Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bắc Giang khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Chủ Nhật, 08/09/2024 23:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiều 8/9, đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chia thành nhiều đoàn đi kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại và phòng, chống bão, lũ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

* Chiều 8/9, kiểm tra tại Lục Ngạn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu chỉ đạo: Cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân. Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện nay nước sông Lục Nam vẫn đang dâng cao, đạt mức hơn 14 m. Huyện đã hoàn thành di dời gần 1,1 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Đường lên các xã vùng cao đã cơ bản thông suốt, trên tuyến quốc lộ 31 có 3 điểm bị ngập sâu. Hơn 1,2 nghìn ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị ngập úng, gãy, đổ.

Đồng chí Nguyễn Văn Gấu kiểm tra điểm ngập lụt trên tuyến quốc lộ 31, đoạn qua xã Phì Điền. 

Trước những diễn biến phức tạp sau bão số 3, nhất là mực nước đang tiếp tục dâng lên, huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó, đặc biệt là việc di dời nhân dân trong trường hợp nước tiếp tục dâng cao. Toàn huyện có 3 điểm bị chia cắt tại quốc lộ 31.

Bão lũ đã khiến 1 người ở xã Biển Động bị nước cuốn trôi, 534 nhà dân, 17 kho xưởng, 16 cơ sở trường học và 15 nhà văn hóa, 1 trạm y tế bị tốc mái. 28 ngầm tại các xã Phong Minh, Sa Lý, Tân Sơn, Đèo Gia, Tân Lập, Kim Sơn bị ngập và chia cắt…

Địa phương gặp một số khó khăn khi di dời dân và một số tài sản, vật tư, lương thực thực phẩm. Đồng thời hệ thống thông tin liên lạc và điện lưới bị mất trên diện rộng. Qua đây, lãnh đạo huyện đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương khắc phục thiệt hại. Ngành Nông nghiệp tiếp tục có hướng dẫn cụ thể người dân tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi sau lũ.

Qua nghe báo cáo của huyện và các đồng chí trong đoàn công tác của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Gấu biểu dương và đánh giá cao công tác chủ động, trách nhiệm, linh hoạt và sự phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với bão số 3 của cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn với các lực lượng khác.

Đồng chí nhấn mạnh, dự báo trong những ngày tới diễn biến thời tiết tiếp tục phức tạp, mưa lớn diện rộng nên địa phương không thể chủ quan. Đồng chí đề nghị Ban Chỉ huy tiền phương của tỉnh và huyện Lục Ngạn thường xuyên theo dõi sát sao tình hình mực nước trên sông, có biện pháp huy động tổng hợp các lực lượng như quân đội, công an, dân quân tự vệ đưa người dân đến nơi an toàn. Kiên quyết di dời người và tài sản có nguy cơ bị thiệt hại, với phương châm bảo đảm tính mạng cho người dân phải đặt lên hàng đầu.

Đồng chí lưu ý, hiện nay nước sông Lục Nam vẫn dâng cao nên các lực lượng cần thường xuyên theo sát tình hình, cập nhật mực nước sông từng giờ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Lực lượng công an quan tâm bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, bảo vệ tài sản của các hộ dân phải đi sơ tán để lại, xử lý nghiêm việc lợi dụng bão lụt để vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, địa phương cần chỉ đạo cơ quan chức năng khắc phục nhanh, sớm nhất các sự cố về điện lưới, thông tin liên lạc. Quan tâm sửa đường giao thông bị hư hỏng, bảo đảm việc đi lại của nhân dân được thuận lợi.

Bên cạnh đó, công tác thống kê thiệt hại cần trung thực, chính xác, chi tiết, có đánh giá khách quan những thiệt hại, từ đó đề xuất các nguồn hỗ trợ phù hợp. Chú ý sửa chữa cơ sở vật chất trường học để sớm bảo đảm điều kiện cho thầy và trò dạy và học. Các nhà trường chỉ tổ chức dạy học khi bảo đảm an toàn mọi điều kiện. Ngành Nông nghiệp quan tâm hướng dẫn người dân các biện pháp sản xuất cây trồng, vật nuôi sau bão, lũ. Chủ động đề xuất biện pháp hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân tổ chức lại sản xuất khi lũ rút. Ngành Y tế cần sớm có phương án tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh.

Trước đó, chiều cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp kiểm tra một số điểm ngập, lụt trên tuyến quốc lộ 31 đoạn qua địa bàn xã Phì Điền và kiểm tra công tác hỗ trợ nhân dân xã Nam Dương di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Tại các nơi đến, đồng chí đánh giá cao sự chủ động của địa phương, tại mỗi điểm ngập sâu đều có biển cảnh báo và lực lượng trực tại chỗ.

* Chiều 8/9, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa bão tại huyện Yên Thế. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT).

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, trước tác động của hoàn lưu bão số 3, đến 17 giờ, huyện có hơn 200 nhà ở, công trình bị tốc mái; khoảng 1.100 ha lúa, ngô và cây lâm nghiệp bị gãy, đổ... Ngoài ra, một số ngầm tràn tại xã Đồng Tiến, Tam Hiệp, Đồng Hưu bị ngập, giao thông chia cắt cục bộ. Với tinh thần nỗ lực cao nhất để khắc phục sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, đến nay, một số đoạn đường có cây gãy, đổ đã được lực lượng chức năng các xã, thị trấn tập trung thu dọn. Tại các điểm ngập úng đều được cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Đồng chí Lê Ánh Dương kiểm tra tại khu vực sạt lở thuộc tổ dân phố Dinh Tiến, thị trấn Bố Hạ. 

Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra tại khu vực sạt lở bờ sông Thương thuộc địa bàn tổ dân phố Dinh Tiến, thị trấn Bố Hạ. Khu vực này cách đây vài tháng xảy ra sạt lở, cung sạt rộng sát với đường dân sinh và khu dân cư. Trước tình thế nguy hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành lệnh xử lý khẩn cấp sự cố; UBND huyện Yên Thế bố trí kinh phí, tập trung nguồn lực khắc phục. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị thi công đã hoàn thành một số hạng mục theo thiết kế kỹ thuật, ngăn chặn sạt lở tiếp diễn.

Tiếp đó, đồng chí đến kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại ngầm tràn Suối Dùng - nơi tiếp nối giữa xã Đồng Vương với xã Đồng Tiến hiện đang bị ngập. Từ sáng nay, nước trên thượng nguồn đổ về khiến khu vực này chia cắt cục bộ.

Qua nắm bắt tình hình, đồng chí lưu ý chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và chỉ đạo của tỉnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, huyện cần phát huy tinh thần chủ động, huy động trang thiết bị, máy móc, nhân lực theo tinh thần "4 tại chỗ", nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống mưa bão ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại.

Chỉ đạo các xã tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân như: Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các điểm ngập, chia cắt cục bộ; tuyệt đối không được chủ quan để người dân vượt ngầm, rất nguy hiểm đến tính mạng. Tiếp tục kiểm tra, rà soát xác định những nhà ở không an toàn, các khu dân cư, công trình ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở để có phương án tuyên truyền, vận động người dân di dời đến khu vực an toàn.

Huyện cần tăng cường thông tin cảnh báo từ sớm, từ xa để người dân nắm bắt kịp thời, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương phòng, chống mưa bão.

Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh dự báo tiếp tục có mưa. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát sao các bản tin thời tiết và diễn biến thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đồng thời bảo đảm đời sống cho người dân trên địa bàn.

* Chiều cùng ngày, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại sau cơn bão Yagi tại huyện Sơn Động.

Tính đến 14 giờ 30 phút, ngày 8/9, trên địa bàn huyện Sơn Động có 456 hộ dân, cơ quan, trường học bị tốc mái nhà; hơn 960 ha lúa, hoa màu ngập úng; khoảng 22,5 nghìn ha cây lâm nghiệp đổ gãy… Do ảnh hưởng của mưa bão nên mạng Vinaphone, Mobiphone và Viettel đều bị đứt đường truyền. Đến 13 giờ ngày 8/9, địa phương khắc phục xong nhưng mới chỉ sử dụng được mạng 2G, sóng 3G chập chờn. Đến 17 giờ, toàn huyện Sơn Động chưa có điện.

Đồng chí Mai Sơn chỉ đạo khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại Trường Mầm non Hoa Sữa, thị trấn An Châu (Sơn Động). 

UBND các xã, thị trấn đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, chủ động triển khai các phương án khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra; thường xuyên thông tin, báo cáo kịp thời về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện.

Đồng thời, các xã, thị trấn huy động tối đa lực lượng hỗ trợ nhân dân phục hồi sản xuất, bảo đảm không để trường hợp nào bị thiệt hại mà không nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Sau khi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, đồng chí Mai Sơn yêu cầu huyện Sơn Động tiếp tục theo dõi chặt diễn biến thời tiết, tập trung cao, không được lơ là, chủ quan; khẩn trương hỗ trợ nơi ở, thực phẩm, thuốc men… cho người dân. Nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng con người.

Huyện, các xã, thị trấn cắt cử nhân lực canh gác tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đập tràn để kịp thời cảnh báo người dân. Huy động nhân lực tập trung thu dọn, vệ sinh trường học; tùy điều kiện của từng trường để bố trí cho học sinh đi học.

Huyện, các xã, thị trấn tập trung thống kê thiệt hại để có căn cứ hỗ trợ, việc hỗ trợ phải bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng đối tượng. Riêng ngành Nông nghiệp khẩn trương rà soát thiệt hại; chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo người dân chăm sóc vật nuôi, cây trồng sau bão, sớm phục hồi sản xuất.

Cùng đó huyện cần tăng tính dự báo, chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức rút kinh nghiệm việc huy động lực lượng, phương tiện, vật tư trong nhân dân để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.

* Chiều 8/9, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại huyện Lục Nam.

Theo đồng chí Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Lục Nam, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn huyện có 40 ha lúa bị ngập, 225 công trình bị tốc mái, đổ một số cột điện. Bão đã gây mất điện trên toàn địa bàn huyện. Các xã vùng trũng thấp (Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội, Yên Sơn, Bắc Lũng) do sự cố lớn nên chưa cấp điện trở lại, không vận hành được các trạm bơm tiêu chống úng.

Đồng chí Phan Thế Tuấn chỉ đạo về công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại huyện Lục Nam. 

Ngoài ra, huyện có hai người bị thương nhẹ do cây đổ. Riêng sự cố sạt lở tại Dốc Lỉnh, xã Nghĩa Phương, huyện đã tập trung di dời, ổn định chỗ ở cho 6 hộ. Huyện giao cho xã tiếp tục bám sát theo dõi tại khu vực này.

Các biện pháp khắc phục đang được huyện khẩn trương thực hiện. Đáng lo ngại nhất trên địa bàn huyện là nếu lũ trên sông Lục Nam tiếp tục dâng cao, mưa to thì nguy cơ nhiều xã ven sông sẽ bị ngập; có thể nguy hiểm đến tuyến đê bối, trường hợp quá khả năng huyện sẽ chỉ đạo cho tràn đê bối để bảo đảm an toàn chống lũ. Ngay trong chiều 8/9, huyện đã chỉ đạo các xã ven đê khẩn trương, sẵn sàng các phương án, tránh để xảy ra sự cố bất ngờ, bảo đảm an toàn tuyến đê.

Qua kiểm tra thực tế tại điếm canh đê xã Khám Lạng và một số trạm bơm tiêu, trao đổi, làm việc với đồng chí lãnh đạo huyện Lục Nam, đồng chí Phan Thế Tuấn động viên lực lượng trực tại các điểm, đồng thời đề nghị huyện, xã tổ chức trực ban nghiêm túc. Tiếp tục chủ động triển khai biện pháp “4 tại chỗ”, giảm thiểu thiệt hại. Sau bão cần nhận diện được tình hình, những nguy cơ xảy ra, tránh lơ là, chủ quan. Khôi phục hỗ trợ sau bão, tập trung chỉ đạo, khắc phục tình trạng mất điện, tốc mái nhà, cây cối đổ; quan tâm hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bão lụt.

Dự báo lũ trên sông Lục Nam dâng cao, có thể lên báo động số 3. Vì vậy cần tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Nếu còn mưa lớn cần quan tâm xử lý sự cố sạt lở, bảo đảm an toàn hồ, đập, tập trung tiêu úng; khắc phục khó khăn trong chống lụt bão. Tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN