Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Áp lực vì… chạy

Thứ Sáu, 10/05/2024 15:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong vài năm gần đây, hầu như tuần nào cũng có giải chạy được tổ chức. Điều này cho thấy chạy bộ ngày càng có sức cuốn hút và ý thức tập luyện của người dân ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, số lượng giải chạy liên tục được mở đang khiến môn thể thao này trở thành áp lực đối với một số người tham dự.

 Ảnh minh họa.

Đâu phải cứ rảnh là chạy!

Chạy bộ hiện đang trở thành môn thể thao được giới văn phòng rất ưa chuộng. Vì vậy, ngoài những giải chạy truyền thống như: Việt dã, marathone vào những ngày cuối tuần, thì với sự giúp đỡ của công nghệ, những giải chạy trực tuyến (online) đã được hình thành như: Việt Nam Hùng cường, Triệu bước chân nhân ái, Đạp gió rẽ sóng...

Chạy trực tuyến (online) mà ở đó người tham gia đăng ký, lựa chọn mục tiêu và chạy tại mọi cung đường mà họ muốn. Điều này giúp mỗi người linh hoạt thời gian và ai cũng có thể trở thành vận động viên và tham gia vào cộng đồng chạy bộ. Những giải chạy này có ý nghĩa cho cộng đồng như có giải đưa ra chương trình gây quỹ cho cộng đồng với mỗi km đi bộ/chạy bộ của vận động viên, đơn vị đồng hành tài trợ sẽ đóng góp một khoản tiền tượng trưng. 

 

Không thể phủ nhận những giải chạy online giúp mọi người đều có thể tham gia trong khả năng của mình. Sáng dậy sớm thì chạy, tranh thủ trước khi ăn tối thì chạy. Cứ sắp xếp được thời gian, công việc là chạy! Theo “trend” chạy hiện nay, một số đơn vị lớn phát động thi đua cho toàn cơ quan đăng ký giải chạy online và yêu cầu mọi người tham gia.

Mới đầu giải chạy, ai cũng hào hứng. Nhưng không phải ai cũng lường trước được sức khỏe của mình cũng như sắp xếp được công việc, gia đình. Chị Minh Hà (Nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Công việc của chúng tôi phải về muộn. Về đến nhà lại lo cho con ăn uống, học hành. Hôm vừa rồi Hà Nội mưa to, do thời gian giải chạy của cơ quan sắp hết mà lãnh đạo giục vì thành tích của đơn vị nên tôi cũng phải đội mưa mà ra chạy cho đủ số km”.

Chạy nhiều chưa chắc là tốt

Trên thế giới và Việt Nam ghi nhận không ít trường hợp tử vong khi hoạt động thể thao, cả ở người lớn và trẻ em.

Trong một số giải chạy gần đây ở Việt Nam, đã có vận động viên đột tử do gắng sức trên đường đua. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế thể thao cho biết, những trường hợp vận động viên bị đột tử, nhìn bề ngoài trông khỏe mạnh nhưng bên trong cơ thể có thể có bệnh lý tiềm ẩn như các bệnh tim bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não… Những trường hợp này không có biểu hiện ra bệnh lý, là do họ thích nghi với lượng vận động ở mức độ bình thường. Nhưng khi họ chủ quan, cố tập luyện, thi đấu với lượng vận động quá lớn, vượt ngưỡng “chịu tải” của tim, mạnh, hô hấp,… thì dẫn đến các tai nạn, đột tử.

Theo các chuyên gia, với các trường hợp chạy đường dài, vận động viên có thể đối mặt với các tình trạng nguy hiểm khác có thể kể tới như:

- Thiếu oxy não, thiếu oxy cơ tim do hệ hô hấp không bù kịp.

- Hạ đường huyết do mất năng lượng quá nhiều không được bù kịp. Đặc biệt, việc thiếu đường cung cấp cho não và tim có thể dẫn tới tình trạng choáng và nặng nề hơn là đột quỵ não.

- Cường giao cảm gây co mạch dẫn tới co thắt mạch máu não, từ đó gây tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ não; co thắt mạch vành tim dẫn tới thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này cũng gây thiếu oxy tổ chức tim và não.

- Gây quá tải, trường hợp nặng dẫn đến chấn thương cơ - xương - khớp. 

 

Anh Vũ (Kim Mã, Hà Nội) cho biết: “Tôi biết khả năng sức khỏe của mình nên chỉ tham gia giải chạy của cơ quan với quãng đường trung bình mỗi ngày chạy khoảng 5 -10km”.

Thực tế, hiện nay, các vận động viên tham gia các giải việt dã, marathone, trail và đặc biệt là các giải online đa phần không kiểm tra, sàng lọc, điều trị những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể gây chấn thương, gây là các bệnh lý cấp tính về tim mạnh, hô hấp.

Thiết nghĩ, không chỉ có chạy, cứ tham gia chơi bất kỳ môn thể thao đều là tốt cho sức khỏe. Nhưng cần phải biết lắng nghe cơ thể mình xem có thích nghi với hoạt động với cường độ như thế hay không. Cần kiểm tra sức khỏe tổng quát và kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu sàng lọc các bệnh lý tim mạch, hô hấp, hệ vận động để đưa ra mức độ tập luyện phù hợp với mỗi tình trạng bệnh./.

Tuấn Trí

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN