Bắc Giang: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,02%
(ĐCSVN) – Theo báo cáo của UBND tỉnh, quý I năm nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song KT-XH của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,02%. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng.
Quang cảnh phiên họp. |
Ngày 21/3, UBND tỉnh Bắc Giang họp phiên thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương. Dự hội nghị có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,02%
Theo báo cáo của UBND tỉnh, quý I năm nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song KT-XH của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,02%. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng.
Giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm toàn tỉnh (giá hiện hành) đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11%, đạt 22,7% kế hoạch năm. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, toàn tỉnh thu hút được khoảng 855 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 2,75 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách nội địa tháng 3 ước đạt 785 tỷ đồng; 3 tháng đầu năm đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% so với dự toán năm, bằng 85,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm nay hơn 9.925 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện đạt 1.080 tỷ đồng, bằng 11,4% kế hoạch; giá trị giải ngân bằng 8,4% kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp bảo đảm tiến độ, tăng trưởng toàn diện. Môi trường đầu tư được cải thiện; thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) đạt kết quả nổi bật. Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm mạnh...
Các ngành dịch vụ phục hồi; giá trị xuất nhập khẩu duy trì mức tăng khá. Môi trường đầu tư được cải thiện. Việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển được chú trọng ngày càng hiệu quả. Công tác giao và triển khai kế hoạch đầu tư công được quan tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục được duy trì; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao quy mô lớn được tổ chức đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân; đời sống Nhân dân cơ bản ổn định.
Công tác cải cách hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức được cải thiện. Chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được nâng lên. Công tác quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm mạnh...
6/15 khoản thu thấp hơn so với cùng kỳ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu tại phiên họp. |
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến dành nhiều thời gian trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó tập trung phân tích về chỉ tiêu thu ngân sách, bởi có còn 6/15 khoản thu thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó, thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh quý I chỉ đạt 710 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá, nguyên nhân chính thu ngân sách đạt thấp là do thị trường bất động sản ảm đạm, giao dịch còn trầm lắng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh còn chậm. Việc biến động giá vật liệu xây dựng, thiếu nguồn cung gây bất lợi cho các nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích, dự báo kết quả thu tiền sử dụng đất năm nay của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Đề nghị tỉnh thành lập tổ công tác cấp tỉnh rà soát lại tất cả các dự án đầu tư công ở cấp huyện có sử dụng kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Trên cơ sở đó cắt giảm dự án không bảo đảm được nguồn vốn, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sát với tình hình thực tế. Liên quan đến xử lý rác thải, đồng chí đề nghị đánh giá lại các dự án nhà máy rác bảo đảm sát với điều kiện thực tế, tránh lãng phí.
Cũng theo các đại biểu, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị cắt, giảm đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử; may mặc, các doanh nghiệp vendor cấp 2, cấp 3 của Samsung. Thậm chí một số doanh nghiệp lớn cũng phải cho một số công nhân nghỉ việc, giảm giờ làm hoặc phải thu hẹp sản xuất do chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao.
Việc biến động giá xăng dầu và giá các loại nguyên vật liệu xây dựng làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng, gây bất lợi cho các nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, năm nay dự báo tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh quá trình phục hồi, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời cần xây dựng kịch bản tăng trưởng của năm nay, từ đó có giải pháp chỉ đạo kịp thời, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh đạt 14,5%.
Đồng chí Lê Ánh Dương nêu rõ, việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế của tỉnh, do đó các đơn vị liên quan cần tập trung cao đôn đốc giải ngân nguồn vốn này và vốn chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn hiện có. Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác rà soát các dự án thực hiện năm nay, tránh tình trạng các địa phương xây dựng nguồn vốn đầu tư công vượt khả năng thực tế, thiếu khả thi.
Đồng chí yêu cầu Cục Thuế tỉnh, các địa phương tập trung đẩy mạnh giải pháp thu ngân sách, chú trọng nâng cao kết quả thu tiền sử dụng đất, đôn đốc thu nợ thuế, nợ tiền cấp quyền sử dụng đất.
Sở Công thương, các đơn vị liên quan kịp thời nắm bắt tình hình của DN, nhất là DN lớn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp DN sớm khôi phục, đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời chuẩn bị tốt các giải pháp tiêu thụ vải thiều năm nay, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng, sớm đưa các khu, cụm công nghiệp vào hoạt động, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá lại tình hình chăn nuôi, phát triển cây ăn quả, tham mưu tỉnh có giải pháp phát triển bền vững.
Các ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản. Tới đây, tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực này.
Cùng với các biện pháp trên, đồng chí Lê Ánh Dương yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động, xử lý nghiêm DN vi phạm. Ngành y tế quan tâm bảo đảm vật tư y tế phục vụ người dân. Ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Các cấp, ngành nâng cao hơn nữa công tác điều hành, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục quan tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương, góp phần nâng chỉ số cạnh tranh của tỉnh kết hợp đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đẩy nhanh tiến độ đánh giá, kiểm điểm cụ thể việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025... Lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu kết luận phiên họp. |
Cũng tại phiên họp lần này, UBND tỉnh đã cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, gồm: Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 292 trên địa bàn huyện Lạng Giang theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; Quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025 một số dự án; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; Quyết định chủ trương chuyển loại rừng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; Danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang các mục đích khác năm 2023.
Cho ý kiến vào dự thảo: Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án đặt tên phố và công trình công cộng huyện Việt Yên; Quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Quy định mức chi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành Quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2023- 2025 trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, hội nghị cho ý kiến vào dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Xây dựng; Quyết định thay thế Quyết định số 667/2016/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa./.