Bắc Giang: Công bố và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050
(ĐCSVN) – Nhìn vào quy hoạch này, cán bộ, đảng viên, nhân dân biết Bắc Giang 10 năm, 30 năm tới sẽ như thế nào. Trong bản quy hoạch có hệ thống 58 bản đồ kèm theo quy hoạch, thể hiện chi tiết các định hướng phát triển chung trong thời gian tới…
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Lễ công bố. |
Ngày 1/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn năm 2050.
Dự tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động KT-XH đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia; đồng thời bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm. |
Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Theo đó, đến năm 2030 Bắc Giang đặt ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng có bước đột phá. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Toàn Bắc Giang sẽ hình thành 29 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Giang), 4 đô thị loại IV, 26 thị trấn là đô thị loại V. Quy hoạch 23 khu đô thị - dịch vụ gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.
Ba khu du lịch trọng điểm, hướng tới mục tiêu phát triển trở thành khu du lịch quốc gia bao gồm: Khu du lịch Tây Yên Tử; Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.
Bốn khu phát triển trở thành khu du lịch cấp tỉnh gồm: Khu du lịch văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao, huyện Sơn Động; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa Bản Ven - Xuân Lung - Thác Ngà, huyện Yên Thế; Khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn - Vân Hà, huyện Việt Yên; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang.
Bắc Giang quy hoạch 10 nghìn ha đất cho phát triển công nghiệp. Đến năm 2030, quy hoạch 29 khu công nghiệp (KCN). Các khu vực bố trí tập trung các khu, cụm công nghiệp như: Theo trục hành lang quốc lộ (QL) 1, cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn; KCN theo trục hành lang ĐT 398, ĐT296- ĐT295- QL37- QL17- ĐT 299; KCN phía Đông theo hướng hành lang ĐT 293- QL37, vành đai V.
Để thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trên quan điểm các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các nội dung trong quy hoạch chủ động tham mưu triển khai các nhiệm vụ theo quy định.
Xác định bước đi, lộ trình cụ thể hóa phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực để đạt mục tiêu của quy hoạch; xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể các phương án quy hoạch gồm đầu tư công và các dự án ngoài vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất phù hợp với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn. Xác định rõ nguồn lực và giải pháp để thực hiện theo quy hoạch. Trong tổ chức thực hiện phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành, địa phương.
Cụ thể, trước 31/3/2022 xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động và các văn bản cụ thể triển khai kế hoạch, trong đó xác định rõ đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/10 hằng năm.
Tại hội nghị, một số đại biểu tham luận về một số giải pháp thực hiện quy hoạch như: Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ; rà soát quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ rừng, môi trường; phát triển khu đô thị hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy hoạch.
Các đại biểu tham quan các bản đồ Quy hoạch tỉnh. |
Hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển trong Quy hoạch
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, là vinh dự của Bắc Giang, là kết quả nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị.
Qúa trình chuẩn bị và hoàn thiện Quy hoạch được các cấp, các ngành thực hiện rất công phu, bài bản, khoa học và được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời những yêu cầu mới. Do đó, quá trình triển khai thực hiện thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi.
Đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, trước hết cần thống nhất nhận thức về vai trò của quy hoạch. Nhìn vào quy hoạch này, cán bộ, đảng viên, nhân dân biết Bắc Giang 10 năm, 30 năm tới sẽ như thế nào. Trong bản quy hoạch có hệ thống 58 bản đồ kèm theo quy hoạch, thể hiện chi tiết các định hướng phát triển chung trong thời gian tới. Quy hoạch giúp tỉnh tổ chức không gian, phân bổ lãnh thổ để quản lý khép kín đất đai, công trình xây dựng sau này; giúp phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trước hết, dựa trên tiềm năng đất đai, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp. Quy hoạch đã xác định 29 khu công nghiệp (KCN) và 63 cụm công nghiệp. Đây chính là động lực phát triển kinh tế của Bắc Giang.
Ngoài công nghiệp, Bắc Giang còn có lợi thế phát triển dịch vụ, bởi gần biên giới, trong vùng Thủ đô và các đầu mối giao thông đa phương tiện (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy). Do đó, phải phát huy lợi thế logistics, thương mại dịch vụ. Cùng đó, với lợi thế có nhiều vùng đồi núi nên ngoài phát triển trồng cây ăn quả, tỉnh phát triển lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng...
Bản quy hoạch giúp nhìn rõ tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Nhờ quy hoạch mà các doanh nghiệp có hy vọng vào tương lai, nhìn rõ hướng phát triển để yên tâm đầu tư trên cơ sở nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của tỉnh đề ra trong quy hoạch.
Các đại biểu tham luận tại các điểm cầu. |
Quy hoạch đã có, lại là tỉnh đầu tiên được phê duyệt, do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành cũng phải là tỉnh đầu tiên thực hiện quy hoạch, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển của Bắc Giang. Phấn đấu là tỉnh đầu tiên và đi đầu trong cả nước trong triển khai và thực hiện thành công quy hoạch.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, đồng chí Lê Ánh Dương yêu cầu trước hết cần công bố công khai rộng rãi quy hoạch để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được tầm nhìn, khát vọng phát triển của Bắc Giang. Từng ngành, từng lĩnh vực, UBND cấp huyện, xã công bố, công khai nội dung quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ các cấp, công chức, viên chức, doanh nghiệp trong tỉnh cần tìm hiểu để nắm chắc nội dung quy hoạch, đặc biệt là các ngành. Ngành nào phải nắm chắc nội dung quy hoạch của ngành đó, từng nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể để triển khai.
Đồng chí cũng yêu cầu cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh tất cả các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án có liên quan để bổ sung sao cho phù hợp, khớp với quy hoạch chung của tỉnh. Các huyện, xã, thị trấn điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu trong quý 2, tất các các sở, ngành, địa phương phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung xong quy hoạch. Đồng thời tăng cường quản lý theo quy hoạch, nhất là quản lý đất đai.
Giải pháp quan trọng tiếp theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu tập trung thực hiện các đột phá về: cơ chế chính sách, cải cách hành chính; tạo đột phá về phát triển hạ tầng, đặc biệt về giao thông; đột phá về phát triển nguồn lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phát huy các nguồn lực: Đất đai, tài nguyên, nguồn lực tri thức, con người, khoa học - công nghệ, chất xám… đưa vào phục vụ phát triển về mọi mặt của tỉnh. Đồng thời thu hút nguồn ngoại lực từ bên ngoài từ các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước, nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu trong tháng 3 các sở, ngành của tỉnh và các huyện, TP, xã, thị trấn phải hoàn thành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trong phạm vi, địa bàn của từng ngành, địa phương, đơn vị./.