 2: Ứng dụng công nghệ cao – Chìa khóa vàng để nông nghiệp Việt bứt phá
Bài 3: Ứng dụng chuyển giao khoa học giúp cà phê Sơn La vươn ra thế giới
Bài 4: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang vướng rào cản nào?
Bài 5: "Phủ" tri thức khoa học trên những cánh đồng nông nghiệp