Bắc Giang: Đảm bảo các điều kiện để dự án cầu Như Nguyệt khởi công trong tháng 4
(ĐCSVN) – Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 2 với chủ tịch UBND các huyện, thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành diễn ra chiều 28/2. Cùng dự tại điểm cầu tỉnh có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì và phát biểu kết luận Hội nghị. |
Triển khai hiệu quả 9 nhóm nội dung trong điều kiện dịch bệnh phức tạp
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND các huyện, TP báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện và những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến 9 nội dung gồm: Giải ngân vốn đầu tư công; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm; phòng, chống dịch COVID-19; quản lý khai thác khoáng sản, đất san lấp; hoạt động thu gom, xử lý rác thải; sản xuất nông nghiệp, tiến độ xây dựng nông thôn mới; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT); giải quyết kiến nghị của cử tri.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2022 tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý khoảng 9.558 tỷ đồng, đã thực hiện giao vốn chi tiết đạt 100% kế hoạch. Đến nay, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 615 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt 531,2 tỷ đồng, bằng 5,6% kế hoạch. Hiện có 3/10 dự án đầu tư công trọng điểm đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB); một số dự án mới khởi công có tiến độ GPMB nhanh như: Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT291 trên địa bàn huyện Sơn Động; Dự án xây dựng cầu Như Nguyệt; các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách và dự án đối tác công - tư cũng đang được các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng 228 khu xử lý rác thải tại 199/209 xã (tăng 03 khu xử lý tại huyện Việt Yên, Tân Yên và Yên Thế) đạt 95,2%. Trong tháng, tình hình sản xuất nông nghiệp cơ bản đảm bảo kế hoạch và khung thời vụ; công tác theo dõi, dự báo phòng trừ sâu bệnh được thực hiện hiệu quả; các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Về công tác phòng, chống dịch, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 27/02/2022, tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận 43.269 trường hợp mắc COVID-19, tử vong 12 trường hợp; tỷ lệ mắc chiếm 22,1‰ trên dân số toàn tỉnh, tỷ lệ tử vong chiếm 0,28‰ trên tổng số mắc.
Dự báo tình hình dịch trong vài ngày tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận số mắc cao đột biến, đồng thời xuất hiện thêm nhiều trường hợp tử vong do chưa được tiêm phòng, có bệnh nền; dịch có thể đạt đỉnh vào đầu tuần tháng 3/2022. Các trường hợp mắc tiếp tục là người dân trong độ tuổi lao động, đặc biệt là công nhân và những người làm việc nơi tập trung đông người; tiếp đến là trẻ dưới 12 tuổi do chưa được bảo vệ bởi vắc xin phòng COVID-19.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã thảo luận làm rõ nguyên nhân, tồn tại hạn chế dẫn đến tình hình tai nạn giao thông tháng 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời cho biết công tác GPMB các công trình, dự án đang được các địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, tình trạng “xôi đỗ” do vướng mắc về thủ tục hỗ trợ đền bù, dịch chuyển công trình công, làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai thi công các dự án. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do vướng mắc trong GPMB. Hiện còn 10 xã thuộc huyện Lục Nam chưa có bãi tập kết rác thải tập trung. Việc thực hiện quyết định, kết luận giải quyết KNTC còn 49/99 vụ việc chậm, quá hạn.
Một số địa phương như: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Việt Yên và Hiệp Hòa chưa hoàn thành tiến độ giải quyết vụ việc theo kế hoạch “hai tháng cao điểm”. Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến phức tạp trở lại, tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương) so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số người chết vì TNGT tăng gồm: Lục Ngạn (tăng 4 người), Việt Yên và Sơn Động (mỗi huyện tăng 2 người).
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo một số địa phương cũng phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản sai phép, trái phép; công tác thu gom, xử lý các điểm tồn lưu rác thải sinh hoạt sau Tết Nguyên đán…
Để tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo các địa phương cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh một số vấn đề, trong đó đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025 làm cơ sở để triển khai thực hiện và công nhận đối với các xã đăng ký thực hiện trong năm 2022. Đề nghị tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022-2025; hướng dẫn về quy chuẩn định mức kỹ thuật xây dựng nhà lưới, nhà màng và trình tự, thủ tục thanh quyết toán nội dung này trên địa bàn toàn tỉnh.
Làm rõ thêm các ý kiến, kiến nghị của đại diện các địa phương thuộc lĩnh vực phụ trách, đồng chí Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nhân lực ngành y tế mặc dù có gần 200 người bị F0 song cố gắng sắp xếp để không bị đứt gãy chuỗi chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện nay, việc mua kít test còn gặp khó khăn do tình hình chung, đề nghị các địa phương thực hiện thông qua công tác xã hội hóa và sử dụng tiết kiệm. Các khu công nghiệp xem xét việc tầm soát, cho công nhân triệu chứng nhẹ về nhà trọ nghỉ ngơi (hạn chế ở tại công ty) và khai báo trực tuyến.
Thượng tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Trong tháng 3 theo kế hoạch diễn ra nhiều vụ cưỡng chế GPMB sẽ liên quan nhiều đến công tác bảo đảm an ninh trật tự. Do đó các địa phương sớm chủ động, phối hợp với Sở Tư pháp để kiểm tra, thẩm định tính pháp lý của văn bản cũng như trình tự, thủ tục, thẩm quyền để huy động lực lượng tham gia cưỡng chế đúng pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự. Khi xử lý vi phạm về đất đai, nếu có cán bộ, đảng viên vi phạm thì phải xử lý cán bộ, đảng viên trước để làm gương; đề xuất quy hoạch các khu dân cư, đô thị phải có nơi thu gom, lưu trữ rác tạm thời.
Hình ảnh tại điểm cầu trung tâm. |
Kiểm soát tốt việc chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch bệnh dù phức tạp nhưng vẫn nằm trong sự tính toán, kiểm soát của các địa phương. Số người nhiễm liên tục tăng nhanh nhưng số bị nặng phải vào viện điều trị lại thấp. Dự báo trong tháng 3 tới sẽ là đỉnh dịch và sau khi dịch vượt qua đỉnh sẽ giảm và trở lại trạng thái bình thường.
Để phòng, chống dịch hiệu quả, đồng chí Lê Ánh Dương yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin một cách triệt để. Các huyện, thành phố cần tập trung rà soát lại danh sách người tiêm và chưa tiêm vắc xin. Đối với những người chưa tiêm mũi vắc xin nào cần làm rõ nguyên nhân và phải có Giấy xác nhận của Trạm Y tế đối với các trường hợp không đủ điều kiện tiêm; những người có khả năng tiêm mà cố tình không tiêm, yêu cầu cá nhân phải tự cam kết chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình. Các địa phương phải rà soát kỹ, nếu địa phương nào không nắm được danh sách người chưa tiêm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Các địa phương cần tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế việc xét nghiệm COVID-19 (cả công nhân và người dân) vì đang rất khan hiếm bộ xét nghiệm, cung không đủ cầu. Chỉ xét nghiệm những trường hợp có biểu hiện của bệnh. Thực hiện tốt quy định 5K. Những trường hợp F1 phải đi làm bình thường. Chỉ đưa vào điều trị tại bệnh viện những trường hợp F0 nặng, còn lại tự chăm sóc tại nhà. Công nhân đưa vào khu cách ly những trường hợp nặng, ngoại tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế cần chuẩn bị sẵn cơ sở thu dung điều trị để ứng phó nếu có nhiều trường hợp chuyển biến nặng; ngoài ra phối hợp với cơ quan báo chí chủ động thông tin về biến chủng Omicron, cách phòng chống, để tránh hoang mang từ người dân.
Đối với công tác GPMB triển khai dự án, các địa phương cần tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ GPMB. Kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình cản trở, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án; song phải theo tinh thần bảo vệ tối đa quyền lợi, tài sản của người có đất bị thu hồi, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng tiến độ dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cần sớm phân khai các kế hoạch vốn đầu tư; bám sát tiến độ các công trình dự án trọng điểm, đặc biệt dự án cầu Như Nguyệt cần đảm bảo khởi công trong tháng 4; phấn đấu trong quý II khởi công tất cả các công trình, dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Đồng chí Lê Ánh Dương cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các địa phương có tính toán dự báo về nhu cầu sử dụng đất đối với các dự án. Rà soát khu vực quy hoạch mỏ, tham mưu lộ trình để cấp phép mỏ đất; Các huyện, thành phố rà soát phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thu gom rác thải, mở chiến dịch giải quyết dứt điểm rác thải tồn lưu sau Tết phấn đấu xử lý xong trong tháng 3; Các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ Chiêm Xuân.
Phân tích rõ những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng tới vụ vải thiều sắp tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, căn cứ vào tỷ lệ ra hoa hiện nay, dự báo vải thiều của tỉnh năm nay sẽ có khả năng tiếp tục cho năng suất cao như năm trước. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo sản xuất vải thiều đảm bảo năng xuất, chất lượng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Lục Ngạn, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và PTNT cần sớm chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó thị trường tiêu thụ vải thiều; nghiên cứu phương án xúc tiến tiêu thụ vận chuyển để khắc phục khó khăn, bất cập có thể xảy ra. Trong đó, ngoài phương án vận chuyển đường bộ, các đơn vị có thể nghiên cứu thêm đường sắt, cùng đó kêu gọi các thương nhân cùng vào cuộc để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới sang các nước Mỹ, Nhật Bản,…/.