Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh thực hiện Đề án 06
(ĐCSVN) - Thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai, đốn đốc thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần của tỉnh đã được cung cấp, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với 1.505 dịch vụ (574 toàn trình, 939 một phần). Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số ngày càng tăng trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Nhà mạng tuyên truyền về chủ trương và các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi điện thoại 2G tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ). |
Năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện 3 khâu đột phá về chuyển đổi số, cụ thể: triển khai kết nối, đồng bộ và tích hợp dữ liệu ngành, lĩnh vực có liên quan về Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh; duy trì, vận hành app “Điều hành công việc” giúp lãnh đạo UBND tỉnh theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan, đơn vị; kịp thời chỉ đạo và xử lý các nhiệm vụ, hồ sơ, thủ tục dịch vụ công trực tuyến chậm, trễ hẹn hoặc có nguy cơ chậm, trễ hạn.
Hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản để thực hiện mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G trên địa bàn tỉnh, hướng tới đến hết năm 2024, lắp đặt và đưa vào vận hành 200 trạm 5G thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh...; Nâng tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa đạt 70%.
Để thúc đẩy mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 21/6/2024 về duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 và những năm tiếp theo của tỉnh. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ quy định và được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao...
Bên cạnh đó, tăng cường tìm hiểu, áp dụng các mô hình, cách làm mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn. Tiếp tục thực hiện rút ngắn 40% đến 45% thời gian giải quyết TTHC của tối thiểu 40% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo Kế hoạch của UBND tỉnh; rà soát, đề xuất đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có hàng loạt các yêu cầu thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số cá nhân. Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về thúc đẩy sử dụng chữ ký số cá nhân trong dịch vụ công nói riêng và các giao dịch điện tử nói chung; thúc đẩy dịch vụ công toàn trình, tiến đến 100% dịch vụ công tại đơn vị sử dụng chữ ký số; chủ động triển khai việc tích hợp giải pháp ký số đối với các giao dịch điện tử và tạo môi trường, ứng dụng cho việc sử dụng chữ ký số cá nhân trong các lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân; tiếp tục triển khai chương trình cấp chữ ký số miễn phí cho người dân.
Khách du lịch thích thú với những chiếc vòng tay có mã quét QR lưu trữ các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng đến thời điểm các thuê bao sử dụng điện thoại 2G bị tắt sóng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các nhà mạng, huyện, thị xã, thành phố truyền thông bằng nhiều kênh khác nhau về chủ trương, thời điểm và những lợi ích của việc tắt sóng 2G. Trong đó, chú trọng đến vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng để thông tin đến được với từng đối tượng khách hàng đang sử dụng điện thoại 2G only trên địa bàn tỉnh, nhất là các đối tượng như người lớn tuổi, người ở vùng xa, ngư dân đi biển…
Ngoài việc tuyên truyền để khách hàng sử dụng các loại điện thoại có hỗ trợ các tính năng mới, chuẩn bị cho việc chuyển đổi, các nhà mạng đang tăng cường phủ sóng 4G, đặc biệt là 5G để thay thế vùng 2G sẽ bị tắt sóng. Năm 2024, một trong những khâu đột phá trong chuyển đổi số của tỉnh là các doanh nghiệp viễn thông tại Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản để phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G. Trong đó, lắp đặt và đưa vào vận hành 200 trạm 5G phục vụ người dân, khách du lịch, nhằm phổ cập điện thoại thông minh, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh./..