Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Áo dài Việt - giá trị và bản sắc

Thứ Tư, 08/06/2022 16:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Áo dài Việt Nam với giá trị văn hóa, bản sắc thể hiện rõ nét về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, những tà áo dài không ngừng biến đổi trong đời sống đương đại, nhưng vẫn luôn khẳng định giá trị truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Theo tài liệu, từ hơn 2000 năm trước khi Hai Bà Trưng giương lọng cưỡi voi, áo dài đã xuất hiện trong đời sống người Việt hay xuất hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh. Sau này áo dài vẫn luôn là trang phục không thể thiếu của người Việt. Áo dài Việt Nam đã đi cùng với lịch sử của dân tộc, không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới như triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến; là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều mang nét đặc trưng riêng. Sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lĩnh (năm 1744) - là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân. Phụ kiện đi kèm là chiếc nón ba tằm, quai thao.

Áo dài tứ thân (thế kỉ 17) kiểu áo dài từ cổ buông xuống dưới đầu gối chừng 20 cm. Áo có hai vạt trước và sau. Vạt trước có hai tà tách riêng nhau theo chiều dài. Vạt phía sau cũng được chia làm hai, nhưng khâu vào với nhau hình thành một đường dài gọi là sống áo. Do khổ vải thời này chỉ có chừng 35–40 cm nên phải căn tà lại với nhau để thành một vạt áo.

 Áo dài Giao Lãnh là kiểu áo sơ khai của áo dài Việt Nam (áo giữa).

Áo tứ thân gồm hai vạt, bốn tà. Áo tứ thân không có khuy, dài và có hai tay áo để xỏ vào khi mặc. Bên trong,người con gái mặc yếm. Có thể là yếm cổ xây hoặc yếm cánh nhạn xẻ sâu xuống mãi tận dưới. Yếm có màu nặng dành cho các bà đứng tuổi hoặc màu đào màu thắm đỏ dành cho các cô gái trẻ. Màu yếm này làm cho yếm có tên là yếm "bỏ bùa cho sư". Ngoài yếm là chiếc áo cánh mỏng màu trắng tinh. Cô gái lại tết ra ngoài chiếc dây lưng xanh giữ nhẹ sự kết hợp giữa áo cánh ngắn với cạp váy. Chiếc dây lưng xanh này còn có một giá trị trang trí về màu sắc. Ngoài cùng là chiếc áo tứ thân buông xuống tha thướt làm cho thân hình cô gái được gọn gàng, thon thả. Áo tứ thân không có khuy khi mặc, xỏ tay vào hai tay áo. Thế là đủ bộ để có thể vừa làm việc, vừa tung tẩy, đi đây đi đó.

Phần lưng áo gồm hai mảnh vải ghép lại, thường là màu nâu hoặc nâu non ghép với màu cùng gam; phía trước có hai thân tách rời, được buộc lại với nhau, thả trước bụng để tạo dáng người thon thả, phía trên không gài khít mà để lộ yếm màu bên trong; cổ áo viền 1 – 2 cm. Áo tứ thân dài gần chấm gót, tay áo bó chặt.

Theo tài liệu tại các bảo tàng áo dài, áo tứ thân không chỉ là một trang phục đẹp mà còn mang theo những ý nghĩa rất đặc biệt: Phía trước có hai tà, phía sau có hai tà (vạt áo) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ). Một vạt cụt có tác dụng như một cái yếm, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Năm hạt nút nằm cân xứng năm vị trí cố định, giữ cho nếp áo được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hai vạt trước buộc lại tượng trưng cho tình chồng vợ quấn quýt.

Trên cơ sở áo tứ thân, đến thời vua Gia Long áo ngũ thân xuất hiện. Loại áo này được thiết kế may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Giai cấp quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội. Áo có 4 vạt được may thành 2 tà như áo dài, ở tà trước có thêm một vạt áo như lớp lót kín đáo chính là vạt áo thứ 5. Kiểu áo này được may theo phom rộng, có cổ và rất thịnh hành đến đầu thế kỉ XX.

 Y phục của Hoàng hậu Nam Phương, triều Nguyễn thế kỷ 19 – Vị Hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam (mẫu tái hiện).

Trong hành trình phát triển của tà áo dài Việt Nam, một cuộc cách tân quan trọng với áo dài đó là sự xuất hiện của áo dài Lemur, do hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường sáng tạo, cải biến từ áo ngũ thân những năm 1930.

Tiếp đó là áo dài Lê Phổ - một biến thể của áo dài Lemur do họa sĩ Lê Phổ sáng tạo. Bà thiết kế thu gọn kích thước áo để ôm khít thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến sáng tạo mới mẻ khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn. Sau bốn năm phổ biến, áo dài lemur được nhà thiết kế bỏ hết những ảnh hưởng phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam đã rất nổi tiếng trong truyền thống nước nhà.

 Từ tà áo dài xưa đến những mẫu áo dài cách tân hiện đại hôm nay.

Trải qua các giai đoạn lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế thể hiện sự trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

Dù áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi qua nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được. Một trang phục biểu tượng cho tâm hồn và vẻ đẹp của người Việt Nam, xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Bài, ảnh: N.Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN