Bắc Giang: Khơi thông nguồn lực để phát triển văn hóa
(ĐCSVN) - Với phương châm “kiến tạo”, “khơi thông” nguồn lực để phát triển, sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bắc Giang đã tạo được điểm nhấn; khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang chia sẻ những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. |
Nhiều thiết chế văn hóa được xây dựng và phát triển
Theo đồng chí Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Giang, ngay từ khi có Nghị quyết Đại hội XIII cũng như Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Sở VHTTDL Bắc Giang đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành một số các cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển các lĩnh vực của ngành. Nhờ vậy công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình được tăng cường.
Công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của địa phương và phục vụ các nhiệm vụ chính trị với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hiệu quả. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành, các hoạt động thể dục, thể thao và gia đình có nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa phong phú lành mạnh ở cơ sở...
Cụ thể hằng năm, Sở VHTTDL tổ chức từ 5 - 8 Hội thi, Liên hoan cấp tỉnh. Nhà hát Chèo biểu diễn nghệ thuật bình quân khoảng trên 100 buổi/năm phục vụ đồng bào miền núi và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy hát Quan họ, Chèo, Ca trù, hát Then… cho các hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức biểu diễn nghệ thuật kết hợp với tuyên truyền từ 100 - 110 buổi/năm và 300 - 500 buổi chiếu miễn phí phục vụ nhân dân. Trường Trung cấp VHTTDL tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo các chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay, đến nay nhà trường đã có 17 mã ngành đào tạo, duy trì thường xuyên 100 - 150 học viên Trung cấp chính quy; liên kết đào tạo 7 - 10 lớp đại học hệ vừa làm, vừa học; mỗi năm mở từ 3 - 5 lớp bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành VHTTDL.
Nhìn chung, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, sâu rộng trong toàn tỉnh, hiện có trên 2.450 CLB, đội văn nghệ thường xuyên hoạt động. Năm 2021 - 2023, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 100 hội diễn, hội thi, liên hoan được tổ chức ở cả 3 cấp; có hàng nghìn buổi giao lưu, biểu diễn văn hóa - văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang hiện đang là một trong những địa chỉ văn hóa, du lịch nổi tiếng của Bắc Giang. |
Các thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện TDTT ngày càng cao của nhân dân. Đối với cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2023, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh đưa vào quy hoạch, kế hoạch đầu tư công nhiều thiết chế quan trọng (Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh, Sân vận động tỉnh, Rạp nghệ thuật truyền thống), trong đó Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh đã được khởi công, dự kiến hoàn thành quý I/2025. Đối với cấp huyện, cũng đã thông qua công tác quy hoạch, các địa phương bố trí mặt bằng, xây dựng lộ trình triển khai hoàn thiện hệ thống thiết chế cơ bản và thiết chế chuyên ngành; giai đoạn 2021-2023, nhiều địa phương đã ban hành và triển khai cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho đầu tư hoàn thiện thiết chế VHTT (Thành phố Bắc Giang, huyện Việt Yên, Tân Yên…).
Đối với cấp xã, giai đoạn 2021 - 2023, cấp xã đã cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, sáp nhập hệ thống thiết chế VHTT, đến hết năm 2023 có 207/209 nhà văn hóa (NVH) xã, phường, thị trấn (đạt 99,04%), trong đó có 204 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL (đạt tỷ lệ 98,5%); có 2.112/2.128 NVH cấp thôn (đạt 99,2%), trong đó đạt chuẩn là 2.048/2.112 (đạt 97%); có 534 nhà tập luyện, thi đấu thể thao trong nhà, có 7.065 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời. Giai đoạn 2021-2023, các xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa trên 250 NVH với tổng kinh phí trên khoảng 250 tỷ đồng.
Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Là một trong những tỉnh có rất nhiều di sản văn hóa được vinh danh cả vật thể và phi vật thể, vì vậy công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Bắc Giang luôn được chú trọng. Đặc biệt, Bắc Giang đã phát huy thế mạnh gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch và phát triển KT-XH của địa phương.
Thời gian qua, Sở VHTTDL Bắc Giang tiếp tục triển khai Kế hoạch 238/KH-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đây là đòn bẩy hiệu quả góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác bảo tồn. Qua hơn 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tu bổ, tôn tạo trên 150 di tích với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 755 di tích, danh thắng đã xếp hạng, trong đó có 5 di tích, cụm di tích xếp hạng QGĐB với 34 điểm; 96 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 625 di tích xếp hạng cấp tỉnh (Năm 2021 - 2023, xếp hạng được 21 di tích); có 4 bảo vật quốc gia.
Chùa Bổ Đà là một danh lam nổi tiếng của Bắc Giang đây cũng là một trong những công trình được Bắc Giang quan tâm, đầu tư tu bổ và bảo tồn gắn với phát triển du lịch. |
6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tập trung lập, hoàn thiện xong hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt đối với Cụm di tích Tiên Lục, huyện Lạng Giang và các hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Bơi chải làng Tiếu Mai, huyện Hiệp Hòa; Lễ hội đền thờ Đức Vua Trần Minh Tông, huyện Yên Dũng. Tiếp tục phối hợp tham mưu hoàn thiện Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Các hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng như: Bảo tồn di sản được UNESCO vinh danh (Quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam); duy trì hoạt động của các câu lạc bộ dân ca các dân tộc thiểu số; triển khai các chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức các hội thảo khoa học, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Hiện trên địa bàn tỉnh có 16 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 05 di sản được UNESCO vinh danh, 38 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Bên cạnh đó, Sở thường xuyên chỉ đạo tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa truyền thống của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước với các hoạt động trưng bày, triển lãm và xuất bản sách... Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục nhưng với quyết tâm đưa Bắc Giang cán đích thành công các chỉ tiêu phát triển đã đặt ra trong năm nay cũng như cả nhiệm kỳ, Bắc Giang vẫn đang nỗ lực từng ngày, không ngừng đổi mới, sáng tạo để khẳng định bản lĩnh và bản sắc của tỉnh./.