“Ba Đình nắng” vang vọng, nhớ Bác, nhớ ngày Thu lịch sử
“Gió vút lên, ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên, đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây, lắng nghe vang tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây, trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh”… Đó là những ca từ đầu tiên trong bài hát “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch.
Thật thân thương biết mấy khi những ca từ ấy vang lên khiến mỗi người dân Việt Nam lại rưng rưng xúc động nhớ về những ngày mùa Thu cách mạng năm 1945. Còn đặc biệt hơn khi Ba Đình nắng là một trong những bài hát hay nhất, tiêu biểu nhất khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 02/9/1945.
Cách đây 78 năm, ngày 02/9/1945 đã diễn ra một sự kiện thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Đó là biển người hân hoan đổ về quảng trường Ba Đình với rực rỡ cờ hoa, náo nức hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cũng là một trong những người có may mắn được chứng kiến cảnh tượng lịch sử đó, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ không giấu nổi sự xúc động của mình. Sinh thời, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ từng chia sẻ: “Chứng kiến không khí ngày hôm đó - 02/9/1945 - tôi không kìm nén được xúc động. Ai mà không sống trong ngày ấy thì khó có thể hiểu được tâm trạng của tôi cũng như bao người dân Việt. Tôi tự nhủ mình phải viết một bài hát về sự kiện lớn lao này nhưng rồi bận nhiều công việc và cũng loay hoay mãi vẫn không biết bắt đầu như thế nào, sẽ khai thác những ý tứ gì”.
Sau này, vào năm 1947, khi đọc được bài thơ “Ba Đình nắng” của Vũ Hoàng Địch, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ mới nảy ra ý nghĩ sẽ phổ bài thơ thành bài hát. Với ông, “Ba Đình nắng” là một bài thơ nói được rất nhiều điều sâu sắc về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Nhờ thế, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ chỉ cần lựa chọn được một ngôn ngữ âm nhạc phù hợp để chuyển tải là sẽ thành công. Kể từ ấy, bài hát “Ba Đình nắng” ra đời và trở thành một ca khúc đi cùng năm tháng được nhiều người đón nhận.
Không chỉ tái hiện thành công niềm vui, niềm hân hoan ngày đất nước độc lập với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên lễ đài trước Quảng trường Ba Đình, trong bài hát “Ba Đình nắng”, tác giả đã gây xúc động mạnh mẽ khi khắc họa hình ảnh trung tâm của bài hát là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thân thương, gần gũi làm sao. Điều này được thể hiện qua những ca từ: “Cha hiện lên, giọng nói hẹn thành công: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?"/ Ôi thân mến lời Cha già dân tộc/ Bộ kaki đã bạc với gió sương/ Người hiện thân sức mạnh của hòa bình”…
Ở đây, tác giả đã hết sức tài hình khi đưa vào lời ca tiếng hát hình ảnh Bác Hồ với câu nói giản dị đến vĩ đại: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” một cách nhuần nhị, đầy xúc cảm. Còn xúc động hơn, khi ca từ vang lên còn thấy hình dung về một Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhưng gần gũi đến vô cùng. Đó là hình ảnh Người xuất hiện trên lễ đài trong bộ kaki bạc màu sương gió giữa tiếng hô vang, reo vui của đông đảo quần chúng nhân dân có mặt. Điều này càng khiến ca khúc “Ba Đình nắng” làm nên ấn tượng sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng đồng bào khi Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Câu nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” bình dị của của Người khiến ai nấy đều dâng trào cảm xúc trước tình cảm của Người với đồng bào cả nước.
Đến khi khép lại “Ba Đình nắng”, tác giả cũng đã gửi vào ca khúc của mình những cảm xúc thật đẹp và xúc động. Đó là cảm xúc về một tương lai mới, một cuộc sống mới với niềm hy vọng về một đất nước độc lập, hòa bình và hạnh phúc của nhân dân qua những ca từ: “Nhìn cờ trên kỳ đài phấp phới/ Anh thầm tin sắp tới thu nào/ Thu ngày mai, thu thanh bình/ Đời đời sẽ hết điêu linh/ Thu ngày mai, thu chiến thắng/ Cờ vươn lên trong nắng hồng tươi”…
Từng dòng người vào Lăng viếng Bác trong sáng ngày 02/9/2023.
Sẽ không sai khi khẳng định “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ là một tư liệu lịch sử bằng âm nhạc. Bởi ca khúc ấy vẫn sống mãi với thời gian giúp cho các thế hệ người Việt Nam sau này có thể hình dung, tưởng tượng và hòa mình vào không khí của mùa thu cách mạng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trong vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi, xúc động.
Và mỗi dịp Quốc khánh 2/9, nắng thu vẫn vàng rực trên Quảng trường Ba Đình, đồng bào cả nước vẫn nối dài về Lăng viếng Bác với một niềm thành kính vô bờ bến như biển người năm nào. “Ba Đình nắng” như vẫn đang vang vọng đâu đây bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng nghĩa một giai điệu hào hùng ghi dấu lịch sử của dân tộc Việt Nam anh hùng./.