Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Anh trả 2,3 tỷ bảng để dàn xếp tranh cãi thương mại với EU

Thứ Sáu, 10/02/2023 16:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 9/2, Anh thông báo đã hoàn tất việc thanh toán 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) cho Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết những tranh cãi trong thời gian dài liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm may mặc và giày dép từ Trung Quốc.

 Bộ trưởng Ngân khố Anh John Glen cho biết Chính phủ Anh mong muốn giải quyết dứt điểm các tranh cãi kéo dài với EU và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. (Ảnh: Reuters)

Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi tới Hạ viện, Bộ trưởng Ngân khố Anh John Glen cho biết Anh đã trả khoản tiền 1,1 tỷ bảng Anh còn lại vào ngày 6/2 vừa qua để giải quyết tranh cãi giữa hai bên.

Theo ông Glen, Chính phủ Anh "mong muốn giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài này và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình". 

Kể từ khi Anh chính thức rời khỏi EU, Anh đã không còn chịu sự ràng buộc bởi các quy định của EU. Tuy nhiên, các vấn đề như tranh chấp thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gây trở ngại cho mối quan hệ hai bên. Tranh cãi giữa Anh và EU xuất hiện từ năm 2011 -  2017 khi London vẫn là một thành viên của khối do các cuộc đàm phán Brexit vẫn dang dở.

Trước đó, hồi tháng 3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã cáo buộc giới chức Anh về hành vi không kiểm soát tốt hàng rào thuế quan đối với các doanh nghiệp nhập khẩu quần áo và giày dép từ Trung Quốc, qua đó đã để các sản phẩm này vào lãnh thổ châu Âu với mức thuế quan không phù hợp. Ngày 8/3/2018, EC đã gửi thư tới Chính phủ Anh, yêu cầu Anh bồi thường cho ngân sách của liên minh số tiền lên tới 2,7 tỷ euro.

Mặc dù Anh đã được cảnh báo về nguy cơ gian lận thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng may mặc và giầy dép có xuất xứ từ Trung Quốc ngay từ năm 2007 và đã được yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát các nguy cơ gian lận nhưng Anh đã không áp dụng các biện pháp để ngăn chặn gian lận có thể xảy ra.

Trước cáo buộc này của EC, Chính phủ Anh đã lên tiếng phản đối cáo buộc, cho rằng EU đã sử dụng “biện pháp không phù hợp” trong việc đánh giá các loại thuế quan của nước này, đồng thời khẳng định nước này đã thực hiện các biện pháp phù hợp để chống lại hành vi gian lận. 

Trước đó, cơ quan giám sát gian lận của EU (OLAF) đã chỉ ra, trong giai đoạn 2013 – 2016, những khoản tiền lớn đã bị gian lận do các công ty Trung Quốc làm giả các loại hóa đơn, khai báo gian lận đối với hải quan Anh. Các cuộc thanh tra sâu hơn của EC sau đó đã phát hiện sự việc này diễn ra "trên quy mô lớn trong thời gian từ năm 2011 - 2017" nhưng Anh đã không làm gì dù được thông tin rõ về nguy cơ của sự việc. EC ước tính việc Anh vi phạm luật pháp EU đã gây thiệt hại khoảng 2,7 tỷ euro cho ngân sách của khối.

Anh - EU đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán cho giai đoạn hậu Brexit từ tháng 3/2020 kể từ khi Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020 sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử vào năm 2016, đánh dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của quốc gia này.

Thỏa thuận giữa Anh và EU sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan. Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng các quyền như khi là thành viên của thị trường chung EU./.

H.Hà (Theo Reuters, US News)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN