Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Áp dụng công nghệ khử mặn để cấp nước ngọt cho người dân

Thứ Sáu, 09/10/2020 15:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hạn, mặn xâm nhập sâu trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây khiến nguồn nước trữ trong nhiều hệ thống thủy lợi cạn kiệt. Trước tình hình trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đầu tư các mô hình áp dụng công nghệ khử mặn để cấp nước ngọt cho người dân.

Công nghệ khử mặn thành nước ngọt tại ấp 5, xã Tân Phước Tây vừa đưa vào vận hành phục vụ dân sinh rất tốt . Ảnh: nhandan.com.vn

Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An vừa đưa vào vận hành mô hình khử nước mặn, sạch thành nước ngọt tại ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Kinh phí đầu tư một hệ thống khử nước mặn, sạch thành nước ngọt đạt tiêu chuẩn y tế, công suất 2 - 3 m3/giờ là 120 triệu đồng. Qua đó, cung cấp khoảng 20-30 m3 nước ngọt/ngày, giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn mặn. Mô hình vận hành bằng điện năng lượng mặt trời, không tốn chi phí để lọc thành nước ngọt.

Ông Trần Văn Niêm, người dân ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ cho biết: Trước đây, người dân sử dụng nước uống chủ yếu là nước mưa. Còn nước sinh hoạt chủ yếu là sử dụng nước ao, hồ. Có được hệ thống lọc nước này, người dân trong ấp rất vui mừng và phấn khởi.

Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Long An chia sẻ, công nghệ thẩm thấu ngược là giải pháp tiên tiến được áp dụng trên toàn cầu hiện nay, có khả năng khử mặn kể cả nước biển (độ mặn 35.000ppm) và cung cấp nước với quy mô lớn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của con người. Đối với tỉnh Long An, công nghệ khử nước mặn thành nước ngọt bằng phương pháp lọc thẩm thấu ngược để xử lý nước mặn thành nước ngọt phục vụ nhu cầu của người dân trong mùa hạn, mặn đã phát huy hiệu quả; đồng thời, kết hợp với năng lượng mặt trời, giảm giá thành, phù hợp điều kiện sinh hoạt của người dân ở vùng nông thôn hiện nay.

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Long An phối hợp với các ngành chọn những địa điểm có nguồn nước nhiễm mặn, sạch lắp đặt thêm 3 mô hình tại hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước để phục dân sinh.

Với tình trạng hạn, mặn thường xuyên xảy ra hằng năm thì việc ứng dụng công nghệ thẩm thấu ngược để khử nước mặn thành nước ngọt sạch đạt tiêu chuẩn là một giải pháp giúp người dân vùng ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, những vùng khó khăn về nước sinh hoạt và nước tưới cho vùng cây ăn trái đặc sản thì đây là một giải pháp giúp bà con sống chung với hạn và xâm nhập mặn./.

 

 

Thanh Thủy (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN