Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bạc Liêu tăng cường phát triển kinh tế tập thể

Thứ Hai, 07/12/2015 16:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 771 tổ hợp tác (THT) hoạt động theo Nghị định 151 của Chính phủ, tăng 64 lần so với năm 2002 với 21.434 thành viên, tổng vốn góp trên 1,3 tỷ đồng, trong đó 93% số THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Toàn tỉnh cũng có 105 hợp tác xã (HTX), tăng 1,39 lần so với năm 2002 với có hơn 34.000 thành viên, tổng vốn góp trên 84,8 tỷ đồng.

Tổ dịch vụ lao động vận chuyển lúa tại Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu huyện Hồng Dân.
(Nguồn: baobaclieu.vn)

Hội đồng Liên minh HTX tỉnh thường xuyên phân công cán bộ chuyên trách bám sát hoạt động của các HTX, THT để hỗ trợ, tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, mở rộng liên kết, hợp tác THT, HTX và các doanh nghiệp, cơ sở khoa học nhằm gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm HTX, THT hoạt động hiệu quả. 

Các HTX, THT còn liên kết để sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 22 HTX và 256 THT liên kết với nhau kinh doanh vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Ở các xã điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đều được chú trọng xây dựng các THT và HTX. 

Hiện nay ở nhiều lĩnh vực bản thân các HTX không thể tự vận động để phát triển. Nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong phát triển kinh tế tập thể ở Bạc Liêu là do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; thiếu kiểm tra, định kỳ sơ tổng kết để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nhân rộng các mô hình tiên tiến. Đồng thời việc thành lập các HTX mới chỉ tập trung ở số lượng chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và hiệu quả. Thậm chí, một số địa phương còn xem việc thành lập HTX chỉ để được “bằng anh, bằng em” hoặc theo chỉ đạo của cấp trên, chứ chưa thấy được vai trò của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế. 

Việc liên kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài để tìm đầu ra cho sản phẩm, các đơn vị kinh tế tập thể không đủ lực và điều kiện để thực hiện, mà phải nhờ vào sự hỗ trợ với vai trò là “cầu nối” của ngành quản lý, địa phương vì phần lớn Ban chủ nhiệm ở các HTX đều là nông dân. Đơn cử như huyện Hồng Dân, nếu địa phương không chủ động liên kết với các công ty và các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc thì chắc chắn sẽ không có việc thành lập công ty xuất khẩu cá chình và hướng nông dân vào làm ăn tập thể, sản xuất theo đơn đặt hàng; hay thành lập các HTX sản xuất, HTX vận chuyển lúa gạo cho Công ty Bảo vệ thực vật An Giang từ mô hình cánh đồng mẫu lớn… 

Để giúp kinh tế tập thể hoạt động đúng định hướng và ngày càng hiệu quả, Liên minh HTX Bạc Liêu đã xây dựng chương trình hành động cụ thể giúp các THT và HTX hoạt động, trong đó đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng nguồn nhân lực; có các chính sách về cung cấp tín dụng - tài chính để kinh tế tập thể chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh; quan tâm cung cấp các thông tin về thị trường cho các THT và HTX; tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cộng đồng của thành viên, trước mắt tập trung ở các xã điểm chỉ đạo xây dựng NTM từ nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM do tỉnh phân bổ./. 


Cao Thăng/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN