Bà Rịa - Vũng Tàu: 100% huyện, thị xã, thành phố đã có kế hoạch chuyển đổi số
(ĐCSVN) - Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua hai năm (2021-2022) thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, 100% huyện, thị xã, thành phố đã có kế hoạch chuyển đổi số với các nội dung, chỉ tiêu và thời gian hoàn thành cụ thể theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh.
Mô hình đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. (Nguồn ảnh: moc.gov.vn). |
Đặc biệt, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính và thực hiện các chỉ tiêu chuyển đổi số được Trung ương giao trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh đã ban hành Quyết định số 97/QĐ-BCĐ về Kế hoạch hoạt động của Ban, theo đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giao đơn vị chủ trì, triển khai cụ thể, rõ ràng.
Trên cơ sở đó, 100% các cơ quan, đơn vị đều xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Kết quả triển khai thực hiện theo Quyết định số 97/QĐ-BCĐ tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 53,6%, vượt chỉ tiêu 3,6%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đã thực hiện 100% cho hồ sơ phát sinh mới; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100%; hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 70%, vượt chỉ tiêu 40%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng của tỉnh đạt 95,52%, chỉ tiêu tỉnh đặt ra là 90%; thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng hoàn thành theo chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 82,52%, chỉ tiêu tỉnh đặt ra là 80%...
Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn các chỉ tiêu chưa đạt và cần nỗ lực trong thời gian tới như: 30% tỷ lệ doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng số; 50% tỷ lệ doanh nghiệp SME sử dụng hợp đồng điện tử; 50% tỷ lệ doanh nghiệp SME có tên miền .vn; 20% tỷ lệ người dân có định danh điện tử; 90% tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 80% tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh; mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến 100% xã, phường, thị trấn; 100% tỷ lệ xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử (hoặc chuyên mục riêng); việc xây dựng Kho dữ liệu số của tỉnh và thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, viễn thông, truyền hình, điện, nước,..
Cùng với đó, để làm tốt việc triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh theo Nghị quyết số 112/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của HĐND tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra 12 nội dung nhiệm vụ, trong đó 04 nội dung triển khai bằng nguồn vốn sự nghiệp, đưa vào dự toán kinh phí thường xuyên hàng năm và 8 dự án đầu tư công, gồm: (1) Xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ICT sẵn sàng, đủ điều kiện tối thiểu cho phát triển các dịch vụ đô thị thông minh (giai đoạn 1); (2) Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; (3) Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý Giáo dục thông minh (giai đoạn 1); (4) Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý Y tế thông minh (giai đoạn 1); (5) Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý Tài nguyên và Môi trường thông minh (giai đoạn 1); (6) Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý và hỗ trợ Du lịch thông minh (giai đoạn 1); (7) Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích thông minh phục vụ quản lý Giao thông và đảm bảo An ninh trật tự; (8) Xây dựng hệ thống quản lý điều hành Đô thị thông minh thành phố Vũng Tàu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành nhiệm vụ Xây dựng Kiến trúc công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh. Dự án "xây dựng hệ thống quản lý điều hành đô thị thông minh thành phố Vũng Tàu" đã được tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư công cho địa phương thực hiện theo phân cấp, đã hoàn tất thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích thông minh phục vụ quản lý, đảm bảo an ninh trật tự (do Công an tỉnh làm chủ đầu tư) đã được tổ chức thẩm định lần 1. Các sở: Y tế, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án do đơn vị mình làm chủ đầu tư và gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát hồ sơ. Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất chuyển dự án "xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý Giáo dục thông minh" sang hình thức thuê dịch vụ và sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên. Riêng có 01 dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư chưa triển khai các thủ tục và không có báo cáo tiến độ./.