APEC 2023: “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”
(ĐCSVN) - Năm 2023, Mỹ đăng cai APEC lần thứ ba, tiếp theo các năm 1993 và 2011 với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người” (Creating a Resilient and Sustainable Future for All) dựa trên 03 ưu tiên về: Kết nối - xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; Đổi mới sáng tạo - thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; Bao trùm - củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.
Tuần lễ cấp cao APEC 2023 được tổ chức ở thành phố San Francisco, Mỹ |
Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 62% GDP và 48% thương mại toàn cầu .
APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc; không có Hiến chương hay điều lệ. APEC dùng khái niệm “nền kinh tế”; Lãnh đạo Cấp cao của các thành viên được gọi chung là các nhà Lãnh đạo kinh tế.
Hoạt động hàng năm của APEC gồm: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế; các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực khác như cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, an ninh lương thực, phụ nữ và kinh tế, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông...; 05 Hội nghị các Quan chức Cao cấp, cùng nhiều hội nghị, hội thảo của các Uỷ ban, Nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.
Năm 1994, tại Bogor, Indonesia, các Nhà Lãnh đạo kinh tế đã thông qua các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở đối với các nền kinh tế thành viên phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế thành viên đang phát triển vào năm 2020.
Trong giai đoạn triển khai các Mục tiêu Bogor (1994 – 2019), tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại, đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC đã đạt mức tăng trưởng lớn, cụ thể: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ gần như được nhân gấp 04 lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,9%/năm; Mức thuế quan trung bình theo nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) giảm từ 13,9% xuống 5,2% trong năm 2019; Lượng vốn FDI đầu tư vào và ra củ các nền kinh tế thành viên APEC tăng trưởng trung bình trên 10%/năm với sự đóng góp ngày càng lớn từ các nền kinh tế đang phát triển; Tăng trưởng GDP thực trong APEC đạt trung bình 3,9%/năm, nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong khi mức tăng trưởng tính trên đầu người đạt 3,1%.
Đến nay, APEC đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả 3 trụ cột hợp tác. Bên cạnh những thành tựu về tự do hóa thương mại và đầu tư nêu trên, về thuận lợi hóa kinh doanh, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua các lần cắt giảm 5% vào các năm 2006, 2010 và 10% vào năm 2015. Về hợp tác kinh tế - kỹ thuật, mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án hợp tác và nâng cao năng lực với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.
Hiện APEC đang triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn gồm: Chương trình nghị sự tăng cường về cải cách cơ cấu đến 2025, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến 2025, Kế hoạch kết nối tổng thể đến 2025, Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến 2030, Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến 2025, Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng Bao trùm đến 2030.
Năm 2020, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai, trên cơ sở thúc đẩy 03 trụ cột hợp tác về thương mại và đầu tư, đổi mới và số hóa, và tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm. Tầm nhìn tiếp tục khẳng định các nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận và không ràng buộc trên cơ sở hợp tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung. Tầm nhìn nhấn mạnh vai trò hàng đầu của APEC và cam kết nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò quản trị toàn cầu của APEC.
Năm 2021, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Kế hoạch Hành động Aotearoa, đề ra các mục tiêu và hành động cụ thể nhằm triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 với 03 phần chính: (i) Mục tiêu, cam kết hành động của riêng từng nền kinh tế và cam kết hành động chung đối với 03 trụ cột hợp tác của Tầm nhìn; (ii) Đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động APEC với vai trò là một thể chế với các mục tiêu cụ thể đến năm 2025; (iii) Rà soát và đổi mới kế hoạch hành động và kết quả thực hiện: giám sát các mục tiêu hàng năm; rà soát 5 năm thực hiện các cam kết; rà soát giữa kỳ các mục tiêu và hành động.
Năm 2022, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố chung về các Mục tiêu Bangkok về Mô hình Kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) - chiến lược tăng trưởng mới trong giai đoạn hậu COVID. Đây là khuôn khổ toàn diện thúc đẩy chương trình nghị sự của APEC về phát triển bền vững trên 04 khía cạnh: (i) Đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với các thách thức môi trường; (ii) Thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững; (iii) Bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (iv) Quản lý rác thải bền vững và hiệu quả tài nguyên, hướng tới rác thải bằng không.
Năm 2023, Mỹ đăng cai APEC lần thứ ba, tiếp theo các năm 1993 và 2011 với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người” (Creating a Resilient and Sustainable Future for All) dựa trên 03 ưu tiên về: Kết nối - xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; Đổi mới sáng tạo - thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; Bao trùm - củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.
Chủ đề và các ưu tiên do Hoa Kỳ đề xuất có sự tiếp nối với những chủ đề và ưu tiên của các Chủ nhà APEC những năm gần đây, đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững và bao trùm, kết nối, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới. Năm 2023 đánh dấu 30 năm kể từ Hội nghị Các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đầu tiên được tổ chức tại Đảo Blake, Hoa Kỳ (1993 - 2023)
Các Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) chuyên ngành APEC đã thông qua một số bộ nguyên tắc, khuyến nghị không ràng buộc như Nguyên tắc Chuyển đổi Năng lượng Công bằng APEC; Nguyên tắc để đạt được an ninh lương thực thông qua Hệ thống nông nghiệp-thực phẩm bền vững trong khu vực APEC; Đề xuất Lồng ghép tính bao trùm và bền vững vào các chính sách thương mại và đầu tư; và Chương trình hành động và Khung giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Năm 2023 là năm Diễn đàn triển khai rà soát việc thực hiện Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Theo đó, các thành viên sẽ báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch ở cả 3 trụ cột: thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo; tăng trưởng bền vững và bao trùm. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có rất nhiều sự bất ổn, thách thức thì diễn đàn kinh tế APEC lần này sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế bàn thảo về các vấn đề thách thức này và các biện pháp để khắc phục, cũng như là sự phối hợp về chính sách giữa các nền kinh tế, làm thế nào để mang lại sự phục hồi kinh tế nhanh nhất, cũng như là bảo đảm nền kinh tế phát triển lành mạnh và vững mạnh trong thời gian tới.
Các thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định vai trò diễn đàn hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy các nỗ lực đa phương trong thúc đẩy phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường.
Thông tin về Tuần lễ cấp cao APEC 2023 1. Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 sẽ diễn ra tại San Francisco, Hoa Kỳ từ 11 - 17/11/2023, gồm các hoạt động chính: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 30 (17/11); Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (15 - 16/11); Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (16/11); Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo APEC với Khách mời (16/11); Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 34 (14 - 15/11); Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30 (12 - 13/11); Hội nghị Tổng kết các Quan chức cao cấp APEC (11 - 12/11). 2. Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (HNCC) lần thứ 30 sẽ thảo luận về chủ đề “Kết nối và Các nền kinh tế tự cường và bao trùm”. 3. Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế (HNBT) lần thứ 34 gồm các phiên họp với chủ đề về “Xây dựng khu vực tự cường và kết nối để tăng cường thịnh vượng kinh tế bao trùm” và “Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo vì tương lai bền vững và Bảo đảm tương lai bình đẳng và bao trùm cho tất cả mọi người”. 4. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 30 gồm các phiên họp tập trung vào “Tình hình Tài chính và Kinh tế thế giới và khu vực”, “Mô hình kinh tế trọng cung hiện đại”, “Tài chính bền vững” và “Tài sản số”. |