Bắc Kạn: Làm tốt công tác trồng rừng chống biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) - Nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai các biện pháp, phát động phong trào trồng rừng, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được 3.811ha rừng, đạt 109% kế hoạch giao, trong đó, 2.887ha trồng rừng tập trung, đạt 101% kế hoạch; 923ha trồng rừng phân tán, đạt 147% kế hoạch; trồng 1.600 cây theo Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, đạt 99% kế hoạch. Đáng chú ý, một số huyện trồng rừng trồng vượt 100% kế hoạch như huyện Na Rì, Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Mới.Riêng huyện Chợ Mới được giao thực hiện trồng 895ha rừng. Nhờ công tác vận động tuyên truyền tốt, ý thức của người dân về lợi ích trồng rừng cao, đến hết tháng 8, toàn huyện đã hoàn thành 965ha, đạt 108% kế hoạch.
Theo thống kế, vụ trồng rừng năm 2024, toàn tỉnh có trên 10 triệu cây giống được cung ứng từ 49 vườn ươm trên địa bàn. Bước đầu cho thấy, số lượng, chất lượng cây giống đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của Nhân dân. Theo đó, các loài cây phổ biến được khuyến khích trồng, gồm: Mỡ, keo, thông, hồi, quế, xoan, lát, bồ đề…. Ngành chuyên môn đã tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán cây giống, nhắc nhở và xử lý kịp thời các trường hợp mua bán cây giống không rõ nguồn gốc.
Hàng năm, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu và phối hợp triển khai kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng,thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái; vận động nhân dân lên án, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phá rừng, khai thác rừng trái phép và phá hoại cây xanh. Tập trung huy động nguồn vốn từ xã hội hóa và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra rừng |
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ rừng, lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào quy chế xây dựng làng văn hóa, quy chế của cộng đồng, khu dân cư. Tăng cường vai trò giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể Nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước về công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng, tỉnh chỉ đạo ngành liên quan và địa phương rà soát, bổ sung và tăng cường công tác quản lý đối với các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, gắn với quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương và quy hoạch của tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi.
Tăng cường sự phối hợp thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, sạt lở gây ra.
Tăng cường kiểm tra các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng phòng hộ xung yếu, các dự án giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, gắn với triển khai có hiệu quả quy hoạch của tỉnh và các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có tác động đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, công tác trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác động của thiên tai và ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu./.