Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới

Thứ Năm, 06/06/2024 20:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới; Giá xăng giảm sâu về dưới 22.000 đồng/lít; Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (06/6).

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới

Ngày 6/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt kết luận điều tra vụ án lừa đảo, rửa tiền tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ án này được tách ra trong quá trình công an điều tra vụ tham ô liên quan Trương Mỹ Lan - người vừa bị tuyên án tử hình.

Theo điều tra, Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân gồm: Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng giá trị 25 gói trái phiếu này là hơn 30.869 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn là chủ mưu trong việc rửa tiền, hơn 445.747 tỷ đồng. Trong số này có hơn 415.000 tỷ đồng từ hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và 30.081 tỷ đồng có được từ hành vi lừa đảo nói trên.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà sơ thẩm. (Ảnh: Minh Tuệ). 

Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật. Tổng số tiền được vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 11/4, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ và Tham ô tài sản.

Những bị cáo còn lại trong vụ án bị tòa phạt mức án từ 3 năm tù treo tới tù chung thân về một trong các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Ngoài mức án trên, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) tương đương số tiền 673.849 tỷ đồng.

Tòa quyết định tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ tương ứng.

Bên cạnh đó, tòa tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt các tài sản có liên quan tới vụ án cũng như kiến nghị làm rõ nhiều nội dung khác.

Ngày 26/4, từ trại tạm giam, bị cáo Trương Mỹ Lan đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Giá xăng giảm sâu về dưới 22.000 đồng/lít

Ngày 6/6, thông tin từ Bộ Công Thương về điều hành giá xăng dầu cho biết, giá xăng dầu được điều chỉnh đồng loạt giảm mạnh tới 618 đồng/lít, xăng RON95 về giá 21.999 đồng/lít.

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 30/5/2024 - 05/6/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: tồn kho dầu thô của Mỹ tăng lên, OPEC+ có thể tăng nguồn cung dầu thô vào Quý IV năm 2024, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina vẫn tiếp diễn… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen tùy từng mặt hàng nhưng có xu hướng giảm là chủ yếu.

 Các mặt hàng xăng dầu giảm giá mạnh vào ngày 6/6/2024. (Ảnh: Tùng Dương).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 30/5/2024 và kỳ điều hành ngày 06/6/2024 là: 85,366 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 3,830 USD/thùng, tương đương giảm 4,29%); 90,098 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,832 USD/thùng, tương đương giảm 3,05%); 93,672 USD/thùng dầu hỏa (giảm 2,134 USD/thùng, tương đương giảm 2,23%); 93,490 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (giảm 1,842 USD/thùng, tương đương giảm 1,93%); 506,712 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 8,908 USD/tấn, tương đương giảm 1,73%).

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên, biến động tỷ giá VND/USD và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định phương án điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Tại kỳ điều hành giá hôm nay 6/6, liên Bộ Công Thương quyết định không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút. Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 21.141 đồng/lít (giảm 618 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 836 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 21.977 đồng/lít (giảm 542 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành);

Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 19.422 đồng/lít (giảm 325 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 19.557 đồng/lít (giảm 374 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 17.285 đồng/kg (giảm 253 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Ngày 06/6/2024, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc tàu Hải Dương 26 đang hoạt động khảo sát ở vùng biển Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng   

Liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam, phía Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc về vụ việc này. 

Việt Nam hết sức quan ngại và kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự, tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ UNCLOS 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát, giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển của quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông./.

TL (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN