Anh và các nước thành viên thảo luận về việc gia nhập CPTPP
(ĐCSVN) - Kể từ khi Hiệp định được thành lập vào năm 2018, đây là lần đầu tiên Anh có cuộc trao đổi với tất cả các nước thành viên của CPTPP nhằm thảo luận về việc gia nhập thoả thuận này.
Ngày 10/09, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, Liz Truss cùng Chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Graciela Márquez đã chủ trì phiên thảo luận giữa Vương quốc Anh và Trưởng đoàn đàm phán từ 11 quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Graciela Márquez |
Kể từ khi Hiệp định được thành lập vào năm 2018, đây là lần đầu tiên Anh có cuộc trao đổi với tất cả các nước thành viên của CPTPP nhằm thảo luận về việc gia nhập thoả thuận này. Kể từ năm 2009, thương mại giữa Vương quốc Anh và các nước CPTPP đã tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm và trị giá hơn 112 tỷ bảng Anh vào năm 2019.
Vào ngày 17 tháng 6, 2020, Bộ Thương mại Quốc tế Anh đã công bố văn bản chính thức về việc Vương quốc Anh muốn gia nhập CPTPP, trong đó nêu rõ lý do kinh tế và chiến lược quốc gia nhằm giải thích lý do Chính phủ Vương quốc Anh muốn tham gia hiệp định thương mại khu vực này và đề ra các bước thực hiện tiếp theo đối với việc gia nhập CPTPP.
Phát biểu về cuộc thảo luận, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh, Liz Truss chia sẻ: “Cuộc họp hôm nay đưa ra một tín hiệu về tầm quan trọng của CPTPP đối với Vương quốc Anh và nhấn mạnh trọng tâm của nước Anh trong việc tăng cường thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cải thiện thương mại toàn cầu là điều thiết yếu để phục hồi kinh tế khỏi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đa dạng hóa các liên kết thương mại sẽ làm tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo an ninh của nền kinh tế thế giới trong tương lai.”
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward. |
Việt Nam là một trong 11 nền kinh tế thành viên của CPTPP. Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhấn mạnh : “Bên cạnh việc chia sẻ mục tiêu chung là Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, Vương quốc Anh cũng đang theo đuổi việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam đã phê chuẩn năm ngoái. Điều này sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghệ và chăm sóc sức khỏe”.
CPTPP chiếm 13% GDP toàn cầu vào năm 2018, con số này sẽ tăng lên 16% nếu Anh tham gia. Vương quốc Anh dự định tham gia quan hệ đối tác này nhằm thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu, thương mại và đầu tư của Vương quốc Anh tới các thị trường sôi động như Việt Nam.
CPTPP là hiệp định thương mại giữa 11 quốc gia (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam). Một số sản phẩm của Vương quốc Anh mà các nước thành viên CPTPP có nhu cầu cao nhất bao gồm đồ uống, ô tô, máy phát điện, dược phẩm và máy bay với tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 13 tỷ bảng Anh trong năm 2019. Thương mại giữa Vương quốc Anh và các nước CPTPP đã tăng trưởng về danh nghĩa gần 80% trong thập kỷ qua (2009-2019). Anh hiện là nhà đầu tư lớn thứ 15 của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 3,7 tỷ và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 13 tại Việt Nam năm 2019. Theo công bố gần đây của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, tổng thương mại song phương cả hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là 5,75 tỷ bảng Anh tính đến cuối quý I năm 2020. Các công ty của Vương quốc Anh đã nắm giữ khoản đầu tư trị giá gần 98 tỷ bảng Anh với các nước CPTPP vào năm 2018 và con số này là hơn 112 tỷ bảng với các nước trong khu vực vào năm 2019. |