Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bạc Liêu thu hiệu quả cao từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Thứ Năm, 14/01/2016 15:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Năm 2009, mô hình cánh đồng mẫu lớn được ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đưa vào sản xuất đầu tiên ở huyện Hồng Dân, với quy mô chỉ 50ha nhưng cũng thu được hiệu quả khả quan, lượng giống gieo sạ giảm, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm, giá thành sản xuất thấp, năng suất đạt từ 6 tấn đến 8 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất bình thường.

Nông dân tham quan mô hình CĐML ở ấp 13, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai.
Ảnh: baobaclieu.vn


Đến nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh Bạc Liêu đang được nhân rộng thêm 18 điểm thuộc 5 huyện là Vĩnh Lợi, Phước Long, Giá Rai, Hòa Bình và Hồng Dân, với tổng diện tích gần 6.200 ha. Mỗi cánh đồng mẫu lớn có diện tích từ 100 ha đến 300 ha. Hầu hết các cánh đồng mẫu lớn đều tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất. Lợi nhuận tăng thêm so với khu vực sản xuất ngoài mô hình từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/ha. Có nơi tăng đến 7,5 triệu đồng/ha. 

Từ khi đi vào ứng dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững với nhiều ưu điểm như đảm bảo lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt theo từng vùng; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng";“1 phải - 5 giảm”; dùng lúa giống xác nhận; giảm lượng nước tưới; giảm thất thoát thu hoạch; ghi chép nhật ký đồng ruộng; thực hiện tiến trình kiểm soát sát sao của các kỹ sư nông nghiệp; đặc biệt là áp dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch... Bên cạnh đó, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn sử dụng thuốc vi sinh phòng trừ sâu bệnh nên hệ sinh thái đồng ruộng ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng hạt gạo tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, việc ghi chép sổ tay theo hướng VietGAP có thể truy nguyên nguồn gốc sản phẩm nên dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ khó tính. 

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp đầu tư về công trình thủy lợi, kỹ thuật, chính sách hỗ trợ vốn, lúa giống, các dụng cụ sạ hàng, phân bón… để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, để xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, cần phải thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân. 

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng đã phối hợp với từng địa phương liên kết và làm cầu nối ký hợp đồng bao tiêu nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, tăng cường vận động những doanh nghiệp uy tín đầu tư cho vùng nguyên liệu, lò sấy, kho chứa lúa liên kết để hạn chế tình trạng ''trúng mùa - rớt giá'' như thời gian qua. Hiện nay, Công ty Lương thực Bạc Liêu hiện đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích sản xuất lúa hơn 1.000 ha. Nhà máy sản xuất gạo xuất khẩu Vĩnh Lộc của Công ty Bảo vệ Thực Vật An Giang tại huyện Hồng Dân cũng sẽ bao tiêu sản phẩm cho trên 4.000 ha lúa Đông Xuân 2016 tại địa phương./. 

Cao Thăng/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN