Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bắc Kạn: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 07/08/2020 09:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là việc làm hết sức cần thiết, nhất là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội, thông qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khám, chữa bệnh BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa) 

Với đặc thù của tỉnh miền núi có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, việc thực hiện các chính sách BHYT trên địa bàn luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Kạn quan tâm thực hiện. Đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh Bắc Kạn có gần 308 nghìn người tham gia BHYT, trong đó, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT là 165.564 người, chiếm gần 55% số người tham gia BHYT. Các đối tượng trên được Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng và được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định. Ngoài ra, người dân tộc thiểu số khác cũng được đảm bảo quyền lợi tham gia và cấp thẻ BHYT với các nhóm đối tượng khác nhau theo quy định của Luật BHYT như: Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH…
 
Chỉ đạo sát sao đối với công tác khám chữa bệnh BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định số 1821/QĐ-UBND ngày 01/11/2017 về việc Kế hoạch thực hiện chính sách thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, chỉ đạo cơ quan Lao động-Thương binh & Xã hội, cơ quan BHXH và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý đối tượng, lập danh sách và cấp phát thẻ BHYT cho người dân; chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp chuyển kinh phí đóng BHYT kịp thời, đầy đủ về quỹ khám, chữa bệnh BHYT để có nguồn kinh phí phân bổ cho các cơ sở y tế thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh thực hiện giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT hàng năm đối với các cơ sở y tế và chỉ đạo Ngành Y tế thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nói riêng và đối tượng chính sách xã hội nói chung.
 
Để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân kịp thời, đầy đủ nhất, công tác khám, chữa bệnh BHYT được triển khai thực hiện từ tuyến xã với tổng số 114 Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Đến nay, sau khi thực hiện sáp nhập các xã theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH13 ngày 10/01/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có 105 Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Việc thông tuyến huyện theo quy định của Luật BHYT cũng giúp cho người dân thuận tiện, dễ dàng hơn khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Cùng với đó, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được nâng lên; cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo quyền lợi BHYT của người dân tộc thiểu số. 6 tháng đầu năm 2020, đã có 97.101 lượt người dân tộc thiểu số khám, chữa bệnh BHYT với số tiền chi 44,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,8% số lượt người và 40,4% số chi khám, chữa bệnh BHYT toàn tỉnh.
 
Chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là việc làm hết sức cần thiết, nhất là đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội, thông qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, công tác BHYT cần phải được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp thực hiện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện chính sách BHYT; đồng thời Ngành Y tế cần tăng cường phát triển mạng lưới y tế tuyến cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đội ngũ cán bộ y tế (có trình độ) để đưa dịch vụ y tế chất lượng cao về gần người dân để người dân nói chung và người dân tộc thiểu số nói riêng được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế một cách dễ dàng, công bằng và đầy đủ.

Kim Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN