Bắc Giang-Hải Dương tăng cường hợp tác phát triển
(ĐCSVN) - Chiều 12/4, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang và Hải Dương tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa hai tỉnh trong việc thúc đẩy liên kết vùng giữa ba tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương giai đoạn 2022-2025.
Các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Trần Đức Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đồng chủ trì.
Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Dương Văn Thái đồng chủ trì hội nghị. |
Cùng dự, về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương.
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Phát biểu khai mạc, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, Bắc Giang và Hải Dương là hai tỉnh giáp ranh, đều là những vùng đất giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng và tinh thần cách mạng.
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều người dân Hải Hưng (Hưng Yên và Hải Dương ngày nay) đã lên vùng Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Thế của Bắc Giang lập nghiệp. Những vườn vải thiều của tỉnh Bắc Giang được hình thành, phát triển, trở thành đặc sản nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước có đóng góp rất lớn của những người dân Hải Dương đi xây dựng kinh tế mới. Hai tỉnh có nhiều điểm tương đồng, xuất phát điểm đều là các tỉnh điều kiện KT-XH hết sức khó khăn; đến nay hai tỉnh đã vươn lên nằm trong nhóm phát triển khá của cả nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường hợp tác thúc đẩy liên kết vùng, những năm qua, hai tỉnh Hải Dương - Bắc Giang đã triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác.
Trên cơ sở các nội dung đã ký kết, các cấp, ngành, địa phương hai tỉnh đã cụ thể hóa và tập trung phối hợp thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.
Rõ nét nhất là hai tỉnh phối hợp chặt chẽ để đầu tư xây dựng tuyến đường dẫn và cầu Đồng Việt kết nối khu vực huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, mở ra không gian, động lực phát triển mới.
Hai tỉnh đang rất tích cực cùng tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc... Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kịp thời hỗ trợ, động viên nhau những lúc khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương tặng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang bức ảnh đền Kiếp Bạc. |
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn có những nội dung chưa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, kết quả chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Đây là những vấn đề mà tại hội nghị này cần trao đổi, làm rõ để bàn giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả phối hợp giữa hai tỉnh Bắc Giang-Hải Dương. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, hai địa phương cần tiếp tục tính toán kết nối đường thuỷ, đường bộ, đường sắt; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ người dân địa phương phát triển kinh tế thông qua thành lập hội đồng hương Hải Dương tại Bắc Giang; xây dựng chuỗi du lịch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tập trung nhiều nguồn lực, thêm dự án kết nối
Căn cứ tình hình thực tiễn và kết quả đạt được trong công tác phối hợp, triển khai liên kết hợp tác giữa hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, thời gian tới BTV hai tỉnh xác định cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh thực hiện các nội dung phối hợp, liên kết phát triển giai đoạn 2023-2025.
Trong đó, tập trung vào các nội dung, tạo điểm nhấn liên kết vùng như: Phối hợp, nghiên cứu, trao đổi thông tin trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của hai tỉnh bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hợp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chia sẻ kinh nghiệm công tác quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông tăng cường kết nối không gian giữa hai tỉnh. Cụ thể như phối hợp đầu tư hoàn thành xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn hai bên đầu cầu, phấn đấu thông xe toàn tuyến trước tháng 9/2024.
Tỉnh Bắc Giang đầu tư kéo dài tuyến nhánh ĐT 293 đi chùa Vĩnh nghiêm, xây dựng cầu qua sông Lục Nam nối với đường Côn Sơn - Kiếp Bạc; tỉnh Hải Dương đầu tư đoạn tuyến còn lại kết nối đến đường Côn Sơn - Kiếp Bạc; phấn đấu khởi công trước năm 2025….
Hai tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, nhất là tại các khu vực giáp ranh; kiểm soát hiệu quả các nguồn thải để cải thiện chất lượng nước sông Cầu, sông Lục Nam; các cơ quan, sở, ban, ngành của hai tỉnh tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, tích cực tham mưu BTV Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND hai tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác đã ký kết.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang tặng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tranh chùa Vĩnh Nghiêm. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Đức Thắng bày tỏ ấn tượng với thành quả mà tỉnh Bắc Giang đã đạt được thời gian qua. Gần đây nhất, Bắc Giang đã đứng thứ hai trên bảng xếp hạng PCI, có bước tiến lớn trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đồng chí thông tin, những năm qua, tỉnh Hải Dương có nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, Hải Dương cũng đạt được kết quả đáng tự hào.
Năm 2022, Hải Dương tăng trưởng kinh tế đạt 9,14%, quý I năm 2023 tăng trưởng 8,33%. Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra song những kết quả này tạo động lực để địa phương duy trì phát triển ổn định trong thời gian tới.
Giai đoạn 2020-2025, cả hai tỉnh cùng đặt ra chỉ tiêu cao về phát triển KT-XH. Với quan hệ đặc biệt gắn kết, đồng chí đề nghị hai tỉnh nâng cao hơn nữa việc hợp tác đã ký kết từ năm 2019 đến nay.
Đồng chí cũng nhất trí một số nội dung dự thảo ký kết, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Hai bên cùng rà soát kết nối giao thông, có giải pháp thúc đẩy xây dựng công trình như: Cầu Cẩm Lý, quốc lộ 37. Đồng chí cho rằng, chương trình hợp tác này tạo tiền đề để hai tỉnh ngày càng gắn bó, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực phát triển KT-XH của địa phương và cả vùng. Nội dung hợp tác, sẽ được hai tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới./.