Bà Rịa - Vũng Tàu: Hiệu quả từ sáng chế "Cụm tời nạo vét cống"
(ĐCSVN) – Sáng chế "Cụm tời nạo vét cống" được đưa vào sử dụng có thể vận hành cả trong điều kiện lòng cống bị ngập nước hay địa hình phức tạp. Đặc biệt, sáng chế này giúp người công nhân không phải chui vào lòng cống để nạo vét bùn đất, giá thành lại rẻ hơn hàng trăm lần so với thiết bị chuyên dùng nhập từ nước ngoài.
Sáng chế cụm tời nạo vét cống được ứng dụng rộng rãi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Bích Liên |
Được biết, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hệ thống cống ngầm dài hơn 200 km, trong đó TP.Vũng Tàu chiếm hơn một nửa, nhưng chất lượng không đồng bộ nên việc khơi thông gặp rất nhiều khó khăn. Công nhân thường phải chui vào lòng cống để nạo vét, song cũng chỉ thực hiện được một đoạn dài chừng 5 m cách miệng hố ga, phần còn lại không thể xử lý được vì ngột ngạt và chật chội. Đã vậy, một số tuyến cống được xây dựng từ hàng chục năm trước, đã xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào, đe dọa cho tính mạng công nhân khi chui vào bên trong nạo vét.
Bên cạnh đó, những người nạo vét cống còn phải đối mặt với vô số rủi ro tiềm ẩn dưới lòng cống như: Ô nhiễm, khí độc, rắn rết, mảnh thủy tinh và ống chích, chính vì vậy, nhiều vị trí cống ngầm không nạo vét được, con người đành bất lực để lượng bùn đất rất lớn tồn đọng trong lòng cống từ năm này qua năm khác.
Thời điểm đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang sử dụng tời để kéo bùn đất trong lòng cống. Tuy nhiên, công nghệ này không hoàn thiện, công nhân vẫn phải chui vào lòng cống để luồn dây và công suất thấp. Tại Hà Nội, xe chuyên dụng đã được sử dụng, nhưng giá thành lên tới hàng tỷ đồng/xe. Thêm nữa, công suất hút của loại xe này quá lớn, có thể làm đứt gãy các mối nối cống.
Để giải quyết thực trạng trên, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) đã chế tạo cụm tời nạo vét cống. Sáng chế này đang được ứng dụng rộng rãi tại hơn 40 tỉnh, thành phố, vừa tăng năng suất lao động, vừa bảo vệ sức khỏe cho công nhân, góp phần làm sạch, đẹp hạ tầng đô thị.
Nói về sáng chế này, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước và Dịch vụ môi trường TP Vũng Tàu thuộc Công ty Busadco cho biết: Việc nghiên cứu và chế tạo cụm tời nạo vét cống ngầm được bắt đầu từ cuối năm 2003. Sau 7 tháng nghiên cứu và nhiều lần thử nghiệm, thiết bị này chính thức được đưa vào ứng dụng. Thiết bị gồm hai hệ thống tời đặt ở hai hố ga cách nhau khoảng 50m, để điều chỉnh một quả cầu nạo vét di chuyển dọc theo trục giữa tời thông qua sợi cáp không gỉ. Về nguyên lý làm việc, khi cụm tời số 1 kéo thì cụm tời số 2 nhả cáp và ngược lại, quả cầu chế tạo bằng thép hở xung quanh chạy dọc lòng cống, kéo bùn và rác ra khỏi cống thu về hố ga. Với những vị trí có lớp bùn dày đặc do tồn đọng lâu năm, quả cầu nạo sẽ được thay thế bằng quả cầu phá để đánh tơi lớp bùn, sau đó sử dụng lại quả cầu nạo để thu gom bùn rác về hố ga ở hai đầu đoạn cống ngầm. Tốc độ nạo vét nhanh hay chậm do người vận hành điều khiển và phụ thuộc vào lượng bùn đất trong lòng cống.
Chia sẻ về sáng kiến này, ông Hoàng Đức Thảo cho biết, cụm tời nạo vét cống có tính năng dễ sử dụng, dễ vận chuyển và an toàn, có thể vận hành cả trong điều kiện lòng cống bị ngập nước hoàn toàn hay những địa hình phức tạp. Công suất hoạt động của thiết bị gấp 20 lần thiết bị sử dụng ở TP Hồ Chí Minh. Về hiệu quả kinh tế, giá thành rẻ hơn hàng trăm lần so với thiết bị chuyên dùng nhập từ nước ngoài.
Với việc áp dụng rộng rãi thiết bị này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xóa toàn bộ 45 điểm ngập úng nặng và bảo đảm thông suốt cho hơn 290km cống ngầm, 5.000 hố thu nước.
Sáng chế này cũng giúp Busadco đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2004. Hiện Busadco đang nghiên cứu tiếp tục cải tiến để sản phẩm này có thêm tính năng đưa bùn từ hố ga lên thẳng xe chứa để công nhân gần như không phải tiếp xúc với bùn đất ô nhiễm.
Đồng thời, trong thời gian tới Busadco cũng sẽ nghiên cứu thêm những thiết bị khác phục vụ công tác bảo vệ môi trường, giảm lao động vất vả, nặng nhọc, độc hại cho công nhân./.